Cam kết đầu tư lâu dài vào Việt Nam

Đây là sự kiện thường niên trong khuôn khổ hội nghị nhóm các nhà tài trợ, được Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Quỹ Tiền tệ Quốc tế và Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam đồng chủ trì.

Môi trường đầu tư hấp dẫn hơn năm 2008

Theo Ban thư ký Diễn đàn DN Việt Nam, điểm sáng trong môi trường đầu tư năm nay được các nhà đầu tư cho rằng lạc quan hơn so với năm 2008. Qua điều tra gần 300 DN, có tới gần 2/3 DN nhận định tăng trưởng kinh tế Việt Nam thời gian tới có hướng tích cực và có 3/4 DN cho biết sẽ mở rộng kinh doanh trong ba năm tới. Lý do chính khiến các DN mở rộng kinh doanh vì Việt Nam có triển vọng kinh tế thuận lợi.

Cam kết đầu tư lâu dài vào Việt Nam ảnh 1

Phát triển cơ sở hạ tầng là một trong những điểm thu hút đầu tư. Trong ảnh: Thi công đại lộ Đông Tây. Ảnh: HTD

Chúc mừng cho sự nỗ lực của Chính phủ Việt Nam trong việc duy trì đà tăng trưởng kinh tế năm 2009, ông Paul Fairhead, Chủ tịch Hiệp hội DN Úc tại Việt Nam, cam kết sẽ đầu tư mạnh mẽ hơn nữa vào Việt Nam trong thời gian tới. Còn Phó Chủ tịch Phòng Thương mại Canada tại Việt Nam, ông Alexandre G. Legendre, nhấn mạnh sẽ tiếp tục ủng hộ những sáng kiến cải thiện môi trường kinh doanh tại Việt Nam.

Trưởng đại diện Ngân hàng Hợp tác Quốc tế Nhật Bản tại Việt Nam, ông Yasuhisa Ojima, nhận định Việt Nam chỉ đứng sau Trung Quốc và Ấn Độ, liên tục đứng thứ ba trong bốn năm liên tục kể từ năm 2006, môi trường đầu tư của Việt Nam được các DN Nhật Bản luôn quan tâm đến.

Cơ sở hạ tầng yếu kém là trở ngại lớn nhất

Tuy nhiên, theo ông Yasuhisa Ojima, cơ sở hạ tầng yếu kém tiếp tục là mối trở ngại hàng đầu đối với các DN. Điều này cho thấy những nỗ lực của Chính phủ trong lĩnh vực này thời gian qua chưa đạt được như mong muốn.

Theo Ban thư ký Diễn đàn DN Việt Nam, qua điều tra gần 300 DN thì có đến 88% DN nước ngoài và 83% DN trong nước đánh giá chất lượng cơ sở hạ tầng kém và rất kém. Đặc biệt có đến 95,6% DN nước ngoài hoạt động trong lĩnh vực thương mại (thường liên quan đến xuất khẩu và nhập khẩu) đánh giá chất lượng cơ sở hạ tầng của Việt Nam rất kém. “Nếu Chính phủ Việt Nam không giải quyết những nút thắt quen thuộc này mạnh mẽ hơn thì các vấn đề về cơ sở hạ tầng như đường sá, điện và cảng biển sẽ là cản trở lớn cho quá trình thu hút đầu tư nước ngoài và thúc đẩy xuất khẩu của Việt Nam” - ông Yasuhisa Ojiman khuyến cáo.

Ông Paul Fairhead cho rằng nếu thời điểm này không cải thiện cơ sở hạ tầng thì Việt Nam có thể làm mất đi tính cạnh tranh của mình. Do vậy, Chính phủ Việt Nam nên sớm hoàn thiện cơ chế và tạo động lực thúc đẩy hợp tác nhà nước và tư nhân trong việc phát triển cơ sở hạ tầng.

Đáp lại những đề xuất của các nhà đầu tư về việc Việt Nam cần cải thiện cơ sở hạ tầng, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, ông Đặng Huy Đông, cho biết trong 10 năm tới, ước tính Việt Nam cần khoảng 120 tỉ USD để đầu tư cho cơ sở hạ tầng. Trong đó, dự kiến vốn huy động từ khu vực tư nhân vào khoảng 60 tỉ USD. Việt Nam luôn cam kết sẽ có những chính sách ưu đãi để thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước tham gia vào lĩnh vực cơ sở hạ tầng. Hiện Việt Nam đang xây dựng khung pháp lý cho mô hình đầu tư hợp tác nhà nước-tư nhân.

Thủ tục hành chính vẫn chưa thông

Hầu hết các cộng đồng DN đều nhận định môi trường kinh doanh của Việt Nam trong năm 2009 thông thoáng hơn nhờ sự cải thiện và đơn giản thủ tục hành chính của nhà nước. Tuy nhiên, kết quả điều tra của Ban thư ký Diễn đàn DN Việt Nam cho thấy các lĩnh vực được đánh giá ít chuyển biến nhất là các quy định và thủ tục đất đai, chỉ 15% DN đánh giá tiếp cận đất đai dễ dàng hơn. Theo ông Alexandre G. Legendre, đất đai, lao động và thuế là những vấn đề luôn quan trọng đối với hoạt động của bất cứ DN nào và hy vọng Chính phủ Việt Nam sẽ giải quyết sớm được những thủ tục hành chính trong các lĩnh vực này.

Đại diện Phòng Thương mại Hoa Kỳ tại Việt Nam cho rằng: Nếu thủ tướng thực hiện các biện pháp đã hứa thì thế giới sẽ biết rằng Việt Nam nghiêm túc trong cải cách và xây dựng môi trường kinh doanh tốt hơn. Nếu Đề án 30 về cải cách thủ tục hành chính không tiến triển thì cộng đồng DN sẽ nghi ngờ quá trình cải cách và cam kết cải thiện môi trường kinh doanh của Việt Nam.

Ngoài ra, các DN cũng lo ngại đến việc thiếu cân bằng trong cung cầu đồng USD khiến cho DN phải đối mặt với khó khăn cũng như các chi phí không chính thức khi mua đồng USD. Do vậy, đại diện các DN ngoại đều cho biết rất muốn làm việc với Chính phủ để giải quyết các vấn đề tồn tại của môi trường kinh doanh Việt Nam để Việt Nam tiếp tục hấp dẫn hơn đối với cộng đồng DN.

Năm khuyến nghị đối với Chính phủ Việt Nam cần thực hiện ngay để cải thiện môi trường kinh doanh:

1. Cải cách hành chính, bãi bỏ các giấy phép, quy định, thủ tục không cần thiết hay không nhất quán.

2. Tiếp tục và nâng cấp cơ sở hạ tầng.

3. Ngăn chặn và kiểm soát tham nhũng.

4. Cải cách việc biên soạn và ban hành các văn bản pháp quy kịp thời, hoàn chỉnh, đồng bộ và tuân thủ các thông lệ quốc tế.

5. Cải cách hệ thống giáo dục đào tạo nhằm đáp ứng nhu cầu về nguồn nhân lực chất lượng cao của DN.

LÊ THANH

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm