Các Bộ, ngành phải vượt lên 'quyền anh, quyền tôi'

Mặc dù nhất trí với dự kiến chương trình xây dựng pháp luật năm 2016 và 2017 mà UBTV Quốc hội trình, nhưng đại biểu Vũ Tiến Lộc rất “thất vọng” khi chương trình không có nội dung xem xét thông qua Luật sửa đổi các luật liên quan đến doanh nghiệp (DN) và môi trường đầu tư kinh doanh như Chính phủ đề nghị.

Chương trình cũng không đề cập tới yêu cầu giao Chính phủ chủ trì nghiên cứu chuẩn bị hồ sơ Dự Luật này để báo cáo Ủy ban thường vụ Quốc hội trình ra Quốc hội trong kỳ họp tới.

Theo đại biểu Lộc, dự luật này là rất cấp bách trong bối cảnh Hiến pháp, các nghị quyết của Đảng đang ngày càng phù hợp hơn với thông lệ kinh tế thị trường và cam kết hội nhập của Việt Nam.

Đại biểu Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI: "Các Bộ phải vượt qua "quyền anh, quyền tôi" vì lợi ích quốc gia"

Đại biểu Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI: "Các Bộ phải vượt qua "quyền anh, quyền tôi" vì lợi ích quốc gia". Ảnh: CHÂN LUẬN

Nói về thực tiễn các luật liên quan đến DN và môi trường kinh doanh, đại biểu Lộc nói: “Nhiều quy định của các luật về DN và môi trường đầu tư kinh doanh đang trong tình trạng “ông chẳng bà chuộc” về cách thức tiếp cận, chồng chéo về nội dung, thiếu tính đồng bộ và nhất quán, không tương thích, thiếu liên thông: Luật Nhà ở không thống nhất với Luật Đất đai; luật DN, luật đầu tư đi một đằng, luật chuyên ngành đi một nẻo. Luật đầu tư, Luật DN được thiết kế theo phương án chọn bỏ, trong khi Luật chuyên ngành lại làm theo cách chọn cho, luật DN và luật đầu tư bảo hậu kiểm nhưng luật chuyên ngành vẫn thiên về tiền kiểm. Luật đầu tư bảo: “Bộ, ngành không được ban hành điều kiện kinh doanh, luật chuyên ngành lại vẫn giao bộ ngành quy định giấy phép; luật DN nói, DN không cần con dấu, luật chuyên ngành lại vẫn yêu cầu DN phải đóng dấu vào tài liệu, giấy tờ gửi cơ quan Nhà nước…”

Theo đại biểu Lộc, cộng đồng kinh doanh kiến nghị ít nhất có 50 luật và khoảng 150 điều khoản trong các luật này cần được xem xét sửa đổi, đặc biệt là các thủ tục về đầu tư, đất đai, quy hoạch, môi trường, xây dựng… đang là những nút thắt cần phải tháo gỡ sớm để tạo thông thoáng, thuận lợi cho hoạt động kinh doanh của DN.

Việc sửa các luật này, ông Lộc nói, sẽ tránh tình trạng “ông nói gà, bà nói vịt”, luật chồng lên luật, Bộ “lấn” lên địa phương, Chính phủ “làm thay” DN… Thậm chí ông Lộc còn nhấn mạnh: “So với Asean và quốc tế thì Việt Nam chẳng giống ai… Môi trường kinh doanh vẫn còn chằng chịt những ràng buộc vô lý, chi phí kinh doanh cao hơn cả chi phí chính thức và phi chính thức, buộc các DN khởi nghiệp phải sang tận Singapore khai sinh…”

Nhắc lại việc kiến nghị phải bãi bỏ ít nhất 70 ngành nghề và điều chỉnh 10 ngành nghề khác trong danh mục 267 ngành nghề kinh doanh có điều kiện, ông Lộc nói rằng: mặc dù các ngành nghề này không hội đủ các điều kiện theo quy định của Hiến Pháp, không rõ mục tiêu quản lý và thiếu tính khả thi nhưng Chính phủ vẫn cứ phải thể chế hóa bằng các nghị định chỉ bởi vì… “luật đã quy định như vậy”.

Từ đó, ông Lộc đề nghị Quốc hội nên đưa ra xem xét và thông qua dự luật “một luật sửa nhiều luật” liên quan đến kinh doanh, vì “chỉ cần chậm lại một kỳ họp Quốc hội, là Việt Nam có thể mất đi cơ hội và niềm tin, cản trở tăng trưởng kinh tế, tạo nguồn thu cho ngân sách, tạo việc làm cho con em chúng ta tới nửa kế hoạch năm. Đấy thực sự là một sự lãng phí lớn có trách nhiệm của cả Chính phủ và Quốc hội”.

Ông Lộc cũng đề nghị các Bộ, ngành phải vượt lên “quyền anh, quyền tôi” để đẩy mạnh cải cách thể chế vì lợi ích quốc gia.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm