Vẫn có nhiều doanh nghiệp tìm được cơ hội trong dịch

Nhiều giải pháp giúp doanh nghiệp (DN) vượt qua đại dịch đã được đưa ra tại buổi tọa đàm “Báo chí – doanh nghiệp đồng hành cùng đất nước hội nhập lần thứ 1: Cơ hội và thách thức đối với doanh nghiệp trong cuộc chiến chống COVID-19”, do Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức chiều 18-9 tại TP.HCM.
TS Trần Du Lịch, chuyên gia kinh tế cho biết đợt thứ hai của dịch COVID-19 tác động đến nền kinh tế thực sự nghiêm trọng, tuy nhiên nền kinh tế nước ta vẫn tăng trưởng. Thứ nhất là tín hiệu tích cực là xuất khẩu vẫn tăng, trong 8 tháng đầu năm 2020, Việt Nam xuất siêu 12 tỉ USD.
Và với tình hình hiện nay, vẫn có những DN tìm được cơ hội trong dịch. Một số công ty ngành thép vẫn tăng trưởng, vẫn xuất khẩu tốt. Một số DN ngành da giày đã tìm được đơn hàng trở lại. Tuy nhiên, ngành gặp rất nhiều khó khăn như hàng không, nhà hàng, khách sạn…

TS Trần Du Lịch, chuyên gia kinh tế cho biết cơ hội thời điểm này chia đều cho các DN, thách thức lúc này là DN biết chọn cơ hội để phát triển để thoát khỏi khó khăn.

“Cơ hội không chia đều cho các DN, thách thức lúc này là ai biết chọn cơ hội để phát triển để thoát khỏi khó khăn. Niềm tin nền kinh tế vẫn ổn định phát triển tốt vì tỉ giá ổn định, dự trữ ngoại hối cao. Điểm sáng nữa là biến động giá vàng không ảnh hưởng đến nền kinh tế. Giải pháp thúc đẩy đầu tư công đã bắt đầu phát huy tác dụng”, TS Lịch nói.
Theo ông Lịch, gói đầu tiên về tín dụng, tài khoá là để thở, sắp tới cần gói thứ hai là phao cứu trợ để DN có sức phát triển phục hồi sau dịch. Bên cạnh đó, DN phải tái cơ cấu, khai thác thị trường từ các hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam ký kết tham gia.
“Tinh thần lạc quan, năng động ứng phó mọi khó khăn đó là những điểm mạnh của doanh nghiệp Việt Nam cần phát huy. Và đi cùng với đó, rất cần sự đồng hành của báo chí về thông tin tuyên truyền giúp các chính sách đến gần hơn với doanh nghiệp, người dân”, ông Lịch chia sẻ.
Ông Trần Hùng Việt, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch TP.HCM cũng cho biết dịch xảy ra đợt 1, công suất phòng các khách sạn chỉ có 10%, khách sạn chỉ có vài người khách. Kéo theo các ngành khác như nông sản, vận tải, hàng không cũng ảnh hưởng theo.
“Thế nhưng sau khi dịch COVID-19 được kiểm soát trong đợt 1, hiệp hội và doanh nghiệp du lịch ngồi lại, báo chí đồng hành rất mạnh mẽ để đưa ra những kế hoạch phục hồi kích cầu du lịch nội địa sau đợt dịch lần thứ nhất. Kết quả là khách du lịch trở lại rất đông, nếu không có đợt dịch lần thứ hai bùng phát thì ngành du lịch sẽ tăng trưởng rất tốt”, ông Việt chia sẻ.

Ông Trần Hùng Việt, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch TP.HCM cho biết ngành du lịch ảnh hưởng nặng nề vì dịch COVID-19.

Vì vậy, ông Việt đánh giá cao vai trò của báo chí rất quan trọng trong việc thông tin để phục hồi ngành du lịch cũng như các ngành kinh tế khác. Sắp tới đây, mong rằng báo chí và DN tiếp tục cùng đồng hành thông tin tuyên truyền làm sao kích cầu cho các ngành. “Chỉ cần những bài viết thông tin về những điểm đến đẹp của Việt Nam, những điểm du lịch an toàn, như vậy khách du lịch sẽ quy trở lại", ông Việt nói.
Về phía cơ quan báo chí, nhà báo Mai Ngọc Phước, Tổng biên tập báo Pháp Luật TP.HCM, nhận định dịch COVID-19 ảnh hưởng rất lớn đến tình hình sản xuất kinh doanh DN, khoảng 80% DN ngành dệt may, da giày, du lịch, vận tải, hàng không… đều bị khó khăn. Trước những khó khăn đó, báo chí cũng đã đồng hành cùng doanh nghiệp trong thời gian qua cùng đồng cam, cộng khổ với DN.

Nhà báo Mai Ngọc Phước, Tổng biên tập Báo Pháp Luật TP.HCM cho biết báo chí đã góp phần hun đúc tinh thần doanh nhân, tinh thần khởi nghiệp, khuyến khích DN vượt khó. 

“Thứ nhất, báo chí là cầu nối giữa DN và Nhà nước, báo chí phản ảnh những chủ trương chính sách của nhà nước đối với nền kinh tế, cộng đồng DN. Ngược lại, báo chí cũng lắng nghe sẻ chia khó khăn DN trong việc thực thi các chính sách chủ trương đó để cơ quan nhà nước tiếp nhận và có những điều chính phù hợp. Thứ hai, báo chí góp phần làm cầu nối giữa DN và khách hàng, xây dựng niềm tin giữa khách hàng và DN. Báo chí thông tin những phản hồi của khách hàng để giúp DN sửa đổi tốt hơn”, ông Phước nói.
Ngoài ra, theo ông Phước, báo chí đã góp phần hun đúc tinh thần doanh nhân, tinh thần khởi nghiệp, khuyến khích DN vượt khó, đưa ra những gương DN điển hình để các DN khác học tập. Thứ tư, báo chí góp phần đính chính những thông tin sai lệch trên mạng xã hội, những thông tin chính thống trên báo chí là rất cần cho DN và người dân.

Quang cảnh buổi tọa đàm.

Ông Phước cũng nhìn nhận, các cơ quan báo chí cần đào tạo trau dồi chuyên môn cho phóng viên, biên tập viên am hiểu hơn kiến thức chuyên ngành để trong công tác thông tin tuyền truyền về nền kinh tế, hoạt động của DN chính xác hơn.
Bên cạnh đó, ông Phước cũng cho rằng các cơ quan báo chí cần thông tin chính xác trung thực đa chiều kịp thời để tránh DN bị thiệt hại. Báo chí cũng không để DN bất chính lộng hành, đưa ra ánh sáng những DN vi phạm quy định pháp luật. Ngược lại, DN cũng cần cần coi báo chí là đối tác cùng trao đổi, cùng chia sẻ thông tin.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm