Biệt phái từ công ty mẹ sang Việt Nam có phải đóng BHXH?

Chủ đề giấy phép lao động nước ngoài, quy định về BHXH bắt buộc đối với lao động nước ngoài là những câu hỏi nóng được các doanh nghiệp (DN) chất vấn tại Hội nghị đối thoại giữa DN và chính quyền thành phố về chính sách lao động, việc làm, an toàn lao động và giáo dục nghề nghiệp, do Trung tâm Xúc tiến thương mại và đầu tư TP.HCM tổ chức ngày 31-10.

Đại diện Công ty TNHH BHNT Dai-Ichi Việt Nam đặt vấn đề: Theo Nghị định 143/2018/NĐ-CP về BHXH bắt buộc cho người lao động (NLĐ) nước ngoài. Các chuyên gia nước ngoài đang làm việc tại công ty tại Việt Nam, được biệt phái từ công ty mẹ sang thì có thuộc đối tượng đóng BHXH bắt buộc không (những chuyên gia này được miễn giấy phép lao động). 

Đại diện DN này hỏi tiếp: Trường hợp chuyên gia được biệt phái từ công ty mẹ sang nhưng làm việc tại một công ty con của công ty con tại Việt Nam thì có được miễn đóng BHXH không?

Ngoài ra, những câu hỏi về thai sản, chế độ thất nghiệp, an toàn lao động, thời gian nghỉ ngơi cũng được đại diện các doanh nghiệp đặt nhiều câu hỏi. Ảnh: P.ĐIỀN

Ông Nguyễn Tất Năm (Trưởng phòng Lao động-Tiền công, Tiền lương, Sở LĐ-TB&XH) hồi đáp: Đối tượng áp dụng đối với NLĐ là công dân nước ngoài làm việc tại Việt Nam thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc khi có giấy phép lao động, chứng chỉ hành nghề hoặc giấy phép hành nghề do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp và có hợp đồng lao động không xác định thời hạn, hợp đồng lao động xác định thời hạn từ đủ một năm trở lên với người sử dụng lao động tại Việt Nam.

Còn NLĐ di chuyển trong nội bộ doanh nghiệp không thuộc đối tượng đóng BHXH bắt buộc gồm: NLĐ nước ngoài di chuyển trong nội bộ DN là nhà quản lý, giám đốc điều hành, chuyên gia và lao động kỹ thuật của một DN nước ngoài đã thành lập hiện diện thương mại trên lãnh thổ Việt Nam và đã được DN nước ngoài tuyển dụng trước đó ít nhất 12 tháng.

Như vậy, theo quy định hiện hành, các chuyên gia nước ngoài đang làm việc tại công ty tại Việt Nam, được biệt phái từ công ty mẹ sang (những chuyên gia này được miễn giấy phép lao động) và các chuyên gia được biệt phái từ công ty mẹ sang nhưng phải làm việc tại một công ty con của công ty tại Việt Nam. Theo đó, những chuyên gia này không được miễn giấy phép lao động thì không thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc. 

Ngoài ra, đại diện các đơn vị còn phàn nàn về tình trạng bộ phận tiếp nhận và xử lý hồ sơ cấp giấy phép lao động thuộc Sở LĐ-TB&XH TP.HCM (lao động nước ngoài) chưa linh hoạt, gây khó cho các đơn vị đến làm thủ tục xin cấp giấy phép.

Đánh giá về chương trình đối thoại, ông Nguyễn Tuấn, Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại và đầu tư TP.HCM (ITPC), cho rằng qua đối thoại nhằm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, giúp DN cập nhật kịp thời nội dung các chính sách, quy định pháp luật hiện hành để thực hiện hiệu quả kinh doanh sản xuất, đồng thời đảm bảo chăm lo tốt đời sống của NLĐ tại DN. 

NLĐ nước ngoài làm việc tại Việt Nam thực hiện các chế độ BHXH bắt buộc gồm ốm đau, thai sản, bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, hưu trí và tử tuất. 

Từ ngày 1-1--2022, lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam hằng tháng phải đóng bằng 8% mức tiền lương tháng vào quỹ hưu trí và tử tuất. 

Đối với NLĐ không thể làm việc và không hưởng tiền lương từ 14 ngày làm việc trở lên trong tháng thì không đóng BHXH tháng đó. Thời gian này không được tính để hưởng BHXH, trừ trường hợp nghỉ việc hưởng chế độ thai sản.

Còn người sử dụng lao động hằng tháng đóng trên quỹ tiền lương tháng đóng BHXH cuả NLĐ gồm: 3% vào quỹ ốm đau và thai sản; 0,5% vào quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; 14% vào quỹ hưu trí và tử tuất từ ngày 1-1-2022.

Nghị định 143/2018/NĐ-CP về BHXH bắt buộc cho NLĐ nước ngoài

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm