Bán đồ điện phải thu hồi đồ cũ

Đó là thông tin pháp luật được đăng tải trên Công báo của Pháp ngày 22-8: Các hãng phân phối bán ra sản phẩm điện gia dụng và điện tử (máy vi tính, điện thoại, tủ lạnh...) từ nay có trách nhiệm thu hồi “miễn phí” những sản phẩm điện và điện tử có kích thước nhỏ mà người tiêu dùng không còn sử dụng và “không được yêu cầu mua” sản phẩm mới nếu họ không có nhu cầu.

Theo Điều 4 của sắc lệnh này, nhằm bổ sung cho bộ luật về môi trường theo một chỉ thị của Liên minh châu Âu vào năm 2012, quy định trên được áp dụng đối với “các cửa hàng có diện tích trên 400 m2 dành cho kinh doanh các sản phẩm điện và điện tử”, tức các cửa hiệu chuyên bán hàng điện tử và một vài thương hiệu siêu thị.

Những sản phẩm nằm trong danh mục bắt buộc phải được thu hồi miễn phí có chiều dài phần vỏ bên ngoài dưới 25 cm, chủ yếu sẽ là điện thoại di động, máy tính bảng, lò nướng bánh mì, bình đun nước điện, các đồ chơi nhỏ chạy điện,...

Điều kiện cụ thể để áp dụng việc thu hồi sẽ được cụ thể hóa trong một nghị định sau. Song nhìn chung sắc lệnh này nhằm quản lý tốt hơn đầu ra các loại rác thải đa dạng này và kích thích khâu tái chế.

Theo Liên minh châu Âu, có đến 2/3 lượng rác thải điện và điện tử đã không được đưa đến các cơ sở tái chế được cấp phép chính thức khiến những cơ sở này luôn bị “đói hàng”. Vì thế sắc lệnh nói trên nhằm mục đích gia tăng tỉ lệ thu hồi số rác thải điện tử. Từ năm 2016 trở đi, tỉ lệ này được ấn định là 45% khối lượng trung bình các sản phẩm điện tử được bán ra thị trường trong vòng ba năm trước đó, sau đó sẽ tăng lên 65% từ năm 2019 (tức 85% khối lượng các sản phẩm điện tử được sản xuất).

Cuối cùng, sắc lệnh cũng quy định nghiêm ngặt hơn việc kiểm soát khâu chuyển giao các sản phẩm điện và điện tử nhằm tránh việc rác thải điện và điện tử được xuất sang một nước thứ ba, đặc biệt là châu Phi và Trung Quốc mà chưa qua khâu xử lý an toàn.

Theo thống kê, mỗi năm một người Pháp vứt bỏ từ 16 đến 20 kg các sản phẩm gia dụng điện và điện tử đã qua sử dụng. Và cũng trong một năm, thế giới thải ra 50 triệu tấn “rác điện tử”. Đây chính là nguồn cung to lớn cho các cơ sở tái chế.

TƯỜNG NGUYỄN (Theo Challenges)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm