Bốn bí quyết chiếm lĩnh thị trường xuất khẩu

Ngày 12-9, Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư TP.HCM (ITPC) đã tổ chức Diễn đàn xuất khẩu 2014 với chủ đề “Định hướng thị trường và sản phẩm xuất khẩu” tại TP.HCM. Tại đây, nhiều doanh nghiệp (DN) xuất khẩu đã được chia sẻ những bí quyết khai thác thị trường xuất khẩu từ những vấn đề tưởng chừng rất nhỏ, không đáng lưu tâm nhưng mang lại hiệu quả lâu dài.

Siêng đi chợ, năng kết bạn

“Chẳng có gì là bí quyết cả, bước đầu tiên để đưa sản phẩm của DN mình đến với các khách hàng trên thế giới đó là tham gia hội chợ quốc tế để chào hàng.” Ông Đỗ Hà Nam, Tổng Giám đốc Tập đoàn Intimex, chia sẻ.

Ông Nam nói: “Tôi thường xuyên đăng ký các hội chợ chuyên ngành và có hàng chục hội chợ như thế diễn ra trên toàn thế giới trong mỗi năm. Trước đây, nhiều DN Việt Nam do không biết thông tin nên không đăng ký tham dự. Vả lại cũng không có nhiều DN muốn đầu tư tham dự hội chợ vì chi phí thường khá đắt. Tuy nhiên, đã có những DN nhỏ chịu đầu tư, mỗi năm DN này tốn hàng trăm ngàn USD phí tham dự hội chợ và kết quả là doanh thu của DN cũng tăng lên theo từng năm”.

Cần hiểu văn hóa, tập quán tiêu dùng thì DN mới có thể tiếp cận thị trường xuất khẩu hiệu quả. Ảnh: QH

Tham tán Lê Hồng Minh, Trưởng đại diện Thương vụ Việt Nam tại Indonesia, cho biết có những hội chợ quốc tế về những nông sản vốn là thế mạnh của Việt Nam nhưng không thấy bóng dáng DN Việt Nam đâu. Nhờ tham dự hội chợ quốc tế, hạt gạo Campuchia đã được nhiều thị trường biết đến dù có khối lượng gạo thấp hơn nhiều so với Việt Nam và hạt gạo nước này đang xuất khẩu mạnh vào các thị trường cao cấp như châu Âu, Mỹ.

Cách thứ hai để tiếp cận thị trường xuất khẩu hiệu quả là liên kết với nhà phân phối nội địa. Trao đổi tại diễn đàn, ông Bùi Trung Thướng, Bí thư phụ trách Thương vụ Việt Nam tại Ấn Độ, cho hay: “Muốn làm được điều đó phải quen với thổ địa, chịu liên kết với nhà bán lẻ nội địa. Như người dân Ấn Độ có thói quen mua sắm tại những chợ, cửa hàng nhỏ gần nhà, họ ít quan tâm đến các trung tâm mua sắm và hệ thống bán lẻ”.

Theo ông Thướng, từ việc liên kết, DN nước ta có thể đưa được nhiều loại hàng hóa, mức độ cạnh tranh cao. Thông qua đại lý, nhà phân phối DN có thể quảng bá sản phẩm xuất khẩu và nhận góp ý người dùng, dễ dàng điều chỉnh mẫu mã sản phẩm nhanh chóng thích ứng. Sau khi biết thị hiếu, thói quen người tiêu dùng, hiểu rõ quy định thủ tục giấy phép… thì DN có thể tự mình phát triển các hệ thống siêu thị, siêu thị mini.

“Nhập gia tùy tục”

Bí quyết thứ ba được nhiều DN lẫn các tham tán thương vụ Việt Nam tại nước ngoài chia sẻ đó là hiểu tâm lý khách hàng. Ông Bùi Trung Thướng, Bí thư phụ trách Thương vụ Việt Nam tại Ấn Độ, cho biết đó không chỉ đơn thuần là người tiêu dùng nước họ thích ăn uống những loại thực phẩm nào mà DN cần chú ý đến suy nghĩ, cách sống, cách làm việc đã ăn sâu vào mỗi con người đất nước đó. “Dẫn chứng như người dân Indonesia, họ thích và luôn tự hào dùng sản phẩm nội địa, nhãn mác phải có chữ Indonesia lớn hơn các dòng chữ tiếng nước ngoài. Vì vậy rất khó để DN nước ngoài đem sản phẩm vào bán. Kinh nghiệm là nhập gia tùy tục, đã có nhiều DN thành công nhờ “chịu” sản xuất sản phẩm in chữ Indonesia. Hãng nước ngọt nổi tiếng nước này đã bị DN nước ngoài mua lại nhưng người dân vẫn chủ yếu dùng vì lý do đơn giản sản phẩm vẫn giữ nguyên nhãn mác chữ Indonesia”.

Cuối cùng, cách tiếp cận thị trường xuất khẩu mà nhiều DN Việt Nam bỏ quên chính là mở văn phòng đại diện tại nước ngoài. Hiện tại Ấn Độ có hơn 100 DN mở văn phòng đại diện tại Việt Nam, trong khi chưa có DN nào của Việt Nam mở văn phòng đại diện tại Ấn Độ. Ông Kapustkin Nikolay, Phó đại diện thương mại Liên bang Nga tại Việt Nam, cho hay các mặt hàng truyền thống của Việt Nam vẫn có khả năng cạnh tranh cao ở thị trường Nga. Song cũng không thể phủ nhận được một thực tế đó là phần lớn hàng hóa Việt Nam có hàm lượng giá trị gia tăng thấp, dễ bị ảnh hưởng tiêu cực từ những biến động trên thị trường.

Vấn đề đặt ra đó chính là bản thân DN phải có được những phản ứng kịp thời khi thị trường biến động, nhanh chóng đưa ra giải pháp điều chỉnh sao cho phù hợp với thị trường sẽ giúp DN tránh được những tổn thất không đáng có. Và lúc này, câu chuyện về sự cần thiết phải có chi nhánh hay văn phòng đại diện ngay tại thị trường bạn rõ ràng nên bàn tới và cần được nhìn nhận một cách nghiêm túc để có kế hoạch kinh doanh dài hơi.

QUANG HUY

Doanh nghiệp cần đa dạng hóa thị trường

DN cần đa dạng hóa thị trường nhằm tránh tình trạng thị phần thái quá của một sản phẩm ở một thị trường, đã kích thích tâm lý sử dụng các công cụ bảo hộ phi thuế quan của nước sở tại như hàng rào kỹ thuật, chống bán phá giá… Dẫn chứng việc nhiều DN Việt Nam tập trung xuất khẩu vào mỗi sản phẩm cá tra phi lê đông lạnh đã “kích thích” thị trường Mỹ kiện chống bán phá giá gây khó khăn.

TS TRẦN DU LỊCH, Ủy viên Ủy ban Kinh tế Quốc hội

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm