"Bộ Y tế cần chuẩn hóa nhãn sữa để bình ổn giá"

"Bộ Y tế cần chuẩn hóa nhãn sữa để bình ổn giá" ảnh 1
Người tiêu dùng lựa chọn mặt hàng sữa. (Ảnh: PV/Vietnam+)
Nhằm tăng cường công tác kiểm tra, giám sát thực thi pháp luật trong lĩnh vực giá đối với mặt hàng sữa trong tình hình hiện nay, ông Nguyễn Anh Tuấn, Phó Cục trưởng Cục Quản lý giá thuộc Bộ Tài chính cho biết Cục đã báo cáo Bộ Tài chính và có Công văn số 1484/BTC-QLG ngày 29/1/2013 gửi Sở Tài chính các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương hướng dẫn tạm thời về việc đăng ký giá, kê khai giá.

Đồng thời, Cục cũng đã có Công văn số 3181/BTC-QLG ngày 12/3/2013 đề nghị Sở Tài chính tại địa phương tiếp tục kiểm tra, rà soát chặt chẽ hồ sơ, biểu mẫu đăng ký giá, kê khai giá đối với mặt hàng sữa đảm bảo việc tăng giá hợp lý, phù hợp với biến động của các yếu tố đầu vào; phối hợp chặt chẽ hơn nữa với cơ quan chức năng có liên quan trên địa bàn tăng cường kiểm tra tại các tổ chức, cá nhân kinh doanh sữa, đảm bảo tuân thủ các quy định của pháp luật về niêm yết giá; yêu cầu các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh sữa tại địa phương không điều chỉnh tăng giá khi các yếu tố hình thành giá không thay đổi.

Hiện nay nhiều sản phẩm sau khi hết thời hạn đăng ký theo quy định, các hãng sữa đã đăng ký lại sản phẩm sữa công thức với tên gọi mới là sản phẩm dinh dưỡng như Anfalac A+ cho trẻ từ 0-6 tháng tuổi hay Anfakid A+ cho trẻ từ 3 tuổi, thức ăn công thức dinh dưỡng của Lactogen Gold 2 dành cho trẻ em từ 6-12 tháng tuổi, sản phẩm dinh dưỡng đặc biệt của Pedia Sure dành cho trẻ từ 1-10 tuổi, thực phẩm bổ sung của Friso Gold cho trẻ từ 1-3 tuổi gây khó khăn cho cơ quan Nhà nước trong công tác quản lý giá và gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng.

Lý giải về việc không đưa sản phẩm dinh dưỡng vào danh mục bình ổn giá, ông Nguyễn Anh Tuấn cho biết theo Luật Giá, chỉ mặt hàng sữa cho trẻ em dưới 6 tuổi mới nằm trong mặt hàng bình ổn giá. Sản phẩm dinh dưỡng nằm trong danh mục thức ăn bổ sung trong đó có sữa đậu nành, sữa chua..., do đó để bình ổn giá các mặt hàng này, Bộ Y tế cần phải chuẩn hóa tên mặt hàng, từ đó kiến nghị các cơ quan chức năng xem xét đưa mặt hàng này vào danh mục mặt hàng bình ổn giá hay không.

Cục Quản lý giá đã có công văn đề nghị Cục An toàn thực phẩm thuộc Bộ Y tế cung cấp danh sách các sản phẩm đã được cấp chứng nhận sản phẩm là sữa, sản phẩm dinh dưỡng hoặc thực phẩm bổ sung vi chất dinh dưỡng hay thức ăn công thức... của các các công ty sản xuất, phân phối, kinh doanh sữa trong năm 2011, 2012 và từ đầu năm 2013 đến nay để làm cơ sở theo dõi và đối chiếu trong công tác quản lý giá.

"Cục Quản lý giá cũng đã kiến nghị Bộ Công thương thành lập đoàn thanh tra, kiểm tra ba vấn đề về thương phẩm, chất lượng và giá cả mặt hàng, không thể chỉ kỳ vọng vào giá," ông Nguyễn Anh Tuấn cho biết thêm.

Cung cấp thông tin về giá các loại nguyên liệu sữa bột và sữa hộp, thực phẩm bổ sung doanh nghiệp tăng giá trong thời gian qua; một số hình thức lách luật của các doanh nghiệp kinh doanh các mặt hàng sữa nhập khẩu, ông Nguyễn Anh Tuấn cho biết qua theo dõi từ ngày 1/1 vừa qua đến nay một số công ty sản xuất, phân phối, kinh doanh sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi khi tăng giá bán đã thực hiện gửi thông báo giá bán sản phẩm của công ty về Bộ Tài chính (Cục Quản lý giá).

Đó là các công ty  như Công ty trách nhiệm hữu hạn Mead Johnson Nutrison (Việt Nam) gửi kê khai giá 15 mặt hàng (trong đó có 12 mặt hàng mới), 3 mặt hàng tăng giá với mức tăng 15-16% áp dụng mức giá áp dụng từ 2/1; Công ty trách nhiệm hữu hạn phân phối Tiên Tiến, phân phối sản phẩm của Công ty trách nhiệm hữu hạn Mead Johnson Nutrison (Việt Nam) tăng 3 mặt hàng, mức tăng 9-10%, mức giá áp dụng từ 5/1; Công ty trách nhiệm hữu hạn Dinh Dưỡng 3A Việt Nam gửi thông báo giá 39 mặt hàng, có 31 mặt hàng tăng giá, mức tăng khoảng 2- 9,5 %, mức giá áp dụng từ 1/2/2013; Công ty trách nhiệm hữu hạn Friesland Campina Việt Nam gửi kê khai giá 40 mặt hàng, mức tăng khoảng 9 %, mức giá áp dụng từ 15/2/2013.

Theo thông báo giá của các Công ty này gửi đến Bộ Tài chính (Cục Quản lý giá), không sản phẩm nào ghi là sữa.

Các doanh nghiệp cho biết nguyên nhân chính của việc điều chỉnh tăng giá bán của các sản phẩm trên là do thời gian qua giá vốn hàng bán thay đổi, chi phí bán hàng, quản lý doanh nghiệp, chi phí tài chính, chi phí tiền lương điều chỉnh tăng nên doanh nghiệp điều chỉnh tăng giá bán./.

Theo Thùy Dương (TTXVN)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm