Bài học quý của doanh nghiệp “ba tại chỗ”

Trong thời điểm dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, việc các doanh nghiệp (DN) thực hiện “ba tại chỗ” (sản xuất tại chỗ, ăn tại chỗ, nghỉ ngơi tại chỗ) có ý nghĩa lớn trong việc giữ được mạch sản xuất và mang lại lợi ích nhất định cho người lao động (NLĐ). Tuy nhiên, nếu các DN tổ chức không thấu đáo sẽ không chỉ kém hiệu quả mà còn là mối nguy lây lan dịch bệnh rất lớn.

“Ba tại chỗ” vừa làm vừa lo bị đóng cửa

Mô hình “ba tại chỗ” được đánh giá là góp phần giúp tạo lập các khu sản xuất an toàn, cách ly với dịch bệnh nhằm bảo vệ chuỗi sản xuất. Tuy nhiên, số lượng nhà máy đáp ứng được yêu cầu của mô hình này không nhiều và đang giảm rất nhanh.

Theo Hiệp hội Da giày - Túi xách Việt Nam (Lefaso), số lượng DN đủ điều kiện áp dụng “ba tại chỗ” chỉ chiếm chưa đến 5% trong tổng số các thành viên trong hiệp hội.

Còn với Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam, lúc ban đầu có 100% công ty trong hiệp hội tham gia “ba tại chỗ” nhưng sau đó cũng rơi rớt dần. Đặc biệt vừa qua với sự xuất hiện của các ca F0, thậm chí cả chùm ca F0 trong một số nhà máy chế biến gỗ khiến các công ty áp lực, lo lắng.

Ví dụ tại Công ty Long Việt (Bình Dương), khi thực hiện “ba tại chỗ” được gần hai tuần thì phát hiện 248 NLĐ bị F0 trong tổng số 288 NLĐ. Công ty này cho biết trước khi triển khai “ba tại chỗ” đã thực hiện test đầu vào cho toàn bộ NLĐ, kết quả âm tính.

Một công ty gỗ khác chia sẻ chưa đầy một tuần thực hiện “ba tại chỗ”, khi test nhanh cho NLĐ thì phát hiện ca F0. “Mặc dù kịch bản ứng phó đã có nhưng tinh thần anh em vẫn không được bình tĩnh, tạo ra hiện tượng hoang mang” - đại diện công ty này cho biết.

Cũng theo DN này, quy trình hướng dẫn đã có nhưng khi liên lạc với cơ quan chức năng thì không được, công ty đành bất lực. “Phải đến ngày thứ sáu, khi Trung tâm Kiểm soát dịch bệnh Bình Dương ra kết luận về ca F0, y tế phường mới liên hệ với công ty đưa F0 đến nơi điều trị” - đại diện DN này cho hay.

Ông Phạm Ngọc Phước, Giám đốc điều hành Công ty An Khang Furniture, cho biết để triển khai “ba tại chỗ”, công ty phải đáp ứng các quy định khắt khe. Cụ thể, các công ty phải đầu tư đến vài tỉ đồng cho một nhà máy 400-500 công nhân gồm giường, chiếu, bàn ghế, bát đũa, xô chậu, WiFi…

Tuy nhiên, chỉ cần trong nhà máy xuất hiện một ca F0, nếu không kiểm soát được, để lây lan sẽ tạo tâm lý sang chấn cho công nhân nên đành phải đóng cửa. Như vậy, bao nhiêu vốn đầu tư, công sức mất hết.

Các doanh nghiệp đều cho rằng việc đẩy mạnh tiêm vaccine là giải pháp hữu hiệu nhất để hỗ trợ và giúp doanh nghiệp trong thời điểm khó khăn hiện nay. Ảnh: HOÀNG GIANG

Kinh nghiệm của người trong cuộc

Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM,ông Đỗ Xuân Lập, Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam, nhấn mạnh “ba tại chỗ” phải là sự kết hợp chặt chẽ giữa nhà sản xuất với chính quyền địa phương.

Nhà sản xuất phải làm công tác chuẩn bị, đáp ứng được điều kiện “ba tại chỗ”, đặc biệt phải có phương án dự phòng nếu có F0 trong nhà máy. Đồng thời phải bố trí khu cách ly, có thể ở ngoài khu vực nhà máy là tốt nhất, để tránh tâm lý công nhân hoang mang và bớt lây lan dịch trong nhà máy.

Với những công ty “ba tại chỗ” có 300-400 công nhân trở lên, phải có lực lượng biết về y tế cộng đồng để có thể tự xét nghiệm, sàng lọc. Từ đó sẽ giảm bớt chi phí và tự giải quyết được tại chỗ khi y tế địa phương chưa đến kịp hoặc quá tải.

“Chúng tôi kiến nghị chính quyền hỗ trợ, đào tạo cho đội ngũ y tế của DN biết làm những việc tối thiểu như tự xét nghiệm, sàng lọc, chăm sóc phân luồng... Qua đó để giảm chi phí cho DN và san sẻ gánh nặng với ngành y tế” - ông Lập nêu ý kiến.

Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam cũng nhấn mạnh DN nên áp dụng “ba tại chỗ” trong điều kiện phân tán rộng nhất có thể, tránh tình trạng lây nhiễm chéo hoặc lây lan ra toàn nhà máy. Nghĩa là toàn bộ NLĐ nếu ở lại “ba tại chỗ” thì không nên ở tập trung, ăn tập trung, làm tập trung.

“Nếu được thì tận dụng tất cả phòng ốc còn lại của công ty, từ phòng họp, phòng kho, phòng giao ban, quản lý... để làm “ba tại chỗ”, không nên tập trung. Kinh nghiệm thực tế đã chỉ ra khi phân tán như vậy nếu có ca bệnh cũng chỉ bị một cụm nhỏ, không lây lan ra tất cả công ty” - ông Lập nhấn mạnh.

Về giải pháp lâu dài, bà Phan Thị Thanh Xuân, Phó Chủ tịch Hiệp hội Da giày - Túi xách Việt Nam, cho rằng việc đẩy mạnh tiêm vaccine vẫn là hữu hiệu nhất. Trong trường hợp nguồn lực còn hạn chế, các đơn vị y tế tư nhân sẵn sàng tham gia vào cuộc để đẩy nhanh tốc độ tiêm chủng.

“Công ty tôi sẵn sàng đóng góp chi phí để mua vaccine sớm nhất cho công nhân. Việc này cần phải tiến hành rất nhanh nếu không muốn đứt gãy chuỗi sản xuất, công nhân không có việc làm, ảnh hưởng rất nhiều đến an sinh xã hội. Chưa kể khi DN không sản xuất, không quản lý lao động nữa thì địa phương phải quản lý, vô tình đẩy gánh nặng cho các địa phương” - bà Xuân nói.

Bà Xuân cũng cho rằng chính quyền cần giao thêm quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho DN. “Khi Nhà nước đã giao quyền thì chúng tôi phải đảm bảo an toàn để sản xuất không đứt gãy, đồng thời phải đảm bảo các biện pháp phòng chống dịch một cách chặt chẽ, không để xảy ra các trường hợp F0 trong nhà máy” - bà Xuân nhấn mạnh.

Chi phí để các công ty triển khai mô hình “ba tại chỗ” tăng rất nhiều so với bình thường. Ảnh: P.ĐIỀN

Công tư phải phối hợp chặt chẽ, nhịp nhàng

Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV) mới đây đã có văn bản gửi Thủ tướng Phạm Minh Chính đề xuất một số giải pháp cấp bách để hỗ trợ DN, trong đó có giải pháp “ba tại chỗ”.

Theo Ban IV, tại các tỉnh Bắc Giang, Bắc Ninh, mô hình “ba tại chỗ” đã được vận hành tương đối hiệu quả. Lý do, nhờ sự tuân thủ nghiêm của DN về phòng chống dịch và nhờ sự hỗ trợ sát sao của các cấp chính quyền.

Từ thực tế trên, Ban IV cho rằng đi kèm với thực hiện “ba tại chỗ” cần một quy trình phối hợp công tư chặt chẽ và một quy trình giám sát nghiêm túc trong việc triển khai để phát hiện và ứng phó sớm với mọi vấn đề phát sinh.

Điều này giúp địa phương tính toán được nhu cầu y tế và các điều kiện cần thiết khác duy trì cho chống dịch. Đồng thời giúp DN có thể yên tâm vận hành công việc và không bị rơi vào những tình cảnh khủng hoảng như tình trạng một số nhà máy trở thành chùm F0 như tại phía Nam mấy ngày qua. 

AN HIỀN

Linh hoạt, không rập khuôn cứng nhắc “ba tại chỗ”

Bà Lý Kim Chi, Chủ tịch Hội Lương thực Thực phẩm TP.HCM, nhìn nhận các DN đang rất lo lắng trước nguy cơ hiện hữu là phải dừng sản xuất bất cứ lúc nào khi gần đây xuất hiện tình trạng dịch xâm nhập vào một số nhà máy dù đang thực hiện “ba tại chỗ”.

“Nếu tình trạng này còn tiếp tục lan rộng thì nguy cơ đứt gãy chuỗi sản xuất, cung ứng hàng hóa thiết yếu cho TP.HCM rất lớn” - bà Chi lo lắng.

Đồng quan điểm, nhiều DN cũng nhận thấy mô hình “ba tại chỗ” khó có thể kéo dài vì không thể biến khu công nghiệp, nhà máy sản xuất thành một khu dân cư. Tâm lý NLĐ bất ổn khi phải ở lâu trong nhà máy chịu sự kiểm soát khắt khe. Vì vậy nhiều công ty đang dần rút lui khỏi mô hình “ba tại chỗ”. Do vậy cơ quan chức năng cần có giải pháp thay thế, cải tiến linh hoạt theo từng mô hình DN hoặc địa phương.

Tại chương trình Cà phê doanh nhân do Hiệp hội DN TP.HCM (HUBA) tổ chức mới đây, Phó Bí thư thường trực Thành ủy TP.HCM Phan Văn Mãi cho rằng không nên gò bó ở hai phương thức “ba tại chỗ” hay “một cung đường hai điểm đến”. Nếu từng DN, loại hình DN có phương thức sản xuất đảm bảo an toàn dịch bệnh thì có thể đề xuất. Theo đó, Ban chỉ đạo phòng chống dịch TP sẽ chỉ đạo Ban chỉ đạo phòng chống dịch quận, huyện, ngành chức năng thẩm định vận hành theo phương thức đó.

TÚ UYÊN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm