Bắt đầu loạn giá sữa

Cô Nguyễn Thị Thanh, chủ cửa hàng sữa (quận Tân Bình), cho biết từ mùng 6 tết sản phẩm Dutch Lady cũng hút hàng, không có để bán cho khách. Trong lúc này một khách hàng đến hỏi hộp sữa Friso 1, cô Thanh cho biết trưng bày trên kệ là hộp không. Khách hỏi sang Abbott Grow, cô cũng trả lời không có. Chị Nguyệt ở quận Tân Phú than thở: “Mới đây đi mua sữa ở gần nhà nhưng cửa hàng nói hết rồi. Nghe nói giá cũng sắp lên”.

Chủ một cửa hàng sữa ở quận Gò Vấp cho biết từ hôm tết đến nay, các hãng sữa Abbott, Dutch Lady đã đứt hàng, đặc biệt Gain IQ Plus 1,7 g được bán theo giá mới là 800.000 đồng/sản phẩm nhưng cũng hết.

Như vậy, liệu có tình trạng găm mặt hàng sữa?

Ngày 21-2, Pháp Luật TP.HCM thông tin các hãng sữa trả lời nguyên nhân tăng giá lần này do chi phí đầu vào tăng, nhân công, trượt giá… Tuy nhiên, hiện nay giá sữa nguyên liệu chỉ khoảng 90.000 đồng/kg. Thông tin từ Cục Quản lý Giá cho thấy giá nguyên liệu sữa nhập về cũng không tăng.

Ông Nguyễn Quốc Chiến, Trưởng ban Vật giá - Sở Tài chính TP.HCM, cho biết vừa rồi Sở Tài chính đã duyệt cho Vinamilk tăng giá vì xét đủ điều kiện hợp lý. Các nhãn sữa khác thì thuộc thẩm quyền của các cơ quan ngoài Bộ.

Bên cạnh đó, theo Thông tư 104/2008/TT-BTC có hướng dẫn thực hiện Nghị định 170/2003 và Nghị định 75/2008 về thi hành một số điều của pháp lệnh giá, DN được tự quyết định về giá bán và mức giá này không được quá cao, phải phù hợp với tình hình kinh doanh của DN. Khi bán giá mới, DN phải đăng ký với cơ quan chức năng, tối đa bảy ngày nếu được chấp nhận mới được bán theo giá mới. Sữa dành cho trẻ sáu tháng tuổi mới phải đăng ký giá.

Hiện trên thị trường, một số nhãn hiệu sữa ghi trên nhãn sản phẩm là “sản phẩm dinh dưỡng”, “thực phẩm bổ sung” nhưng theo các đại lý thì đây vẫn là sữa bột. Điều này có thể “né” cơ quan chức năng trong đăng ký giá và quản lý giá cũng như được hưởng thuế khác đi.

Theo bà Nguyễn Minh Hương, Trưởng Văn phòng luật sư A Hòa, trong trường hợp DN vi phạm về gian lận thương mại thì sẽ có chế tài.

Chẳng hạn, sự việc sữa dê D. là “thực phẩm chức năng” nhưng dựa trên công bố chất lượng bên Pháp và đăng ký với cơ quan quản lý Việt Nam lại đổi thành sữa. Đây là gian lận thương mại và sẽ có chế tài như xử phạt vi phạm hành chính hoặc tùy vào giá trị hành vi vi phạm có thể bị chuyển lên xử lý hình sự. Trong trường hợp nhập nhèm giữa “sữa bột” và “sản phẩm dinh dưỡng” thì đòi hỏi cơ quan như Bộ Y tế vào cuộc để từ đó có cơ sở xác định DN có vi phạm hay không rồi mới áp dụng chế tài.

TÚ UYÊN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm