ATS - tiên phong trong lĩnh vực tự động hóa trạm điện

Các chủ đề của Hội nghị và Triển lãm lần này đã tập trung đề cập đến các nội dung về chính sách và công nghệ trong Truyền tải & Phân phối và Lưới điện thông minh (Smart Grid). Vấn đề cần nâng cao hiệu quả hoạt động của ngành điện, nâng cao hiệu suất trong sản xuất và sử dụng điện cũng như năng lượng để đảm bảo sự phát triển kinh tế xã hội nhưng cũng đảm bảo sự đáp ứng đối với vấn đề nóng lên của trái đất là một yêu cầu đặt ra cho chúng ta phải phát triển Lưới điện thông minh.
Các thuyết trình và thảo luận bàn tròn đã đề cập đến kinh nghiệm của các nước trong khu vực bao gồm giải pháp, kinh nghiệm triển khai và các yêu cầu liên quan đến chính sách và cơ chế trong điều kiện của từng quốc gia.
Báo chí đã có cuộc trao đổi với ông Trần Anh Thái - Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH Hệ thống Kỹ thuật ứng dụng (Applied Technical Systems Co., Ltd. - ATS) - đơn vị tiên phong trong lĩnh vực tự động hóa trạm và cũng là Nhà tài trợ Vàng của Hội nghị và Triển lãm lần này về một số vấn đề liên quan đến Hội nghị.

ATS - tiên phong trong lĩnh vực tự động hóa trạm điện ảnh 1

Ông Trần Anh Thái - Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH Hệ thống Kỹ thuật ứng dụng (Applied Technical Systems Co., Ltd. - ATS)
Xin ông cho biết một số thông tin về Hội nghị và Triển lãm lần này?
Đây là hội nghị thường niên được tổ chức bởi Synergy, là đơn vị chuyên tổ chức các Hội nghị chuyên ngành điện nhằm mục đích trao đổi về công nghệ, kinh nghiệm, cơ chế và chính sách liên quan đến hoạt động điện lực. Mục tiêu của Hội nghị và Triển lãm là sẽ tạo ra môi trường trao đổi kiến thức giữa các nhà sản xuất, các chuyên gia, các viện nghiên cứu và các cơ quan điều tiết nhằm nâng cao hiệu quả trong sản xuất, phân phối và sử dụng điện cũng như các vấn đề liên quan đến phát triển bền vững và bảo vệ môi trường.
Được biết ông có một bài phát biểu tại Hội nghị lần này, xin ông vui lòng cho biết nội dung chính của bài phát biểu? ATS muốn thể hiện quan điểm như thế nào qua bài phát biểu này?
Trình bày của tôi được chuẩn bị cùng với ông Nguyễn Hữu Thành, Phó Trưởng phòng Kỹ thuật của Công ty Truyền tải điện 4. Nội dung trình bày liên quan đến các vấn đề phát triển trạm biến áp thông minh (Smart Substation) là một thành phần của Smart Grid, các công việc đã được hoàn thành cũng như kinh nghiệm cần rút ra để nâng cao hiệu quả vận hành lưới điện. Trong phần trình bày chúng tôi đã nhấn mạnh đến khả năng thực sự của một trạm biến áp thông minh liên quan đến quản lý vận hành và khai thác tốt nhất trang thiết bị của lưới điện truyền tải.
Thưa ông, mục tiêu và mong muốn của ATS khi tham gia Hội nghị và Triển lãm lần này?
Công ty ATS sau 12 năm phát triển đã có một vị thế hàng đầu trong một lĩnh vực rất khó của ngành điện, đó là sản xuất và cung cấp các hệ thống tích hợp điều khiển, bảo vệ và xử lý dữ liệu cho các trạm biến áp cũng như các hệ thống SCADA cho lưới điện. Các sản phẩm của ATS đã có được khả năng cạnh tranh đặc biệt đối với sản phẩm tương tự của các công ty đa quốc gia hàng đầu trên thế giới.
Đến với Hội nghị lần này với vai trò là Nhà tài trợ Vàng, chúng tôi mong muốn mang đến cho những người tham gia từ các quốc gia khác một hình ảnh về khả năng áp dụng công nghệ mới của các Công ty Truyền tải và Phân phối ở Việt Nam. ATS với sự nỗ lực trong R&D đã có được công nghệ tiên tiến phù hợp với các tiêu chuẩn quốc tế và phù hợp với hiện tại nhưng đã sẵn sàng cho tương lai.
ATS - tiên phong trong lĩnh vực tự động hóa trạm điện ảnh 2
Các đại biểu tại Hội nghị
Đến với Triển lãm lần này ATS giới thiệu cho khách tham quan những sản phẩm gì, thưa ông?
- Hệ thống tích hợp điều khiển, bảo vệ và xử lý dữ liệu các các trạm biến áp @STATION
- Hệ thống @SCADA+ dùng cho lưới điện truyền tải, phân phối và các trung tâm điều độ.
- Hệ thống @IMIS dùng cho thu thập và xử lý dữ liệu đo đếm điện năng
Ông có thể đánh giá những ưu nhược điểm của những giải pháp cho ngành điện hiện có trên thị trường?
Việc áp dụng công nghệ trong quản lý và sản xuất đòi hỏi phải được nghiên cứu kỹ lưỡng dựa trên các yếu tố về xu hướng quốc tế, nhu cầu thực tế của ngành, trình độ phát triển của các nguồn lực và khả năng tài chính. Các sản phẩm trước đây khi chúng ta nhập toàn bộ từ nước ngoài thường gặp phải các vấn đề như:
+ Công nghệ lạc hậu
+ Không đáp ứng được nhu cầu thực tế của người sử dụng
+ Tổng chi phí tài sản chủ sở hữu cao
+ Các dịch vụ kỹ thuật đi kèm không đảm bảo cho sự hoạt động ổn định của cả đời dự án.
Vậy những sản phẩm mà ATS trưng bày tại triển lãm lần này có thể khắc phục được những nhược điểm đó không, thưa ông?
Nắm được các yếu tố trên, với các sản phẩm của mình, ATS đã khắc phục được phần lớn các nhược điểm của một hệ thống khi chúng ta phải phụ thuộc toàn bộ vào các nhà cung cấp nước ngoài.
Sản phẩm của ATS hiện nay được phát triển dựa trên những tiêu chuẩn quốc tế hiện hành, công nghệ tiên tiến nhất trên Thị trường và phù hợp hoàn toàn với nhu cầu của người sử dụng và các qui định của ngành điện Việt Nam. Ngoài ra như một lãnh đạo của EVN trước đây đã từng phát biểu là do sự tham gia tích cực của ATS mà giá thành của các hệ thống này đã giảm hơn một nửa.
ATS hiện được biết đến như một đơn vị tiên phong trong lĩnh vực tự động hóa trạm, nghiên cứu và phát triển giải pháp Lưới điện thông minh – SmartGrid, một giải pháp mà hiện nay trên thế giới cũng đang mới bắt đầu nghiên cứu, Ông có thể chia sẻ một vài thông tin về vấn đề này, hiện ATS đã đang ở giai đoạn nào của quá trình này, liệu có thể hy vọng một tương lai không xa, Việt Nam cũng có một giải pháp Lưới điện thông minh do chính người Việt Nam phát triển?
ATS hiện nay đang chỉ tập trung vào ba khu vực (Domain) trong bẩy Domain của Smart Grid đó là Truyền tải, Phân phối và Điều độ. Những thành tựu mà ATS đạt được là rất khả quan. ATS hiện đang chiếm phần lớn thị phần về Smart Substation và hiện nay nhiều trung tâm điều độ cũng như trung tâm quản lý vận hành cũng đang sử dụng các sản phẩm của ATS. ATS hiện nay là đơn vị duy nhất có khả năng cung cấp hệ thống tích hợp cho các trạm không người trực phù hợp với yêu cầu của nhành điện Việt Nam.
Kinh nghiệm thực hiện trạm không người trực tại Công ty CP Điện lực Khánh Hòa và Công ty Truyền tải điện 4 đã giúp chúng tôi hoàn thiện về công nghệ cũng như giải pháp để có thể triển khai trên diện rộng theo định hướng phát triển của EVN.
Ông có thể chia sẻ một số thông tin về tầm nhìn, thành tựu và chiến lược của các Công ty điện lực Châu Á trong lĩnh vực Lưới điện thông minh này, để có một sự so sánh cơ bản nhất giữa Việt Nam và các nước trên thế giới về việc nghiên cứu và phát triển giải pháp này?
ATS - tiên phong trong lĩnh vực tự động hóa trạm điện ảnh 3
Ông Trần Anh Thái tại Hội nghị (ngoài cùng bìa trái)
Lưới điện thông minh hay còn gọi là Smart Grid là một hệ thống cực kỳ phức tạp, đặc biệt nó đòi hỏi một sự đầu tư rất lớn. Các nước phát triển và Trung Quốc đều đã dự kiến đầu tư hàng trăm tỷ USD từ nay cho đến 2020-2030 cho sự phát triển của Smart Grid. Nhu cầu phải có Smart Grid gần như đã được coi là tất yếu trên phạm vi toàn Thế giới. Tuy nhiên để phát triển Smart Grid của từng Quốc gia cần có một lộ trình cụ thể dựa trên các yếu tố về:
+ Cơ sở hạ tầng hiện tại
+ Nhu cầu thực tế và tiềm năng ứng dụng mang lại hiệu quả cao
+Trình độ phát triển của nguồn nhân lực tại các đơn vị hoạt động trong lĩnh vực điện lực
+Khả năng đầu tư
Đối với Việt Nam, mục tiêu đối với sự phát triển Smart Grid đã được đề cập cụ thể trong bài phát biểu khai mạc Hội nghị của Thứ Trưởng Hoàng Quốc Vượng, đó là đến năm 2015 sẽ giảm 5% phụ tải cao điểm và 20% lượng điện tiêu thụ cho một đơn vị GDP.
Với mục tiêu như vậy thì Bộ Công Thương, Cục Điều tiết điện lực cần ban hành lộ trình, các qui định liện quan đến đầu tư và trên cơ sở đó các đơn vị tham gia hoạt động điện lực mới có thể có được các bước triển khai cụ thể. Hiện tại các nước được coi là tiên tiến trong khu vực như Nhật Bản, Hàn Quốc và Singapore cũng chỉ mới bắt đầu triển khai thử ở các khu vực hẹp nhằm đánh giá và hoàn thiện công nghệ cũng như thể chế.
Được biết trong chương trình của Hội nghị lần này có một nội dung về Vai trò của Chính phủ và các cơ quan Điều tiết điện lực trong việc phát triển Hệ thống điện thông minh (Smart Grid), xin ông có thể cho biết ý kiến của mình về việc này? Chính phủ và các cơ quan Điều tiết điện lực đóng vai trò như thế nào trong việc này?
Vai trò chính của các cơ quan này liên quan đến cơ chế giá điện để các công ty truyền tải, công ty điện lực có thể thu hồi được vốn đầu tư cho Smart Grid. Vai trò quan trong nữa là việc tìm kiếm các nguồn vốn để hỗ trợ cho các dự án liên quan đến Smart Grid trong các chương trình phát triển Năng lượng sạch và Chống biến đổi khi hậu của các tổ chức quốc tế và quốc gia như World Bank, ADB, JBIC...
Kế hoạch phát triển của ATS trong thời gian tới, thưa ông?
ATS mong muốn sẽ đóng vai trò là đơn vị cung cấp chính trong việc phát triển Smart Grid tại Việt Nam. Tuy nhiên để làm được việc này chúng tôi cần sự hợp tác của của các công ty truyền tải, các công ty điện lực, các trung tâm điều độ, chúng tôi cần những hướng dẫn cụ thể của các cơ quan quản lý nhà nước đặc biệt là Bộ Công Thương và Cục Điều tiết điện lực (ERAV) và sự hỗ trợ của Chính phủ thông qua các chính sách liên quan đến Luật Công nghệ cao, Luật Đấu thầu và các cơ chế cần thiết để chúng tôi đạt được mục tiêu trên.
Xin cám ơn ông và chúc ông cùng ATS sớm đạt được những mục tiêu đã đề ra!
Theo Dân Trí

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm