CÔNG TY CHO THUÊ TÀI CHÍNH II

“Bốc hơi” hàng ngàn tỉ đồng vốn, tài sản nhà nước?

Cuộc họp ngày 6-4, Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng, chống tham nhũng đã đưa vào chương trình theo dõi, đôn đốc một vụ việc có dấu hiệu tham nhũng rất nghiêm trọng. Đó là vụ thất thoát, thua lỗ hàng ngàn tỉ đồng tại Công ty Cho thuê tài chính II - Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam (NN&PTNT), địa chỉ 422 Trần Hưng Đạo, quận 5, TP.HCM (viết tắt là ALC II).

Huy động vốn khổng lồ

Sự việc vốn lùm xùm từ những năm 2008-2009 khi ALC II, vốn điều lệ 350 tỉ đồng nhưng chỉ trong vài năm đã huy động số tiền khổng lồ hơn 11.000 tỉ đồng, gấp 31 lần vốn điều lệ của mình. Hàng loạt hoạt động tài chính đã được ALC II tiến hành, nâng tổng dư nợ lên 11.500 tỉ đồng, vượt qua các chuẩn mực an toàn, dẫn tới tình trạng không trả được nợ tới hạn, phải đề nghị Ngân hàng NN&PTNT cứu nạn.

Tuy nhiên, những lộn xộn trong hoạt động của ALC II chỉ được nêu ra và công khai khi Kiểm toán Nhà nước mở cuộc kiểm toán báo cáo tài chính năm 2009 của Ngân hàng NN&PTNT, trong đó có một nhánh đi vào lĩnh vực cho thuê tài chính. Kết luận kiểm toán ban hành cuối tháng 10-2010 cho thấy: “Tình hình tài chính hiện nay của ALC II rất nghiêm trọng, do công ty có nhiều sai phạm nghiêm trọng trong quản lý, sử dụng vốn của Nhà nước…”. Đoàn kiểm toán đã không thể xác định số liệu chính xác về hoạt động của ALC II mà chỉ “tạm ghi nhận giá trị theo sổ kế toán của đơn vị”.

“Bốc hơi” hàng ngàn tỉ đồng vốn, tài sản nhà nước? ảnh 1

Thẩm định hồ sơ có nhiều sai sót

Theo số liệu này, trong hai hoạt động chính đến năm 2009, mảng cho thuê tài chính đã đạt dư nợ hơn 6.900 tỉ đồng nhưng tới 60% là nợ xấu. Mảng đầu tư tài sản cho thuê đã ngốn gần 4.600 tỉ đồng nhưng một tỉ lệ lớn là quá hạn, tiềm ẩn nguy cơ lỗ. Kết quả, năm 2009 ALC II lỗ tới 3.000 tỉ đồng, chưa kể nếu phải trích lập dự phòng rủi ro các khoản đầu tư tài sản cho thuê thì lỗ sẽ tăng thêm hơn 1.260 tỉ đồng.

Bóc tách từng mảng cụ thể, Kiểm toán Nhà nước kết luận trong hoạt động cho thuê tài chính, ban lãnh đạo đã ban hành nhiều văn bản hướng dẫn nghiệp vụ trái quy định hiện hành. Việc thẩm định hồ sơ trước cho thuê có nhiều sai sót; nhiều khách hàng có tình hình tài chính khó khăn, đang là con nợ khó đòi của các tổ chức tín dụng khác nhưng lại được ALC II mua và cho thuê thêm tài sản. Công ty không thực hiện nghiêm túc quy trình kiểm tra chất lượng, kiểm tra việc sử dụng tài sản cho thuê nên có một số tàu biển giao cho bên thuê sử dụng thời gian ngắn đã phải sửa chữa, nâng cấp, gây tốn kém thêm 100 tỉ đồng.

Ở mảng đầu tư vào tài sản cho thuê, ALC II đã làm trái Nghị định 16/2001 của Chính phủ cũng như chính điều lệ của mình. Theo đó, lẽ ra chỉ được phép mua tài sản có sẵn thì ALC II lại bỏ vốn đầu tư mới. Có trường hợp, ALC II mua một xe cẩu thủy lực với giá 65 tỉ đồng, trong khi đó cũng chính tài sản này, bảy ngày trước, giá nhập khẩu của bên bán chỉ 31,8 tỉ đồng.

Dễ dãi giải ngân

Trong khá nhiều dự án đầu tư hình thành tài sản cho thuê, ALC II đã giải ngân không cần biết tiến độ thực hiện hợp đồng ra sao. Như hợp đồng mua dây chuyền nghiền đá đã xuất 7,1 tỉ đồng nhưng đoàn kiểm toán tới vẫn chưa thấy dây chuyền đâu; năm hợp đồng khác đầu tư 633 tỉ đồng vào năm tàu biển nhưng tới nay tàu vẫn chưa có để cho thuê như hợp đồng ký kết. Trường hợp khác, tàu chưa thuộc sở hữu của bên bán nhưng ALC II vẫn ký hợp đồng mua và cho thuê lại, rước vào mình nhiều rủi ro pháp lý…

Tháo gỡ khủng hoảng, hiện Ngân hàng NN&PTNT đang xây dựng phương án tái cấu trúc ALC II. Tuy nhiên, theo đánh giá của Kiểm toán Nhà nước, với phương án dự thảo này, khả năng tổn thất vốn dư nợ cho thuê sẽ lên tới 2.680 tỉ đồng và tổn thất vốn đầu tư vào tài sản cho thuê sẽ tới 1.937 tỉ đồng.

Nếu chấp nhận đổ vỡ, hàng loạt quỹ, tổ chức tín dụng, doanh nghiệp đang cho ALC II vay sẽ phải chịu thiệt hại. Trong đó, đáng kể nhất có thể là Bảo hiểm Xã hội Việt Nam. Tính đến hết năm 2009, Quỹ Bảo hiểm Xã hội đã cho ALC II vay 1.010 tỉ đồng, trong khi hạn mức bảo lãnh của Ngân hàng NN&PTNT chỉ 610 tỉ đồng.

Từ các phát hiện nói trên, Kiểm toán Nhà nước kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo cơ quan điều tra làm rõ trách nhiệm của tập thể, cá nhân có liên quan.

Có dấu hiệu tham nhũng

Ngoài kết quả kiểm toán, Văn phòng Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng, chống tham nhũng đã lập tổ công tác xác minh một số vụ việc tại ALC II. Tại phiên họp Ban Chỉ đạo ngày 6-4, Chánh văn phòng Ban Chỉ đạo Vũ Tiến Chiến cho biết đã thấy có dấu hiệu tham nhũng nghiêm trọng, cần sớm làm rõ, xử lý nghiêm.

Mặt khác, theo chỉ đạo của Phó Thủ tướng Trương Vĩnh Trọng, Cơ quan Thanh tra và giám sát của Ngân hàng Nhà nước đã tiến hành thanh tra đột xuất, toàn diện ALC II và đến ngày 1-4 đã có kết luận. Thông tin ban đầu cho thấy rất nhiều doanh nghiệp được ALC II đổ tiền vào để đầu tư hình thành tài sản cho thuê nhưng thực tế lại được sử dụng vào mục đích khác. Chỉ tính một vài hợp đồng như vậy, số tiền liên quan đã lên tới hơn 1.000 tỉ đồng.

Về phía Cục Cảnh sát điều tra tội phạm tham nhũng (C48, Bộ Công an), báo cáo Ban Chỉ đạo, Cục trưởng Trần Duy Thanh cho biết đã lập ban chuyên án và qua xác minh thấy có nhiều dấu hiệu vi phạm nghiêm trọng. Hiện cơ quan điều tra đang chuyển hồ sơ để cùng VKSND Tối cao thẩm định, đánh giá. Khi có chỉ đạo của Thủ tướng sẽ khởi tố vụ án ngay.

Phải chi hoa hồng?

Một nguồn tin cho biết trong số hàng trăm doanh nghiệp làm ăn với ALC II, C48 mới chỉ làm việc với một vài chủ doanh nghiệp. Kết quả cho thấy khá nhiều hợp đồng cung ứng vật tư, hợp đồng cho thuê tài chính ký kết thực ra chỉ để rút tiền của ALC II để cho các doanh nghiệp, cá nhân khác vay lại, sử dụng sai mục đích. Việc ALC II đi huy động vốn và việc các cá nhân, doanh nghiệp trực tiếp hoặc gián tiếp vay lại của ALC II đều phải chi những khoản lại quả, hoa hồng tính theo phần trăm số tiền vay, huy động được.

NGHĨA NHÂN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm