Chợ đầu mối hoành tráng bỏ hoang, tốn 3 triệu/tháng canh giữ

Chợ đầu mối trái cây Sơn Định (huyện Chợ Lách, Bến Tre) được xây dựng trên diện tích hơn 1,1 ha nằm ven sông Tiền, với đầy đủ các hạng mục, thiết bị hiện đại như: khu sơ chế, khu đóng gói, kho lạnh, kho mát, hệ thống sân bãi, nhà lồng, bến thủy, bờ kè, vựa mẫu, văn phòng, nhà vệ sinh, cổng rào… Tổng kinh phí xây dựng hơn 12,6 tỉ đồng.

Chợ hoành tráng bỏ hoang 5 năm nay

Công trình do dự án nâng cao chất lượng an toàn sản phẩm nông nghiệp và phát triển chương trình khí sinh học (QEAP)  tài trợ.  Tháng 11 – 2016, chợ xây xong UBND huyện Chợ Lách bàn giao chợ đầu mối trái cây Sơn Định cho UBND xã Sơn Định quản lý. Tuy nhiên, chợ  xây xong bỏ hoang cho đến nay.

Chợ đầu mối trái cây Sơn Định xây xong rồi bỏ hoang 5 năm nay. Ảnh: ĐH

Theo một số hộ dân sống dọc huyện lộ 31 (ấp Thới Lộc, xã Sơn Định), suốt 5 năm nay khu chợ chưa hoạt động ngày nào. Ông Dương Văn Hy (57 tuổi, thương binh hạng ¾ ở ấp Thới Lộc, xã Sơn Định) bức xúc cho biết, gia đình ông Hy trước đây có 2.300m2 đất để sinh sống và trồng nhãn và bưởi da xanh.

Trước khi chưa bị thu hồi đất làm chợ, mỗi năm huê lợi từ vườn trái cây gia đình ông Hy thu nhập hàng trăm triệu đồng. Nhưng từ khi bị thu hồi toàn bộ mảnh vườn 2.000m2 để làm chợ, gia đình ông mất đi nguồn thu nhập từ vườn cây trái.

 “Giờ gia đình tôi chỉ còn vỏn vẹn có 300m2 đất để ở. Lúc đó địa phương nói thu hồi đất để làm chợ, người dân mới đồng ý giao đất. Tưởng chợ trái cây xây xong sẽ hoạt động nhưng nay lại bỏ hoang hết sức lãng phí” – Ông Hy bức xúc nói.

Được biết, trước đây QL57 còn nhỏ hẹp chưa được mở rộng, chưa có cầu Chợ Lách mới nên phần lớn người dân Chợ Lách vận chuyển trái cây bằng đường sông. Thời điểm đó địa phương nhận thấy việc đầu tư xây dựng chợ đầu mối trái cây ven sông Tiền rất thuận tiện, đồng thời dự kiến sẽ mở rộng tuyến huyện lộ 31 vào chợ.

Biển chợ đầu mối trái cây Sơn Định bị bong tróc do bỏ hoang nhiều năm. Ảnh: ĐH

Tuy nhiên chợ đầu mối trái cây xây xong, không lâu sau QL57 và cầu Chợ Lách mới mở ra, nhiều thương lái và chủ vựa trái cây, doanh nghiệp họ mở cơ sở dọc theo QL57 bởi giao thông thuận tiện nên không ai vào chợ.

Một nguyên nhân khác khiến chợ đầu mối trái cây xây xong vẫn ế ẩm là do chỉ có con đường duy nhất vào chợ trái cây Sơn Định là huyện lộ 31 nhưng tuyến lộ này nhỏ hẹp, xe container không vào được nên dù địa phương có kêu gọi nhưng doanh nghiệp vẫn không vào.

Ngân sách huyện tốn 2-3 triệu đồng thuê bảo vệ giữ chợ 

Do bị bỏ hoang nhiều năm, cơ sở hạ tầng và máy móc thiết bị bên trong chợ trái cây đã cũ, bụi bám và có nguy cơ hư hỏng khi không vận hành. Đến năm 2019, UBND huyện Chợ Lách tạm thời bàn giao chợ đầu mối trái cây này lại cho Ban Quản lý chợ Chợ Lách quản lý.

Theo Ban Quản lý chợ, nhiều năm nay, do chợ không hoạt động nên phải thuê bảo vệ để giữ chợ mỗi tháng 2-3 triệu đồng từ ngân sách của huyện. Ngoài ra ngân sách còn phải chi trả thêm tiền điện thắp sáng tại chợ mỗi tháng.

Nhếch nhác bên trong khu chợ đầu mối trái cây hoành tráng bị bỏ hoang. Ảnh: ĐH

Ông Phạm Anh Linh – Phó Chủ tịch UBND huyện Chợ Lách cho biết, công trình chợ đầu mối trái cây Sơn Định do Sở NN&PTNT tỉnh làm chủ đầu tư. Trước đây khi chợ xây xong, Sở NN&PTNT tỉnh tạm giao chợ và tài sản công bên trong chợ cho UBND huyện quản lý thông qua biên bản chứ chưa có quyết định chính thức.

“Do không thuộc thẩm quyền của huyện nên thời gian qua dù bị bỏ hoang nhưng huyện không thể chuyển đổi công năng khu chợ này. Và huyện Chợ Lách cũng đã có 2 văn bản gửi cho Sở NN&PTNT tỉnh để Sở này cung cấp đầy đủ hồ sơ quyết toán công trình cho Sở Tài chính để Sở Tài chính trình UBND tỉnh giao khu chợ trên cho huyện nhưng đến nay Sở NN&PTNT tỉnh chưa có cung cấp đầy dủ. Do đó Sở Tài chính chưa trình UBND tỉnh để bàn giao công trình về cho huyện”- ông Linh cho biết.  

Cũng theo ông Linh, dù chợ đầu mối trái cây hoành tráng xây xong đã bỏ hoang nhiều năm nay nhưng hiện chính quyền địa phương và ngành chức năng vẫn chưa tìm ra hướng giải quyết nào. Do vậy hiện nay công trình vẫn tiếp tục còn bỏ hoang.


Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm

ĐHĐCĐ 2024 Tập đoàn GELEX diễn ra thành công

ĐHĐCĐ năm 2024 Tập đoàn GELEX diễn ra thành công

(PLO)- Sáng 28-3, Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên năm 2024 của Công ty cổ phần Tập đoàn GELEX đã diễn ra tại Hà Nội. Với sự đồng thuận và nhất trí cao, Đại hội đã thông qua toàn bộ các báo cáo, tờ trình và nhiều nội dung quan trọng khác.

Giá vàng miếng SJC bất ngờ 'nóng' trở lại

Giá vàng miếng SJC bất ngờ 'nóng' trở lại

(PLO)- Thị trường vàng trong nước có phiên tăng giá thứ hai liên tiếp. Đáng nói là trong khi vàng nhẫn tăng không đáng kể thì vàng miếng SJC lại có bước nhảy vọt, vượt mốc 81 triệu đồng/lượng.

Tranh cãi về đề nghị điều tra chống bán phá giá thép Trung Quốc

Tranh cãi về đề nghị điều tra chống bán phá giá thép Trung Quốc

(PLO)- Hai doanh nghiệp sản xuất thép có thị phần lớn ở Việt Nam đã gửi hồ sơ đến Bộ Công Thương đề nghị điều tra chống bán phá giá đối với sản phẩm thép cán nóng (HRC) có nguồn gốc từ Trung Quốc. Thông tin này gây ra nhiều ý kiến trái chiều trong nội bộ ngành thép.