Bán rau má, tía tô… Việt khắp thế giới nhờ công nghệ

Nhờ áp dụng công nghệ chế biến sau thu hoạch, hàng loạt sản phẩm như bột rau, hồ tiêu, kẹo dừa, mứt hoa quả, hoa quả sấy khô, nước ép... của Việt Nam đã vươn ra khắp thị trường thế giới.

Rau má giá 1 triệu đồng/kg, không lo tồn hàng

Một trong những điển hình về việc áp dụng công nghệ chế biến sau thu hoạch, đem lại giá trị cao cho nông sản có thể kể đến Công ty cổ phần Thực phẩm Quảng Thanh (Công ty Quảng Thanh) với sản phẩm là các loại bột rau đã được xuất khẩu đi hàng loạt thị trường khó tính trên thế giới. Hiện công ty đang có hơn 20 sản phẩm bột rau gồm bột rau má, bột rau tía tô, bột rau diếp cá, bột rau chùm ngây, bột rau cần tây, bột rau lá sen, bột khoai lang, bột rau ngót, bột bông cải xanh...

Chia sẻ với Pháp Luật TP.HCM, Giám đốc Công ty Quảng Thanh Nguyễn Ngọc Hương cho biết Việt Nam có vùng nguyên liệu rất phong phú nhưng việc áp dụng công nghệ sau thu hoạch lại rất yếu.

Nếu bán rau tươi thì chỉ bán được ở các chợ, siêu thị ở trong nước nhưng nếu chế biến thành bột rau có thể bán ra khắp thị trường thế giới. Nhờ cơ duyên và đoán bắt được nhu cầu của thị trường, công ty đã mạnh dạn nghiên cứu công nghệ, đầu tư nhiều máy móc để chế biến rau tươi thành bột rau.

Điều đáng chú ý là chất lượng bột rau sau khi thành phẩm có lượng dinh dưỡng vẹn nguyên như rau tươi, không bị hao hụt. Và lượng tiêu thụ rau cũng tăng lên gấp nhiều lần, bởi để làm ra được 1 kg bột rau thì cần đến khoảng 20 kg rau tươi, nhờ vậy bà con không sợ bị tồn hàng. Từ nguồn nguyên liệu ban đầu hơn 1 ha, sau năm năm công ty đã phải mở rộng lên hơn 20 ha.

“Áp dụng công nghệ chế biến sau thu hoạch đem lại rất nhiều lợi ích cho nông sản. Đó là tăng giá trị sản phẩm, giúp sản phẩm được thương mại hóa với quy mô lớn. 1 kg rau má tươi được bán với giá khoảng 15.000-25.000 đồng/kg nhưng 1 kg bột rau có giá trên dưới 1 triệu đồng. Rau má tươi thường chỉ bán ở chợ, siêu thị, còn bột rau má thì có thể bán ra cả thế giới. Rau má tươi chỉ bảo quản trong tủ lạnh tối đa được hai ngày, sau đó bị biến tính, ôi, bốc mùi, giảm chất lượng. Nhưng với bột rau má kéo dài thời gian bảo quản gấp 180 lần, có nghĩa là để được cả năm” - bà Hương chia sẻ.

Tiêu thô bán 80.000 đồng, tiêu chế biến 300.000 đồng

Với trường hợp củaHợp tác xã (HTX) Nông nghiệp và dịch vụ Nam Yang (Gia Lai), nhờ áp dụng công nghệ sau thu hoạch đã giúp nâng cao giá trị cho sản phẩm tiêu, cà phê, măng khô, khoai sấy dẻo... Từ đó tránh được tình trạng được mùa rớt giá, từ đó vươn ra thế giới.

Bà Nguyễn Thị Nga, Phó Giám đốc HTX, cho biết tại địa phương cây tiêu đã có lịch sử gần 60 năm. Tuy nhiên, trước đó người dân trong vùng chỉ tập trung bán thô với giá trị không cao, mức giá trung bình chỉ vài chục ngàn đồng/kg.

“Có thời điểm, tiền bán tiêu thô không đủ bù đắp cho chi phí sản xuất, không đủ tiền công hái nên bà con bỏ rẫy không thu hoạch, không chăm sóc” - bà Nga cho biết.

Sản xuất bột rau má, rau tía tô, rau diếp cá… xuất khẩu tại Công ty cổ phần Thực phẩm Quảng Thanh. Ảnh: NVCC

Trước tình hình đó, HTX tiến hành xây dựng thương hiệu Tiêu Lệ Chí, làm ra các sản phẩm tiêu chất lượng cao theo quy trình hữu cơ; chuyển từ bán thô sang bán các sản phẩm đã qua chế biến để nâng cao giá trị sản phẩm, đồng thời đáp ứng tiêu chuẩn của nhiều thị trường khó tính.

“Nhờ cách làm này, giá trị hạt tiêu cao hơn. Ví dụ bán thô được hơn 80.000 đồng/kg thì sau khi trải qua các quy trình trên, giá tiêu được nâng lên, với giá sỉ 300.000 đồng/kg và giá lẻ 500.000 đồng/kg” - bà Nga cho biết.

Tại những vựa vải thiều lớn của cả nước như Hải Dương, Bắc Giang…, ngoài bán quả tươi, nhiều nhà sản xuất, kinh doanh cũng bắt đầu chú ý đến việc áp dụng công nghệ sau thu hoạch như đầu tư kho lạnh, các nhà máy chế biến sấy khô, làm nước ép. Một số công ty cũng đang nghiên cứu sản phẩm mới là giấm vải thiều.

Đây là hướng đi mới, giúp đa dạng hơn các sản phẩm từ quả vải thiều và giúp người nông dân hoàn toàn yên tâm về đầu ra, không lo bị tồn hàng, ế, hỏng.

 Theo Cục Chế biến và phát triển thị trường nông sản thuộc Bộ NN&PTNT, cả nước hiện có 7.500 doanh nghiệp chế biến nông lâm thủy sản quy mô công nghiệp có gắn với xuất khẩu và hàng vạn cơ sở chế biến nhỏ lẻ, hộ gia đình. Tuy nhiên, nông sản còn nhiều hạn chế như phương pháp bảo quản còn đơn giản, lạc hậu, vì vậy sản phẩm sơ chế giá trị gia tăng thấp chiếm đến 70%-80%.

Cần chống lãng phí

Tại buổi làm việc với Viện Cơ điện nông nghiệp và Công nghệ sau thu hoạch mới đây, tân Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan dẫn câu chuyện người nông dân ở Hàn Quốc, Nhật Bản khi trồng táo, lúc thu hoạch họ sẽ phân loại làm ba phần: Phần ngon nhất bán ra thị trường, phần còn lại trữ trong kho lạnh chờ bán dần và phần cuối cùng là quả không đủ tiêu chuẩn bán tươi thì đưa vào chế biến.

Ngược lại với nông dân Việt Nam, nhiều người lại có tư tưởng bán một lần cho xong, không muốn phân loại để tận dụng lợi thế phân loại nông sản.

Ông Hoan cũng kể chuyện khi đi thăm một nhà vườn trồng quýt ở Đồng Tháp, người chủ vườn tìm cách ép nước quýt rất ngon nhưng lại không vận chuyển đi xa được vì không biết cách bảo quản. Trong khi đó trái quýt ở Trung Quốc thu hoạch rồi nạo lấy lõi sản xuất nước uống, còn lại vỏ quả có tinh dầu dùng để ướp chè. Còn với trái quýt ở Việt Nam thì nông dân không biết làm gì, thừa chỉ có đổ đi.

Tân bộ trưởng còn dẫn câu chuyện trái cam ở Hàm Yên (Tuyên Quang) nhờ có công nghệ bảo quản nên có thể vận chuyển vài ngày trên tàu, qua các chợ đầu mối rồi mới đến tay người tiêu dùng nhưng vẫn tươi ngon. Trong khi đó, trái xoài Đồng Tháp do khâu bảo quản chưa tốt nên chuyển ra Hà Nội thì hao hụt lớn khiến khâu trung gian phải hạ giá thu mua để bù đắp.

Từ đó, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho rằng để chuyển tư duy nông nghiệp là ngành sản xuất sang ngành kinh tế thì vai trò công nghệ sau thu hoạch rất lớn. Bởi giá trị gia tăng của việc phân loại, công nghệ bảo quản, sơ chế, chế biến sâu... có khi còn tạo ra giá trị gấp đôi sản phẩm chính.

“Việc áp dụng công nghệ mới, chế biến sâu trong nông sản còn giúp tránh được tổn thất sau thu hoạch, vốn là vấn đề rất nan giải trong ngành nông nghiệp” - Bộ trưởng Hoan nhấn mạnh.

Chế biến, bảo quản tốt có thể giúp cá, tôm gia tăng giá trị lên nhiều lần.
Ảnh: QUANG HUY

Việt Nam đã có công nghệ tốt để bảo quản trái cây, thủy sản

Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, PGS-TS Phạm Anh Tuấn, Viện trưởng Viện Cơ điện nông nghiệp và Công nghệ sau thu hoạch, cho biết: Hiện tại Việt Nam có thể làm chủ được cơ bản công nghệ và thiết bị phục vụ cho chuỗi cung ứng lạnh tương đương trình độ quốc tế với giá thành thấp hơn so với nhập khẩu 30%-40%. Tuy nhiên, trong nước chưa có công ty chuyên ngành nào chế tạo, lắp ráp phương tiện xe lạnh và container lạnh.

Ông Tuấn cho biết thêm Việt Nam cũng đã nghiên cứu ra các phương pháp giúp kéo dài thời gian bảo quản cho trái cây bằng công nghệ MAP kết hợp xử lý chế phẩm sinh học. Ví dụ, quả vải thiều có thể kéo dài thời gian bảo quản 30-35 ngày ở điều kiện lạnh 4 độ C; quả nho Ninh Thuận có thể kéo dài thời gian bảo quản 55-60 ngày ở điều kiện 2-3 độ C, tương đương với kết quả nghiên cứu trên thế giới đã công bố.

Đối với quả chanh leo, bảo quản bằng công nghệ MAP giúp kéo dài thời gian bảo quản đến 55-60 ngày ở nhiệt độ 6-7 độ C, trong khi đó Thái Lan và Đài Loan mới bảo quản được 30-32 ngày.

“Viện cũng đã nghiên cứu và đưa vào ứng dụng thành công công nghệ cấp đông siêu tốc bằng chất lỏng, ở quy mô công nghiệp cho đối tượng thủy sản xuẩt khẩu như cá ngừ đại dương, mực ống, tôm thẻ chân trắng và hàu tại Công ty Chế biến thủy sản Bá Hải, tỉnh Phú Yên. Đây là công nghệ có tiềm năng ứng dụng cho rau quả và súc sản gia cầm, chi phí đầu tư chỉ bằng 35% so với nhập khẩu của Nhật Bản” - ông Tuấn khẳng định. 

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm

ĐHĐCĐ 2024 Tập đoàn GELEX diễn ra thành công

ĐHĐCĐ năm 2024 Tập đoàn GELEX diễn ra thành công

(PLO)- Sáng 28-3, Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên năm 2024 của Công ty cổ phần Tập đoàn GELEX đã diễn ra tại Hà Nội. Với sự đồng thuận và nhất trí cao, Đại hội đã thông qua toàn bộ các báo cáo, tờ trình và nhiều nội dung quan trọng khác.

Giá vàng miếng SJC bất ngờ 'nóng' trở lại

Giá vàng miếng SJC bất ngờ 'nóng' trở lại

(PLO)- Thị trường vàng trong nước có phiên tăng giá thứ hai liên tiếp. Đáng nói là trong khi vàng nhẫn tăng không đáng kể thì vàng miếng SJC lại có bước nhảy vọt, vượt mốc 81 triệu đồng/lượng.

Tranh cãi về đề nghị điều tra chống bán phá giá thép Trung Quốc

Tranh cãi về đề nghị điều tra chống bán phá giá thép Trung Quốc

(PLO)- Hai doanh nghiệp sản xuất thép có thị phần lớn ở Việt Nam đã gửi hồ sơ đến Bộ Công Thương đề nghị điều tra chống bán phá giá đối với sản phẩm thép cán nóng (HRC) có nguồn gốc từ Trung Quốc. Thông tin này gây ra nhiều ý kiến trái chiều trong nội bộ ngành thép.