“TÍN DỤNG ĐEN”: KIỂU NÀO CŨNG CHẾT!

Cẩn trọng khi quyết định đầu tư

Khi bình tĩnh, có lẽ ai cũng biết rõ chuyện phải tìm hiểu thấu đáo mọi chuyện liên quan rồi mới quyết định bỏ tiền đầu tư nhưng thật tiếc là không phải lúc nào con người cũng đủ bình tĩnh để suy xét mọi việc.

Về khía cạnh tâm lý học, một quyết định đầu tư đúng đắn luôn có đủ hai yếu tố: Nhận thức rõ ràng và cảm xúc tích cực. Nói cách khác, một quyết định đầu tư đúng phải là một quyết định đã được suy nghĩ kỹ càng, thấu triệt mọi khía cạnh có liên quan (đối tác, dự án, sản phẩm kinh doanh, thời gian hoàn vốn, khả năng quản lý...), và quyết định đó phải mang lại cho con người sự hài lòng, tin tưởng và động lực để theo đuổi công việc.

Cẩn trọng khi quyết định đầu tư ảnh 1

Đừng mong kiếm tiền nhanh mà nhàn hạ. Ảnh minh họa: HTD

Trong thực tế, những người bị lừa mất tiền khi tham gia đầu tư hoặc góp vốn thường có thể rơi vào một số trường hợp dưới đây:

1. Đầu tư hoặc góp vốn với một người mới quen biết. Mới quen biết không hẳn là không thể tin tưởng, tuy vậy sẽ tồn tại nhiều nguy cơ hơn trong việc giao dịch làm ăn. Hơn nữa, cũng có thể tính đến trường hợp người kia (đối tác) cố ý lừa gạt. Cần thận trọng trong việc giao dịch làm ăn, nhất là đối với những đối tượng có vẻ ngoài cực kỳ bảnh bao, dự án làm ăn vô cùng hấp dẫn với mức lợi nhuận cao...

2. Giao dịch đầu tư hoàn toàn dựa vào cảm tính và không có ràng buộc pháp lý. Dù là rất thân quen (bạn bè, người thân trong gia đình...) cũng cần phải tính đến yếu tố cam kết và ràng buộc pháp lý, thể hiện qua một bản hợp đồng đầu tư hoặc góp vốn bao gồm tất cả các điều khoản liên quan đến số tiền góp, thời gian và cách thức hoàn vốn, trong trường hợp làm ăn thất bại sẽ như thế nào... Một bản hợp đồng có chữ ký của hai bên và được công chứng có thể sẽ giúp giảm đáng kể những rủi ro.

3. Thiếu hiểu biết về dự án hoặc sản phẩm kinh doanh. Đây là trường hợp một người quyết định đầu tư bằng cách giao tất cả mọi việc cho đối tác quyết định, còn mình chỉ bỏ tiền. Chúng ta hoàn toàn không biết được đối tác sẽ làm gì với số tiền của mình bỏ ra. Họ có thể mang đi đầu tư vào một dự án khác hoặc thay đổi hình thức kinh doanh, thay đổi sản phẩm...

4. Muốn kiếm tiền một cách nhanh-gọn-lẹ. Vì muốn nhanh có tiền nhưng lại nhàn hạ nên rất nhiều người vội vàng quyết định bỏ tiền đầu tư hoặc góp vốn với người khác. Kiểu đối tác hành xử theo “luật giang hồ” vẫn tồn tại trong rất nhiều mối quan hệ làm ăn trong xã hội. Tuy nhiên, nếu tự bản thân thấy mình không thuộc thành phần “giang hồ” thì không nên làm ăn theo cách như vậy.

Quyết định đầu tư hoặc góp vốn cùng người khác là một quyết định quan trọng, dù mức tiền là ít hay nhiều. Một khi đã bỏ tiền ra cùng người khác, chúng ta đồng thời cũng tạo ra một mối quan hệ làm ăn ở đó đòi hỏi sự tin tưởng hoàn toàn. Do vậy, càng suy nghĩ cẩn thận, thấu đáo mọi việc, càng hiểu biết rõ ràng các thông tin về đối tác và về dự án hoặc sản phẩm đầu tư, sẽ càng có nhiều khả năng đạt được sự hài lòng và mãn nguyện. Xin nhấn mạnh rằng một quyết định đầu tư đúng đắn luôn bao gồm hai yếu tố: Nhận thức rõ ràng và cảm xúc tích cực, tin tưởng. Trong mọi trường hợp, mọi mối quan hệ, yếu tố cảm xúc không nên là một tiêu chí chính để đưa ra một quyết định đầu tư.

NGÔ MINH UY, chuyên gia tâm lý, Giám đốc Trung tâm Tâm lý học ứng dụng Sông Phố

(Nguyệt san Pháp Luật TP.HCM số 173)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm