Ba năm khổ vì một quy định bất hợp lý nhưng 'kêu mãi vẫn không sửa'

Ngày 12-11, Hội Lương thực Thực phẩm TP.HCM (FFA) phối hợp với Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), Hiệp hội Thực phẩm Minh Bạch (AFT), Hội Doanh nghiệp Hàng Việt Nam Chất lượng cao và Hội nước mắm Phú Quốc tổ chức Hội thảo "Thực trạng và đánh giá kết quả tác động trong 5 năm thực hiện quy định bổ sung vi chất dinh dưỡng vào trong chế biến thực phẩm”.

Gỡ vướng rồi lại tái thực hiện Nghị định 09

Nghị định (NĐ) 09/2016 quy định muối dùng để ăn trực tiếp, dùng trong chế biến thực phẩm phải được tăng cường i-ốt, và "bột mì dùng trong chế biến thực phẩm phải được tăng cường sắt và kẽm".

Tuy nhiên, quy định này đã và đang gây ra rất nhiều khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh, làm tăng chi phí, giảm năng lực cạnh tranh của DN Việt nhưng lại thiếu hiệu quả và không phù hợp với quốc tế.

Bà Lý Kim Chi, Chủ tịch FFA cho biết, nhiều lần hiệp hội đã kiến nghị mong muốn được tháo gỡ khó khăn từ quy định trên nhưng ba năm qua Bộ Y tế vẫn chưa đưa ra được quy định sửa đổi.

Đến tháng 5-2018, chính phủ ban hành Nghị quyết 19 về các giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2018.

Chính phủ giao Bộ Y tế "nghiên cứu, sửa đổi bổ sung nghị định 09" theo hướng bãi bỏ quy định về bổ sung i-ốt, sắt và kẽm vào thực phẩm như trên. Thay vào đó, chỉ nên khuyến khích doanh nghiệp chế biến thực phẩm sử dụng.

Thế nhưng đến tháng 9-2021 Bộ Y tế lại ban hành công văn yêu cầu doanh nghiệp thực hiện nghiêm NĐ 09, đồng thời xây dựng dự thảo Kế hoạch tăng cường thực thi NĐ này.

Điều này khiến các Hiệp hội và cộng đồng doanh nghiệp rất băn khoăn bởi một ngày NĐ 09 chưa được sửa đổi thì doanh nghiệp vẫn còn khó khăn.

Ngoài ảnh hưởng lớn đến hoạt động sản xuất kinh doanh, xuất khẩu, việc bắt buộc tất cả các DN chế biến thực phẩm phải bổ sung vi chất sẽ đồng nghĩa với việc người tiêu dùng dù đủ hay thừa i-ốt cũng phải sử dụng sản phẩm có bổ sung vi chất này.

Điều này đi ngược với các khuyến nghị của Tổ chức Y tế thế giới, dẫn đến nguy cơ tổn hại sức khỏe cho nhóm đối tượng trên.

"Mặt khác, hiện nay tỉ lệ sử dụng lúa mì chỉ chiếm 3% trong ba loại lương thực chính nên việc bổ sung sắt, kẽm vào bột mì rõ ràng là rất ít hiệu quả cải thiện sức khỏe cộng đồng" - lãnh đạo FFA nói.

Theo bà Chi, nếu không tháo gỡ vướng mắc này triệt để các DN sẽ bị ảnh hưởng uy tín, thương hiệu ở trong và ngoài nước, nhất là trong bối cảnh đại dịch Covid 19 ngày càng diễn biến kéo dài và phức tạp.

Chủ trương bổ sung iốt, sắt vào nước mắm, mì tôm khiến chất lượng sản phẩm bị ảnh hưởng. Ảnh: T. Uyên

Đừng buộc bổ sung vi chất dinh dưỡng đại trà

Cũng trong hội thảo, bà Phạm Minh Thùy Trang, Trưởng Phòng Nghiên cứu và Phát triển sản phẩm công ty Cổ phần Việt Nam Kỹ nghệ Súc Sản (Vissan), cho biết công ty gặp nhiều khó khăn trong vấn đề đưa i-ốt vào thực phẩm.

"Khi sản xuất chúng tôi có bổ sung i-ốt vào thực phẩm nhưng khi thành phẩm lại không còn hàm lượng i-ốt đó nữa. Nguyên nhân là i-ốt có tính thăng hoa khi gặp nhiệt độ và ánh sáng cao mà việc sản xuất thực phẩm chế biến sẵn như xúc xích, thịt nguội, thịt hộp... lại trải quá quá trình xử lý nhiệt độ cao trong thời gian dài. Do đó quy định trên vừa gây khó trong vấn đề hậu kiểm vừa lãng phí trong quá trình sản xuất” - bà Trang nói.

Trong khi đó, ông Kajiwara Junichi, Tổng giám đốc Công ty CP Acecook Việt Nam, cũng nhìn nhận NĐ 09 đã khiến công ty đối mặt với nhiều khó khăn và ảnh hưởng tới việc nhập khẩu nguyên liệu trong nhiều năm qua.

“Nhiều nước không sử dụng bột mì có bổ sung sắt, kẽm. Do vậy, nếu muốn tiếp tục xuất khẩu, công ty chúng tôi phải phân chia lại lượng bột mì theo từng khâu sản xuất trong nước và xuất khẩu, gây mất thời gian, giảm năng suất trong mỗi lần chuyển đổi nguyên liệu.

Điều này dẫn đến chi phí đầu tư quá lớn. Đó là chưa kể một số đơn vị phân phối tự ý xuất khẩu mặt hàng trong nước sang các quốc gia không chấp nhận i-ốt hay sắt, kẽm trong bột mì khiến chúng tôi đối mặt với các vấn đề pháp lý quốc tế, ảnh hưởng tới uy tín và cạnh tranh thương mại” - ông Junichi nói.

Do đó, các DN và hiệp hội đã đồng thuận, đề nghị Bộ Y tế khẩn trương có ý kiến để sửa đổi NĐ 09 theo đúng tinh thần Nghị quyết 19/2018 của Chính phủ.

Đồng thời chỉ nên yêu cầu muối dùng trong nấu ăn hàng ngày và các gia vị dạng rắn như hạt nêm, viên súp gia vị… phải bổ sung i-ốt, khuyến khích doanh nghiệp chế biến thực phẩm tăng cường vi chất dinh dưỡng vào thực phẩm chứ không bắt buộc.

Bên cạnh đó, Chính phủ cũng cần có các chương trình quốc gia như hỗ trợ việc tầm soát dinh dưỡng, hỗ trợ sản xuất muối i-ốt và khuyến khích bổ sung viên vi chất dinh dưỡng cho cộng đồng.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm