Chủ tịch Quốc hội: DN hoạt động tự do nhưng phải trong khuôn khổ!

Chủ tịch Quốc hội: DN hoạt động tự do nhưng phải trong khuôn khổ! ảnh 1
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng

Theo Chủ tịch Quốc hội, đối với các hoạt động buôn gian bán lậu diễn ra trong quá trình đầu tư, kinh doanh, luật ở nhiều nước luôn quy định ngay từ đầu nhà đầu tư, kinh doanh phải có đạo đức! Tuy nhiên ở nước ta thì vẫn buông lỏng.

“Dự thảo luật đã lường hết chưa? Có tự do nhưng phải trong khuôn khổ. Lôi thôi phải tóm được ngay để xử lý. Anh vừa bán phở, vừa bán cà phê là quyền của anh, nhưng phải đăng ký để tôi biết. Làm ngành nghề kinh doanh có điều kiện nhưng lại không làm đúng thì thu giấy phép là tốt nhất. Các đồng chí làm nghiêm vào. Buôn gian, bán lận, làm giả…cứ thu giấy phép là tốt nhất” –  Chủ tịch Quốc hội nêu.

Đi vào vấn đề cụ thể, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Ksor Phước cho rằng, nếu luật quy định bỏ ngành nghề kinh doanh trong giấy chứng nhận kinh doanh là không được. Vấn đề này liên quan đến đấu thầu, khi xảy ra hậu quả, ngoài việc DN phải bồi thường thì hậu quả không chỉ DN chịu mà cả xã hội phải chịu. Hiện luật cho phép ai cũng có quyền đấu thầu nên phải có tên ngành nghề kinh doanh trên giấy chứng nhận để khi kiểm tra hồ sơ có thể thẩm định được khả năng của nhà thầu.

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Văn Hiện cũng cho rằng, ngành nghề kinh doanh là đặc biệt quan trọng trong quản lý nhà nước. Tự do kinh doanh nhưng phải có điều chỉnh, không thể vô tổ chức nên phải ghi rõ ngành nghề kinh doanh trên giấy chứng nhận.

“Nếu luật không quy định cẩn thận sẽ dẫn đến lách luật. Không thể chỉ cần một thông báo là được chuyển đổi ngành nghề kinh doanh” – ông Hiện nêu quan điểm.

Về việc này, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết, đã được giải quyết ở Luật đấu thầu. Việc không quy định ngành nghề trong giấy chứng nhận kinh doanh để DN khỏi phải tiến hành những thủ tục hành chính phiền hà khi muốn thay đổi, hay mở rộng lĩnh vực kinh doanh.

Liên quan đến việc quản lý, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh giải thích, DN phải kê khai khi thay đổi ngành nghề, lĩnh vực kinh doanh và sẽ có hệ thống liên thông để quản lý mà không gây phiền hà cho DN.

"Nếu quy đinh trong giấy chứng nhận đầu tư hay đăng ký kinh doanh thì khi điều chỉnh sẽ gây phiền hà cho DN, nhất là nếu được điều chỉnh nhưng chưa kịp ghi vào giấy chứng nhận sẽ đặt DN vào tình trạng kinh doanh không phép” – Bộ trưởng Vinh lý giải.

Về những vấn đề đại biểu Hiện nêu, Bộ trưởng Vinh cho biết, điều 26, 32 của luật đã quy định những vấn đề này. Các lĩnh vực kinh doanh không có điều kiện thì được thực hiện thoải mái, không cần xin phép. Luật sẽ quản lý được chặt chẽ và không sợ không ghi gì thì không ai quản lý.

Thảo luận cho ý kiến về dự án luật, nhiều đại biểu cũng đề nghị cần phải có hẳn một chương quy định cụ thể đối với loại hình DNNN, ngược lại loại hình DN xã hội như thế nào, được ưu tiên đầu tư ra sao thì nên quy định trong luật đầu tư chứ không đưa vào Luật Doanh nghiệp.

Theo Nguyễn Dũng/Infonet

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm