Chất lượng quy hoạch quảng cáo chưa cao

“Hiện nay có chưa đến 30 tỉnh, thành có quy hoạch quảng cáo. Chất lượng quy hoạch cũng chưa được cao”. Đó là nhận xét của ông Trần Minh Chính, Phó Cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở (Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch), trong hội nghị lấy ý kiến góp ý cho dự thảo Luật Quảng cáo sáng 9-4. Hội nghị do Văn phòng Chính phủ và Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch tổ chức.

Quy hoạch kiểu “nghị quyết”

Ông Chính cho biết Bộ đã có hướng dẫn địa phương xây dựng quy hoạch quảng cáo chi tiết. Tuy nhiên, “cũng có hiện tượng địa phương không bám sát hướng dẫn quy hoạch nhưng không nhiều”. Chất lượng quy hoạch chưa cao. Quy hoạch quảng cáo phải chỉ ra bảng biển, vị trí cụ thể nhưng có quy hoạch chỉ mang tính “định hướng”, “nghị quyết” mà thôi.

Gần đây, các doanh nghiệp quảng cáo có ý kiến rằng cần có tiêu chí chung về quy hoạch quảng cáo trên cả nước để các địa phương không tự ý đặt ra các quy định riêng, làm khó doanh nghiệp. Về việc này, ông Chính cho rằng Bộ chỉ có thể hướng dẫn cách xây dựng quy hoạch chứ không thể đưa ra tiêu chí hay lập quy hoạch cho địa phương. Quy hoạch quảng cáo phụ thuộc quy hoạch tổng thể kinh tế-xã hội của địa phương, trong đó có quy hoạch ngành văn hóa. Quy hoạch đó lại “cài răng lược” với quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị, quy hoạch giao thông, thậm chí cả điện… tại địa phương đó. Vì vậy Bộ không thể làm quy hoạch cho cả nước. Từng địa phương tự quy hoạch cho mình mà chỉ vài ba tháng thấy không còn phù hợp thì liệu giao hết cho Bộ quy hoạch thì làm sao khả thi?! Bộ chỉ hướng dẫn những nguyên tắc chung cho địa phương xây dựng quy hoạch.

Chất lượng quy hoạch quảng cáo chưa cao ảnh 1

Băng rôn quảng cáo lòng thòng với dây viễn thông tại ngã tư Phú Nhuận, TP.HCM. Ảnh: HTD

Làm rõ “tĩnh” hay “động”

Quảng cáo phụ thuộc lớn vào sự thay đổi của bộ mặt đô thị. Các doanh nghiệp quảng cáo than phiền nhiều về quy hoạch. Có doanh nghiệp than quy hoạch “cứng nhắc”, đô thị thay đổi mà quy hoạch không đổi. Có doanh nghiệp than quy hoạch thay đổi nhanh, làm doanh nghiệp không dám đầu tư!

Ông Chính cho rằng quy hoạch quảng cáo mang tính “động”. Trong kỹ thuật lập quy hoạch cũng phải chia ba, bốn “vành đai” quy hoạch. Ví dụ ở Hà Nội, quảng cáo ở khu vực Ba Đình có thể được quy hoạch cho năm, mười năm vì ở đấy kiến trúc rất ít thay đổi. Nhưng ở khu vực khác chỉ có thể ba năm. Có những nơi chỉ sáu tháng, một năm mà thôi. “Doanh nghiệp có nhu cầu quảng cáo thì vẫn cho nhưng nói rõ ràng là chỗ đấy đang bới đường lên đấy, ông làm thì làm sáu tháng thôi. Nếu ông nghiên cứu thấy chỉ sáu tháng cũng có lãi, ông vẫn muốn làm thì cứ vào. Mặt khác, doanh nghiệp cũng phải nghiên cứu quy định chứ bắt nhà quy hoạch cũng theo ông mà mỗi ông muốn mỗi kiểu thì không thể được. Cái khó của nhà quản lý là phải hài hòa quyền lợi của doanh nghiệp-cộng đồng-Nhà nước”.

TP.HCM có khoảng 3/4 quận, huyện đã có quy hoạch nhưng chúng tôi yêu cầu TP phải có quy hoạch chung của TP, không để trống đánh xuôi kèn thổi ngược mà gây khó cho doanh nghiệp.

Dù giữ hay bỏ cũng thoáng hơn

Dự thảo Luật Quảng cáo đưa ra hai phương án, một là bỏ cấp phép quảng cáo trên bảng, băng rôn, hai là giữ nguyên việc cấp phép như hiện nay. Ông Chính cho biết trong giai đoạn đầu lấy ý kiến góp ý thì ý kiến nghiêng về hướng bỏ cấp phép. Tuy nhiên, dần về sau và như hiện nay thì ý kiến nghiêng về duy trì cấp phép.

Tại hội nghị, có doanh nghiệp góp ý bỏ cơ chế cấp phép. Cũng có doanh nghiệp cho rằng nên giữ. Ông Trần Văn Nghiệp, Giám đốc Công ty Quảng cáo Sài Gòn, cho rằng hiện nay tại TP.HCM, bảng quảng cáo không phép, sai phép rất nhiều, nếu bỏ cơ chế cấp phép thì thị trường sẽ hỗn loạn! Vì vậy mà giữ cơ chế cấp phép nhưng việc cấp phép phải hợp lý, nhanh chóng, minh bạch.

Ông Huỳnh Vĩnh Ái, Thứ trưởng Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch, hỏi lại rằng khi bỏ cấp phép, doanh nghiệp tranh nhau dựng bảng quảng cáo, treo băng rôn cùng một chỗ thì giải quyết làm sao? Rồi mạnh ai nấy treo mà buộc tháo xuống thì không thèm tháo, sẽ giải quyết thế nào? Vì vậy, ông kết luận rằng ban soạn thảo sẽ tiếp thu ý kiến của doanh nghiệp. “Giữ hay bỏ thì cũng phải trên tinh thần tạo thông thoáng cho doanh nghiệp hoạt động”.

Vấn đề chi tiết hơn sẽ nằm trong nghị định

Các góp ý gần đây của doanh nghiệp như góp ý chỉ duy trì cấp phép với bảng quảng cáo lớn trên 20 m2, cấp phép một lần khi bắt đầu xây dựng bảng quảng cáo, cấp phép giá trị ba, năm năm mới phải xin cấp lại… là quy định chi tiết, có thể đưa vào nghị định chứ không đưa vào luật. Thậm chí có thể đưa vào quy định của từng địa phương.

Ông TRẦN MINH CHÍNH, Phó Cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở

Quy định 60 mà phải chi 300!

Quy định phí cho một băng rôn chỉ 60.000 đồng. Thế nhưng doanh nghiệp phải trả đến 300.000 đồng. Trên 200.000 đồng chênh lệch đi đâu thì chắc ai cũng rõ!

Vì vậy nên cho đấu thầu công khai. Ví dụ tại trụ điện này được treo băng rôn như thế nào, treo trong khoảng thời gian nào… Tiền vào hết ngân sách mà doanh nghiệp cũng cạnh tranh lành mạnh.

QUỲNH NHƯ

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm