Bộ trưởng Nông nghiệp: Pháo đài chống dịch chứ không phải pháo đài kinh tế

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
Tọa đàm "Kết nối cung - cầu nông - thủy sản giữa các tỉnh, thành ĐBSCL và TP HCM" do Báo Người Lao Động phối hợp với UBND TP Cần Thơ tổ chức diễn ra sáng 14-9 với sự tham gia của lãnh đạo nhiều bộ, ngành và các tỉnh thành phía Nam.
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan nhìn nhận rằng các địa phương đã có sự lúng túng nhất định ngay khi bắt đầu áp dụng Chỉ thị 16 tại các tỉnh, thành phía Nam.
Việc thực hiện mục tiêu kép vừa phòng chống dịch vừa phát triển kinh tế gây ra sự chao đảo, mất cân bằng nhiều hơn so với những đợt dịch trước.
Từ đây cần rút ra bài học về tính hệ thống vùng. Sự lúng túng cho thấy chúng ta đã không kết nối không gian giữa 13 tỉnh ĐBSCL như một thực thể mà lại chia cắt bằng địa giới hành chính. Đây là thử thách về tư duy liên kết vùng.
“Nếu xem toàn vùng như một thực thể thì chúng ta sẽ có ứng xử khác. Để thực hiện giãn cách với mục tiêu chống dịch, đúng là cần thực hiện chủ trương “người cách ly với người, xã cách ly với xã, huyện cách ly với huyện, tỉnh cách ly với tỉnh” và “mỗi tỉnh là một pháo đài”. Tuy nhiên đây là pháo đài chống dịch chứ không thể là pháo đài kinh tế vì kinh tế cần sự liên lạc” - ông Hoan nói.

Bộ trưởng Nông nghiệp: Pháo đài chống dịch chứ không phải pháo đài kinh tế ảnh 1Bộ trưởng Bộ NN&PTNT cho rằng các tỉnh thành cần liên kết để đảm bảo tiêu thụ nông sản cho nông dân trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19. 

Ngoài ra, theo Bộ trưởng Hoan, thương lái cũng có vai trò quan trọng trong thực thể mạch máu lưu thông. Đã là một hệ thống thực thể thì không có chính - phụ, tất cả đều phải “chạy”.
Cần tư duy lại trong thời gian tới làm sao để tạo được sự liền lạc thông suốt. Muốn vậy, chính quyền địa phương và doanh nghiệp cần ngồi lại để cùng kiến tạo ra một không gian an toàn bởi mỗi doanh nghiệp có đặc thù riêng.
Ông Trần Bảo Ngọc, Vụ trưởng Vụ Vận tải, Bộ Giao thông Vận tải (GTVT), đồng tình với nhận định của Bộ trưởng Bộ NN&PTNT về việc TP.HCM và các tỉnh ĐBSCL muốn phát triển thì phải xem là một thể thống nhất.
Ông Ngọc cho biết Bộ GTVT đã chỉ đạo Tổng cục Đường bộ nắm bắt khó khăn của các địa phương để hướng dẫn tạo đường xanh, tạo thuận lợi và ưu tiên cho hàng hóa thiết yếu, trong đó có nông sản lưu thông nhanh hơn.
Thực tế vẫn có một số địa phương có thể chưa hiểu đầy đủ về hướng dẫn nên đưa ra những quy định quá chặt chẽ.
Theo ông Ngọc, Bộ GTVT đã đưa ra năm quy định di chuyển tạm thời. Trong đó quy định rất rõ tất cả hàng hóa, trừ hàng hóa bị cấm sản xuất, lưu thông đều được lưu thông trên đường.
Tất cả tuyến đường bộ, thủy nếu không bị cấm đều phục vụ cho công tác vận chuyển hàng hóa. Bộ yêu cầu các địa phương quán triệt chung với tinh thần để triển khai.
Về hỗ trợ tín dụng cho doanh nghiệp (DN), ông Đào Minh Tú, Phó Thống đốc thường trực Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết cách đây một tháng, lúa vào vụ thu hoạch nhưng thương lái không tiếp cận được, không đủ nguồn lực về vốn, dòng tiền chưa có.
Lúc này, NHNN đã chỉ đạo các ngân hàng thương mại mở rộng hạn mức tín dụng, tăng vốn cho vay của DN, thương lái.
Ngoài ra, ngân hàng cũng tăng dư nợ tín dụng 5.000 tỉ đồng cho mua lúa ĐBSCL, mở hạn mức tín dụng 1.500 tỉ đồng cho DN thu mua tạm trữ thời gian qua.

ông Đào Minh Tú, Phó Thống đốc thường trực Ngân hàng Nhà nước: "NHNN chỉ đạo tập trung toàn bộ nguồn lực cho ĐBSCL, hỗ trợ giãn nợ, lãi cho DN và người dân."

“Các địa phương cũng vào cuộc rất tích cực. Chúng tôi đánh giá rất cao trách nhiệm triển khai của địa phương trong vụ hè thu.

Chúng tôi nhìn nhận kể cả trước dịch, ĐBSCL vẫn là đối tượng cần những chính sách hỗ trợ cụ thể, khác biệt với các vùng khác. NHNN cũng chỉ đạo tập trung toàn bộ nguồn lực cho ĐBSCL.

Về chính sách chung cho toàn bộ DN, ngành ngân hàng đã có cơ chế giãn nợ, lãi với DN, người dân gặp khó khăn do dịch COVID-19 và chưa có điều kiện trả nợ” - ông Tú thông tin.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm