Chủ tịch nước: Ánh sáng đã xuất hiện, nhiều cơ hội kinh tế đã mở ra

Sáng 12-10, tại TP.HCM, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã có buổi gặp mặt với Hội doanh nhân trẻ Việt Nam nhân dịp kỷ niệm ngày Doanh nhân Việt Nam (13-10). Cộng đồng doanh nghiệp (DN) bày tỏ tin tưởng với sự đồng lòng của Chính phủ, DN và người dân thì đất nước sẽ sớm vượt qua khó khăn của dịch bệnh COVID-19 kéo dài.
Ông Đặng Hồng Anh, Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam, cho biết ưu tiên hàng đầu của DN khi nối lại các hoạt động hồi phục sau giãn cách là di chuyển lao động và vận chuyển hàng hóa. Thế nhưng thời gian qua gặp nhiều bất cập, cản trở lưu thông giữa các địa phương.
Do đó, các DN đề xuất Bộ GTVT trước khi ban hành quy định về lưu thông thì gửi lấy ý kiến địa phương, nếu địa phương nào không có ý kiến thì coi như đồng ý để khi ban hành thì tạo ra sự đồng bộ trên phạm vi cả nước.
Theo ông Hồng Anh, các DN hiện rất cần cần “bơm ô xy” vốn, vì vậy đề xuất nhà nước có thể xem xét cân đối nợ dự trữ ngoại hối tạo nguồn vốn mồi, gói kích cầu hỗ trợ DN. Các DN cũng kiến nghị ưu tiên vắc xin cho các tỉnh thành có tỷ trọng xuất khẩu cao, phát triển du lịch.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc gặp mặt, lắng nghe mong muốn, đề xuất của các doanh nghiệp sáng 12-10. (Ảnh: QH)

“Về phía ngân hàng, nhà nước cần ban hành chính sách chung cho doanh nghiệp giãn nợ 6 - 12 tháng, trừ một số ngành nghề không bị ảnh hưởng. Như vậy, các DN sẽ đỡ vất vả làm thủ tục hành chính chứng minh với ngân hàng. Đồng thời, ngân hàng và chính quyền địa phương xây dựng các đường dây nóng để giải đáp, hỗ trợ ngay cho DN”, ông Hồng Anh kiến nghị.
Ông Phạm Phú Trường, Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ TP.HCM, cho rằng cơ quan quản lý vẫn chưa nhận thấy tổn thất trong đại dịch của các DN chính là tổn thất của địa phương, làm mất đi lợi thế cạnh tranh của quốc gia nói chung. Như trong quản lý, ban hành các quy định mang tư duy xin-cho, ngăn cấm vẫn còn diễn ra một số nơi, khiến DN gặp lúng túng trong quá trình phục hồi.
Theo ông Trường, các địa phương cần tạo điều kiện, phát huy sức mạnh, tận dụng trí lực, nhiệt huyết đóng góp của đội ngũ doanh nhân trẻ trong quá trình xây dựng các quyết sách liên quan đến phát triển kinh tế.
“DN Việt Nam được ví như đang trong tâm thế “lò xo bị nén” khá lâu, nay sẽ bật cao hơn nếu có chính sách hỗ trợ kịp thời, tháo gỡ các rào cản”, ông Trường ý kiến.

Nhiều kiến nghị của DN đưa ra tại buổi gặp gỡ với Chủ tịch nước. (Ảnh: QH)

Khó khăn về quy định pháp luật chồng chéo kéo dài cũng được ông Nguyễn Đình Trung, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Hưng Thịnh đề cập tại buổi gặp gỡ. Theo ông Trung, các DN chỉ cần cơ chế cởi mở, công khai, minh bạch, công bằng để đóng góp nhiều hơn vào sự phát triển của đất nước.
Phát biểu tại buổi gặp mặt, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh rằng, các đồng chí lãnh đạo TP.HCM cần lắng nghe các kiến nghị của doanh nghiệp và thúc đẩy các cơ quan chức năng trả lời các vấn đề đặt ra của các doanh nhân TP.HCM. Từ đó, tiếp tục hỗ trợ DN trên nhiều lĩnh vực tài chính, ngân hàng, nguồn lao động, xúc tiến thương mại, xúc tiến đầu tư... giúp DN từng bước mở rộng quy mô sản xuất kinh doanh đảm bảo an toàn trong bối cảnh mới.
Theo Chủ tịch nước, các cấp của TP.HCM, đặc biệt là các ngành của Trung ương và Đoàn ĐBQH cùng lắng nghe ý kiến của doanh nghiệp, cùng chung tay tháo gỡ khó khăn cho DN. Chủ tịch nước tin tưởng rằng với sự góp sức mạnh mẽ của DN, doanh nhân TP.HCM, nhất định trong quý 4-2021 và đặc biệt là năm 2022, sự khởi sắc của kinh tế TP.HCM sẽ trở lại.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc: "Giai đoạn cuối đường hầm này, nhiều cơ hội kinh tế đã mở ra".

Chủ tịch nước biểu dương doanh nhân Việt Nam nói chung và doanh nhân tại TP.HCM nói riêng, dù gặp nhiều khó khăn nhưng vẫn nỗ lực, chung sức đồng lòng cùng chính quyền chống dịch, hỗ trợ tài lực, vật lực, nhân lực cho tuyến đầu chống dịch và hỗ trợ an sinh xã hội.
Nhiều DN đã triển khai các chương trình thiện nguyện, chia sẻ khó khăn với người lao động, nhường cơm sẻ áo với người cơ cực. Dù khó khăn nhưng DN vẫn cố gắng sản xuất, giữ sản xuất, giữ người lao động, tạm thời có công ăn việc làm, giải quyết đời sống cho người lao động.
“Những khó khăn hiện nay là tạm thời. Tương lai còn nhiều thách thức nhưng ánh sáng đã xuất hiện. Giai đoạn cuối đường hầm này, nhiều cơ hội kinh tế đã mở ra, không chỉ bù đắp lại những mất mát đã qua mà còn là cơ hội lớn để phát triển thời gian tới”, Chủ tịch nước nói.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm