Chính phủ cam kết: Bơm USD giữ tỉ giá, thả nổi lãi suất

Theo lời chủ tịch Ủy ban, ông Lê Đức Thúy, sau cuộc họp của Thường trực Chính phủ kết thúc vào tối muộn 3-11, Thủ tướng yêu cầu ông gặp gỡ báo chí, chủ động thông tin về những quyết sách của Chính phủ liên quan đến hai vấn đề rất “nóng” hiện nay là chính sách tỉ giá và lãi suất.

Ông Lê Đức Thúy mở đầu cuộc gặp gỡ với báo chí bằng việc nêu một nghịch lý: Trong khi USD đang giảm giá so với hầu hết các đồng tiền khác trên thế giới thì trong nước tỉ giá lại sốt cao. “Tôi sang Lào cũng hơi xấu hổ một chút khi đồng kíp lên giá, còn VN thì đang cố chặn cho đồng Việt đừng có giảm giá mà chặn không nổi…” - ông Thúy nói.

Mất lòng tin

Giải thích cho tình trạng trên, vị cựu thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) nêu ra một số nguyên nhân: Do méo mó trong chính sách tiền tệ, lãi suất dẫn đến những hành xử khác của người dân đối với các đồng tiền; thêm vào đó là sức ép giảm lãi suất của tiền Việt càng làm cho uy tín của tiền Việt giảm...

Phân tích sâu hơn, ông Thúy nói trong vòng 15 ngày đầu tháng 10, tiền gửi tiết kiệm bằng đồng Việt của người dân giảm đến 45.000 tỉ đồng. Người dân mà không gửi ngân hàng bằng tiền Việt thì họ rút ra mua USD hoặc vàng, tức là trong vòng nửa tháng phải cần có hơn 2 tỉ USD nếu chỉ để mua vàng. Chưa kể các doanh nghiệp vay ngoại tệ thấy ngoại tệ có xu hướng tăng thì có khi chưa đến kỳ hạn trả cũng phải tìm cách mua vào. Còn người nhập khẩu dù chưa đến thời điểm thanh toán cũng phải tính đến việc mua USD sớm. Việc này tạo ra áp lực lớn về cung và cầu. Đây là nguyên nhân thuần túy về kinh tế. Nhưng ông Thúy cho rằng đằng sau nguyên nhân ấy là nguyên nhân tâm lý và yếu tố tâm lý đóng vai trò lớn hơn nhiều vì “người dân mất lòng tin vào khả năng ổn định đồng tiền và ổn định tỉ giá”.

Chính phủ cam kết: Bơm USD giữ tỉ giá, thả nổi lãi suất ảnh 1

Bơm ngoại tệ dự trữ là một trong những biện pháp ổn định tỉ giá. Ảnh minh họa. HTD

“Thường trực Chính phủ và các bộ, ngành đã phân tích và đều cho rằng trong tình hình này việc điều chỉnh tỉ giá là không có lợi. Nó sẽ gây tác động xấu dây chuyền, đôi khi không kiểm soát nổi” - ông Thúy cho hay. Ông Thúy cũng dẫn lời trưởng đại diện Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) cho rằng VN không cần thiết điều chỉnh tỉ giá, nhất là khi USD đang yếu đi và xu hướng còn yếu nữa. “Nới lỏng biên độ hay điều chỉnh tỉ giá thì thực chất vẫn là điều chỉnh tỉ giá. Chính phủ bàn không điều chỉnh tỉ giá bao hàm cả hai ý không nới lỏng biên độ cũng như không điều chỉnh tỉ giá” - ông Thúy khẳng định.

Bơm ngoại tệ, tăng lãi suất huy động

1.000 tấn vàng tương đương 40 tỉ USD còn nằm trong dân ở VN, theo ước tính của Hội đồng Vàng thế giới.

Vậy thì câu hỏi đặt ra là làm sao giải quyết tình hình căng thẳng trong cung-cầu ngoại tệ? Theo ông Thúy, việc trước tiên là cần truyền thông làm công luận hiểu rõ quan điểm về chính sách và có lòng tin vào việc điều hành chính sách của Chính phủ để loại bỏ những tin đồn thất thiệt. Giải pháp thứ hai, NHNN can thiệp, bán dự trữ ngoại tệ ra. “Trong tháng 9, NHNN mua dự trữ khoảng 300 triệu USD, tháng 10 đã bán can thiệp nhỏ giọt khoảng 200 triệu USD. Chúng tôi nghĩ rằng đấy là biện pháp chưa đủ mạnh để chặn đứng tâm lý khan hiếm ngoại tệ” - ông Thúy nói.

Từ chối nêu chính xác con số dự trữ ngoại hối, ông Thúy cho hay mức này ở khoảng 6-7 tuần nhập khẩu. “Dự trữ còn lại cao hơn nhiều so với con số 8 tỉ USD năm 2006. Còn và còn đủ để can thiệp với những cơn sốt như hiện nay” - ông Thúy khẳng định.

Đối với vấn đề lãi suất, Chính phủ từng yêu cầu ngân hàng đưa lãi suất tiền Việt xuống để phục vụ sản xuất tăng trưởng nhưng tình hình đang thay đổi. “Chính phủ đặt yêu cầu không giảm lãi suất nữa, NHNN phải để các ngân hàng thương mại huy động và cho vay theo thị trường” - ông Thúy cho biết. Theo ông Thúy, lãi suất huy động sẽ duy trì ở khoảng 12%-13% và cho vay khoảng 15%-17%. Do vậy, việc ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế và tiêu dùng không lớn, trong khi điều này lại giúp ổn định được vĩ mô, tạo được lòng tin lâu dài và tạo điều kiện cho phát triển sản xuất kinh doanh một cách bền vững. Song song với đó là ngăn chặn không để lãi suất USD tăng lên.

USD giảm 270 đồng/USD

Sáng 4-11, USD thị trường tự do vẫn miệt mài tăng giá, có lúc lên đến 21.070 VND/USD. Tuy nhiên, ngay sau khi có thông tin chính thức của Chính phủ về việc tung ngoại tệ hỗ trợ doanh nghiệp xuất nhập khẩu thì giá USD thị trường tự do đã giảm đáng kể. Cụ thể, đến chiều 4-11, tại TP.HCM, giá mua vào là 20.600 VND/USD, bán ra là 20.800 VND/USD, giảm 270 đồng/USD so với mức kỷ lục 21.070 USD vào buổi trưa.

Cùng ngày, giá vàng liên tục được điều chỉnh tăng giảm. Đầu giờ sáng, giá vàng giảm nhẹ nhưng sau đó liên tục tăng, cao nhất đến 34,20 triệu đồng/lượng tại TP.HCM, 34,30 triệu đồng/lượng tại Hà Nội. Đến 17 giờ chiều qua, giá vàng mua vào là 34,08 triệu đồng/lượng, bán ra là 34,18 triệu đồng/lượng (tăng khoảng 380.000 đồng/lượng so với ngày 3-11).

Theo ông Nguyễn Công Tường, Phó phòng Kinh doanh Công ty SJC, sở dĩ giá vàng liên tục biến động là do tác động của giá USD trên thị trường tự do. Việc USD rớt mạnh khiến giá vàng giảm mạnh. Tuy nhiên, ngay khi giá vàng rớt mạnh thì xuất hiện lượng mua vào khá nhiều khiến cho chiều qua, giá vàng lại liên tục được đẩy lên.

THANH HẢI

Mệnh lệnh hành chính làm méo mó thị trường

Không chỉ riêng vấn đề lãi suất mà điều hành chính sách tài chính tiền tệ thời gian qua có xu hướng dùng mệnh lệnh hành chính ngày càng tăng. Tuyên bố là không nhưng thực tế có rất nhiều mệnh lệnh can thiệp hành chính. Lãi suất cho vay cũng tương tự, vì vậy mà thị trường méo mó. Do vậy không thể tiếp tục cách điều hành này được. Chính phủ phải cương quyết hơn trong việc tôn trọng các nguyên tắc của thị trường và tôn trọng khuôn khổ pháp lý trong việc điều hành chính sách tiền tệ nói riêng và chính sách kinh tế nói chung.

ÔngLÊ ĐỨC THÚY, Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia

Cần có giải pháp căn cơ

Cuộc họp báo của Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia đã mang lại hiệu quả tâm lý. Nó giúp minh bạch, rõ ràng thêm, thấy được trách nhiệm của nhà nước lúc thị trường căng thẳng. Nhưng lâu dài, bền vững phải giải quyết cả ba vấn đề: tâm lý, cung-cầu và quản lý nhà nước. Chứ cam kết thế rồi vẫn nhập siêu, vẫn bội chi ngân sách, lạm phát vẫn tăng, thu mua đôla lại không được thì thị trường sẽ lại vọt lên ngay.

TSCAO SĨ KIÊM, nguyên Thống đốc NHNN Việt Nam

ĐỨC MINH - THU HẰNG

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm