Cầm cố xe, vàng... vì tin lời dụ dỗ làm cộng tác viên bán hàng

Mất tiền vì làm cộng tác viên cho sàn thương mại điện tử

Phản ánh tới PLO, chị Lưu Hợp (Hóc Môn, TP.HCM) nhận được tin nhắn mời chào làm cộng tác viên đặt hộ đơn hàng cho một sàn thương mại điện tử (TMĐT) nhằm tạo độ "hot" cho sản phẩm đang bán trên sàn.

Chị Hợp được một người có tên Thanh kết bạn zalo và được giao nhiệm vụ đặt hộ đơn hàng, mỗi đơn hàng thành công sẽ được nhận 10% giá trị đơn hàng.

Theo chị Hợp, hai lần đầu giá trị đơn mua hộ không cao, trên dưới 1 triệu đồng. Chị nhận được tiền hoàn lẫn hoa hồng ngay sau khi đơn được thực hiện thành công.

"Tuy nhiên, đến lần thứ ba tôi được giao năm nhiệm vụ liên tiếp nhau và giới hạn thời gian thực hiện rất gấp gáp, số tiền mỗi đơn cũng tăng lên 4-5 triệu đồng/đơn. Thế nhưng sau đó không thấy chuyển lại, tôi hỏi nhân viên thì được giải thích là cứ thực hiện xong hết nhiệm vụ liền kề sẽ được hoàn tiền sau.

Nếu dừng thì tài khoản của tôi bị đóng băng và sẽ mất phí kích hoạt lại nên đâm lao phải theo lao, tôi đành thực hiện tiếp.

Sau khi thấy số tiền đã mất hơn 20 triệu đồng, tôi liên hệ lại với nhân viên tên Thanh thì số điện thoại, Zalo, Facebook đều khóa.

Tôi nhờ người giúp đỡ, gọi lên tổng đài chăm sóc khách hàng của sàn thì được biết không có nội dung công việc này cũng không có nhân viên có tên, số điện thoại như vậy” - chị Hợp cho hay.

Nhiều người cầm cố xe, tiền, vàng... vì tin lời dụ dỗ

Đại diện một sàn TMĐT lớn tại Việt Nam xác nhận có xảy ra tình trạng này. Theo đó, các đối tượng đã mạo danh các sàn TMĐT lớn để lừa đảo người dùng thông qua hình thức tuyển dụng cộng tác viên đặt hàng theo yêu cầu và thanh toán đơn hàng qua tài khoản ngân hàng do các đối tượng này chỉ định sẵn để chiếm đoạt. Sau khi lừa được tiền, đối tượng liền mất hút.

“Gần đây chúng tôi ghi nhận nhiều phản ánh của khách hàng về việc có người xưng là nhân viên sàn TMĐT của chúng tôi tạo việc làm bằng cách tạo bill, giả mua hàng để tăng doanh thu rồi được hoàn trả vốn và thêm cả hoa hồng.

Họ tạo thông tin giả mạo doanh nghiệp trên Facebook, Zalo, nhắn tin tới số điện thoại của khách hàng để mời chào người tham gia.

Thực tế sàn không có chính sách như vậy. Bản thân thông tin nộp tiền vào xong được lấy lại cộng thêm hoa hồng đã rất vô lý. Sàn TMĐT đã khuyến cáo, người dùng cần tỉnh táo” - vị đại diện nói.

Giả mạo sàn TMĐT để lừa đảo người tiêu dùng. Ảnh: TH

Theo sàn này, một số đối tượng còn làm giả các tài liệu của sàn như giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, giả mạo về con dấu, chữ ký của giám đốc điều hành… trong các văn bản cam kết thanh toán hoa hồng nhằm lấy lòng tin của người bị hại.

"Nhiều khách hàng đã cầm cố xe, vàng, trang sức… để lấy tiền nộp vào tài khoản của người tự xưng là nhân viên của sàn với mong muốn được tuyển dụng làm việc tại các sàn này.

Đáng chú ý là hiện tại nhiều người dùng của các sàn thuộc độ tuổi trung niên, khả năng tiếp cận thông tin cảnh báo không nhanh bằng người dùng trẻ tuổi nên dễ dàng mất tiền”- sàn này cho biết.

Trước đây, các sàn TMĐT cũng đã nhiều lần cảnh báo với người dùng của họ về tình trạng này.

Đơn cử như sàn Shopee liên tục gửi cảnh báo khách hàng không tham gia các hoạt động nạp tiền và hứa hẹn được trả hoa hồng, không thực hiện bất kỳ giao dịch hoặc cung cấp thông tin nào bên ngoài ứng dụng và các website/ trang thông tin chính thức của Shopee. Đồng thời, nhanh chóng báo cáo với Shopee khi nhận thấy hoạt động nào mà họ cho là đáng ngờ.

Trên thực tế, các thủ đoạn lừa đảo như trên không mới. Cơ quan công an, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) đã nhiều lần cảnh báo người tiêu dùng để tránh tiền mất tật mang nhưng tình trạng này vẫn tái diễn.

Các sàn TMĐT cũng thường xuyên khuyến cáo khách hàng khi nghi vấn gặp trường hợp tương tự như trên cần lưu lại bằng chứng giao dịch như tên người liên hệ, số điện thoại, tài khoản ngân hàng, địa chỉ… để gửi cơ quan Công an, cơ quan bảo vệ người tiêu dùng để được hỗ trợ.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm