Bỏ quy định giá trần vé máy bay: Lợi cả đôi đường!

Giá vé máy bay sẽ do chính các hãng hàng không Việt Nam tự quyết trên cơ sở giá thị trường. Quyết định thả nổi giá dịch vụ hàng không vừa được Chính phủ phê duyệt và chỉ đạo áp dụng ngay trong tháng 12-2008.

Chỉ “buông” đường bay có cạnh tranh

Thực chất quyết định cho phép tự quyết định giá vé máy bay nói trên dựa theo Thông tư 103 của liên bộ Tài chính-Giao thông Vận tải về cơ chế mới trong quản lý giá vé máy bay nội địa sau khi có sự đề xuất của các hãng hàng không. Trước đó, vào tháng 2, Chính phủ cũng cho phép các hãng hàng không nâng mức giá vé trần từ 1,5 triệu lên 1,7 triệu đồng. Tuy nhiên, đây chỉ là giải pháp tạm thời nhằm tháo gỡ khó khăn cho các hãng hàng không khi giá nhiên liệu tăng cao. Thực tế mức giá trần 1,7 triệu đồng chưa thực sự giúp doanh nghiệp đưa ra mức giá vé linh hoạt mỗi khi có biến động.

Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, trưởng ban Vận tải hàng không của Cục Hàng không Việt Nam - ông Võ Huy Cường cho biết sẽ bãi bỏ quy định về giá trần vé máy bay trên các đường bay nội địa có từ hai hãng hàng không khai thác. Các hãng hàng không sẽ được phép tự định đoạt giá vé dựa theo nhu cầu thị trường, chi phí, chất lượng dịch vụ.

“Đối với các đường bay độc quyền, nghĩa là chỉ có một hãng hàng không khai thác thì nhà nước vẫn khống chế giá trần theo mức giá hiện tại” - ông Cường cho biết thêm. Hiện nay ở Việt Nam, hầu hết các đường bay lớn trong nước đều có từ hai hãng hàng không trở lên khai thác. Hãng hàng không Vietnam Airlines chỉ độc quyền khai thác một số đường bay chủ yếu phục vụ yêu cầu chính trị-xã hội.

Giá vé sẽ chênh nhau nhiều hơn

Câu hỏi được đặt ra là tại sao đến thời điểm này Chính phủ mới “cởi trói” cho các hãng hàng không? “Trong lúc này, việc có nhiều hãng hàng không mới thành lập tham gia khai thác thị trường hàng không chính là điều kiện để bỏ giá trần. Mỗi hãng sẽ có những dịch vụ khác nhau, trên cơ sở đó sẽ phân hạng giá vé phù hợp với phương thức kinh doanh và tạo được nhiều sự lựa chọn cho khách hàng” - ông Cường giải thích.

Các hãng hàng không trong nước đều ủng hộ quyết định bỏ giá trần và cho rằng với quyết định này thì không chỉ doanh nghiệp mà hành khách còn được lợi. Ông Trịnh Ngọc Thành, người phát ngôn cho Vietnam Airlines, nói: Bỏ mức giá trần sẽ giúp hãng xây dựng được nhiều mức giá linh hoạt theo chiều hướng có lợi cho người tiêu dùng. Hơn hết, việc bỏ giá trần sẽ giúp hãng có sự thay đổi kịp thời mỗi khi giá nhiên liệu biến động.

“Với việc bỏ giá trần, hãng sẵn sàng bán vé giờ chót tại sân bay không phải chỉ 1,7 triệu đồng mà có thể là hai triệu đồng hoặc thậm chí ba triệu đồng. Bù lại, hãng sẽ dành một số chỗ có mức giá tiết kiệm cho những hành khách ít tiền nhưng đặt vé sớm” - ông Lương Hoài Nam, Tổng Giám đốc hãng hàng không Jetstar Pacific, khẳng định.

Vẫn theo ông Nam, bỏ giá trần sẽ giúp thị trường phát triển nhanh hơn vì phát triển của thị trường dựa vào các khách hàng nhạy cảm về giá như có rẻ mới đi chứ không phụ thuộc vào khách hàng giá vé kiểu gì cũng đi.

Chưa thả nổi hoàn toàn

Nhiều người lo ngại khi giá vé không bị khống chế giá trần, các hãng hàng không có thể đẩy giá vé lên mức quá cao. Giải đáp lo ngại này, ông Võ Huy Cường cho biết mặc dù cho phép các hãng hàng không chủ động về giá nhưng phải dựa trên cơ sở tính toán chi phí hợp lý, chất lượng dịch vụ...

“Nhà nước vẫn chưa thả nổi hoàn toàn giá. Để được áp dụng giá mới, các hãng hàng không phải đăng ký với liên bộ Tài chính-Giao thông Vận tải. Nếu thấy giá quá cao, không hợp lý liên bộ sẽ có sự can thiệp” - ông Cường nói.

Cùng với việc để các hãng hàng không trong nước tự định giá vé, điều mà nhiều hãng hàng không băn khoăn là Chính phủ cần có chỉ đạo Bộ Giao thông Vận tải cho phép nhiều doanh nghiệp tham gia khai thác dịch vụ mặt đất tại các sân bay, cụm cảng hàng không. Thực tế tại Việt Nam, các hoạt động khai thác dịch vụ tại các sân bay, cụm cảng đều đang độc quyền. Chính điều này đã tạo ra khó khăn cho các hãng hàng không nhỏ, mới tham gia khai thác thị trường.

“Cục Hàng không chủ trương không để tình trạng độc quyền khai thác dịch vụ trong các sân bay, cụm cảng hàng không. Điều này còn phải phụ thuộc vào năng lực, cơ sở hạ tầng của từng sân bay để từ đó xem xét có cho phép nhiều doanh nghiệp phục vụ dịch vụ để tạo sự cạnh tranh. Ngoài ra, Cục Hàng không cũng ủng hộ việc các hãng hàng không tự cung cấp dịch vụ cho mình tại các sân bay, cụm cảng hàng không nhằm tiết kiệm chi phí” - ông Cường khẳng định.

TRUNG HIẾU

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm