Chủ tịch PVN: Khuyết điểm thì có, sai phạm thì không!

“Chúng tôi thiết tha đề nghị báo chí đánh giá khách quan, chính xác về PVN. Chúng tôi không mong muốn tô hồng tập đoàn, chỉ cần báo chí thông tin đúng, chính xác về PVN cả mặt được và mặt chưa được. Chúng tôi đề nghị báo chí giúp đỡ mong muốn này”. Đó là những chia sẻ của ông Phùng Đình Thực, Chủ tịch HĐTV Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), tại buổi họp báo trực tuyến sáng 9-4 xung quanh các câu hỏi của báo chí về sai phạm trong quản lý sử dụng vốn, đầu tư ngoài ngành của PVN được nêu ở kết luận của Thanh tra Chính phủ.

“Nói PVN sai phạm là ảnh hưởng tới uy tín quốc gia”

Mặc dù đây là buổi họp báo sơ kết tình hình sản xuất, kinh doanh quý I nhưng phần lớn nội dung xoay quanh con số sai phạm lên đến hơn 18.000 tỉ đồng của PVN. Ông Thực cho hay những thông tin như nhiều báo đưa vừa qua về việc PVN sai phạm hàng ngàn tỉ đồng đã làm ảnh hưởng lớn đến tập đoàn, quốc gia, làm dư luận trong và ngoài ngành, lão thành cách mạng và hàng ngàn cán bộ, công nhân viên của PVN hoang mang, lo lắng. Đặc biệt trên blog có thông tin xấu về PVN, có thông tin còn coi PVN như Vinashin thứ hai. Thông tin như vậy khiến uy tín không chỉ PVN mà về Việt Nam xuống thấp nhất và rất xấu.

“Những thông tin như vậy có lợi gì không? Còn tập đoàn kinh tế nào muốn hợp tác với Việt Nam? Bao nhiêu công sức của Tập đoàn PVN được Chính phủ, nhân dân hỗ trợ, giúp đỡ bao năm giờ trôi sông trôi biển” - ông Thực đặt vấn đề và nhấn mạnh báo chí hiểu và đưa thông tin như vậy là không đúng, không biết về Tập đoàn PVN.

Theo ông Thực, kết luận của Thanh tra Chính phủ chỉ nói PVN có khuyết điểm chứ không nói mắc sai phạm. Kết luận này cũng đánh giá từ khi thành lập đến nay PVN hoạt động kinh doanh có lãi, bảo toàn và phát triển vốn chủ sở hữu đầu tư và vốn của PVN đầu tư tại các DN khác. Hằng năm, PVN đóng góp gần 1/3 thu ngân sách của cả nước...

Chủ tịch PVN: Khuyết điểm thì có, sai phạm thì không! ảnh 1

Vận hành thiết bị khai thác dầu thô tại mỏ Bạch Hổ của Tập đoàn dầu khí VN. Ảnh: CTV

Không sai phạm và đã khắc phục

Ngay sau những chia sẻ trên, ông Thực đã đọc bản giải trình nguyên nhân gây ra những “khuyết điểm” của tập đoàn, trong đó tập trung vào chín nội dung chính.

Theo đó, đối với kiến nghị tập đoàn thu hồi về Quỹ Hỗ trợ sắp xếp DN 1.922 tỉ đồng thu được từ cổ phần hóa, tính và thu tiền lãi chậm nộp theo quy định, PVN cho biết: Trong tổng số tiền cần thu hồi thì Tổng Công ty Khí (PVGas) chưa trả 1.911 tỉ đồng vì liên tục bị Tổng Công ty Điện lực Dầu khí (PVPower) chậm thanh toán tiền mua khí (lý do vì PVPower bị EVN nợ hơn 10.000 tỉ đồng). Tính đến nay, PVGas đã nộp 1.903 tỉ đồng và nhận nợ với tập đoàn số lãi phát sinh.

Về kiến nghị PVN báo cáo xin ý kiến Thủ tướng về việc sử dụng tiền cho các hoạt động tài chính không thuộc dự án trọng điểm dầu khí lên đến hơn 15.600 tỉ đồng (góp vốn liên doanh Rusvietpetro, cấp vốn điều lệ cho Tổng Công ty Thăm dò và Khai thác dầu khí PVEP), PVN lý giải: Ngày 15-6-2011, PVN báo cáo và kiến nghị Thủ tướng chấp thuận việc sử dụng nguồn lãi nước chủ nhà để lại PVN để đầu tư góp vốn cho hoạt động tìm kiếm thăm dò tại Công ty Rusvietpetro và PVEP, đây là hoạt động cốt lõi của tập đoàn. Mặt khác, PVN cho rằng chiếu theo quyết định của Thủ tướng về tiêu chí xác định công trình dự án trọng điểm dầu khí được phép sử dụng tiền lãi dầu, khí (ban hành ngày 14-10-2011) thì các dự án của Rusvietpetro và PVEP đều nằm trong danh mục này nên việc sử dụng nguồn vốn trên là phù hợp.

Về kết luận của thanh tra cho rằng PVN đầu tư ngoài ngành kém hiệu quả, PVN khẳng định đầu tư các đơn vị ngoài ngành lợi nhuận không cao chứ không phải thất thoát, thua lỗ. PVN hiện đã xác định năm lĩnh vực hoạt động chính. PVN sẽ thoái vốn từ đây đến năm 2015 tại các công ty tập đoàn không thuộc năm lĩnh vực hoạt động trên.

Về vấn đề xử lý trách nhiệm cá nhân, tập thể liên quan đến các sai phạm, ông Thực cho biết hiện nay PVN đang trong quá trình xử lý, chưa có kết quả chính thức. Tuy nhiên, lãnh đạo PVN đã không trả lời câu hỏi về trách nhiệm của Bộ trưởng GTVT Đinh La Thăng khi còn là chủ tịch PVN.

Chỉ định thầu sai do yêu cầu cấp bách

Theo kết luận thanh tra, PVN đã chỉ định thầu sai quy định hai gói thầu trị giá 32,67 tỉ đồng; các công ty thành viên cũng chỉ định bốn gói thầu sai với 743 tỉ đồng, 110 triệu USD và 600.000 euro. Bà Phạm Thu Hà, Phó Tổng Giám đốc PVN, cho biết năm 2010, Thủ tướng cho phép PVN chỉ định một số gói thầu. Tuy nhiên, một số gói thầu có tính chất đặc thù như tư vấn giải phóng mặt bằng, khảo sát biển, thẩm tra dự toán... nên không có đơn vị nào của PVN thực hiện được.

“Việc chỉ định thầu đều do yêu cầu cấp bách về tiến độ dự án và các nhà thầu đều có năng lực, kinh nghiệm. Các gói thầu này đến nay đã hoàn thành và đều tiết giảm được chi phí so với dự toán được phê duyệt hàng triệu USD” - bà Hà nói.

Ứng vốn sai vì sợ chậm tiến độ

Người đứng đầu PVN, ông Phùng Đình Thực thừa nhận PVN có vi phạm trong việc ứng vốn về giải phóng mặt bằng cho một số địa phương như Sóc Trăng, Hà Tĩnh… Ông Thực nói việc giải phóng mặt bằng là của địa phương chứ không phải trách nhiệm của PVN. Tuy vậy, trong nhiều trường hợp, ngân sách địa phương chưa thu xếp được, PVN đã phải ứng trước khoản vốn này cho địa phương thực hiện nhằm đảm bảo các dự án được triển khai đúng tiến độ, tránh lãng phí và thiệt hại cho nhà đầu tư. Việc ứng trước vốn cho các địa phương, ngành trong các năm qua của PVN để giúp các địa phương, ngành thực hiện các hạng mục công trình ngoài hàng rào và công trình gắn với các dự án đầu tư của tập đoàn nhằm đảm bảo cho các dự án triển khai đúng tiến độ.

BÙI NHƠN - TRÀ PHƯƠNG

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm