'Chưa có tiền lệ bồi thường'

- Bộ trưởng nhìn nhận thế nào trước việc các xã viên và hợp tác xã vận tải ở phía Nam đòi Bộ bồi thường do ban hành quyết định 16, 17 không hợp lý?

- Nếu là thiệt hại thì phải kiểm tra. Tôi không nghĩ có nhiều thiệt hại như một số người nói. Quy định đưa ra có thể có khiếm khuyết, phải cầu thị để sửa, nhưng đây không phải là hoạt động ký hợp đồng dân sự để bồi thường thiệt hại.

Hơn nữa, nhiều cơ chế chính sách ra rồi cũng phải thay đổi, điều chỉnh cho hợp lý. Còn việc bồi thường chưa có tiền lệ. Nếu xã viên và hợp tác xã đòi bồi thường thì Bộ phải báo cáo Chính phủ xem xét.

- Ông nhìn thế nào về trách nhiệm của Bộ Giao thông Vận tải trong vấn đề này?

- Thực ra bản chất vấn đề ban hành văn bản quy phạm pháp luật này (quyết định 16, 17) là đúng, nhưng có một điều chưa rõ, gây nhầm lẫn, đó là quyền sở hữu và quyền sử dụng. Chính xác phải là quyền sử dụng đối với các phương tiện nhập vào hợp tác xã.

Nhằm đảm bảo an toàn, pháp luật quy định kinh doanh vận tải là nghề kinh doanh đặc biệt, có điều kiện. Vì thế, quan điểm của Bộ là kinh doanh vận tải trên tuyến cố định phải quản lý tập trung (thông qua các hợp tác xã). Còn kinh doanh dịch vụ hỗ trợ thì dành cho loại hợp đồng, du lịch, vận tải hàng hóa. Đường dài hàng nghìn km từ Bắc vào Nam, không thể một người đăng ký, đóng phí và muốn kinh doanh kiểu gì cũng được.

- Bộ đã chuẩn bị phương án này thế nào khi cá nhân và hợp tác xã kinh doanh vận tải đặt vấn đề có thể kiện Bộ?

- Tôi chưa thấy có cá nhân đi kiện về một quy định chưa hợp lý. Anh góp ý thì tôi sửa, bảo kiện thì tôi chưa hiểu chỗ ấy như thế nào.

- Vậy phải chăng khi xây dựng quy định này mình đã không lấy ý kiến của các cá nhân kinh doanh vận tải?

- Chúng tôi đã lấy ý kiến Hiệp hội vận tải TP HCM và Hiệp hội vận tải cả nước, họ đồng ý cao. Cả trong hội nghị Liên minh hợp tác xã do tôi chủ trì, nhiều ý kiến ủng hộ quản lý tập trung loại hình kinh doanh vận tải.

Bây giờ có hai hình thức quản lý, một là tập trung, hai là quản lý dịch vụ hỗ trợ đối với hợp tác xã. Quản lý dịch vụ hỗ trợ là xã viên chỉ đăng ký tên, được hưởng tuyến của hợp tác xã, đóng phí cho hợp tác xã. Ngoài ra xã viên hoạt động bình thường trên tuyến đó. Cách quản lý này gây mất an toàn, xe dù, bến cóc rất nhiều.

Còn quản lý tập trung là xã viên đóng góp phương tiện, hợp tác xã điều hành, hạch toán lỗ lãi... Đóng góp tài sản của xã viên vào không có nghĩa mất đi quyền sở hữu đối với tài sản. Nhầm lẫn là ở chỗ này. Xã viên cứ nghĩ mình mất đi quyền sở hữu, thực ra họ vẫn có quyền sở hữu, chuyển nhượng, rút tài sản ra... Còn hợp tác xã có trách nhiệm sử dụng và quản lý tài sản. Bây giờ phải nói rõ vấn đề đó.

- Gần đây, Bộ đã ra có nhiều quy định gây phản ứng dữ dội như cấm xe ba gác, xe tự chế. Ông nghĩ thế nào trước ý kiến cho rằng Bộ quan liêu, không tham khảo người dân?

- Luật đã quy định xe ba bánh, xe tự chế không có đăng ký, đăng kiểm, không biển số, giấy phép thì không được lưu hành. Việc ra nghị quyết cấm xe bánh, xe tự chế là thực hiện đúng luật, nhưng lâu nay ta không làm, để tràn lan. Đến khi ép vào làm thì có hơi bị sốc, các địa phương xử lý lúng túng.

Nhưng sau đó, nghị quyết 05 bổ sung của Chính phủ đã quy định, cho phép đăng ký, đăng kiểm các loại xe trên và đối với khu vực nội đô của các thành phố và trên quốc lộ thì cấm lưu hành. Còn lại ở tuyến khác thì tùy điều kiện cụ thể UBND tỉnh thành cho lưu hành. Tôi nghĩ quy định mới này sẽ đảm bảo quản lý được vấn đề giao thông vận tải vốn rất phức tạp, đồng thời để phương tiện được hoạt động trong phạm vi cho phép của UBND tỉnh.

- Sau những vụ việc như trên, Bộ rút ra bài học gì về việc ban hành chính sách?

- Chúng tôi nghĩ rằng ban hành chính sách thời gian qua là đúng, nhưng phải có lộ trình. Đôi khi vì bức xúc về một vấn đề mình vội vã làm là không được.

Còn về việc lấy ý kiến nhân dân, đúng là đối với những vấn đề cụ thể Bộ chưa làm được, chỉ lấy ý kiến qua mạng về những vấn đề chung như quản lý phương tiện đảm bảo an toàn. Chúng tôi có thể rút kinh nghiệm, sẽ chọn lọc những vấn đề cụ thể để xin ý kiến.

Theo Hồng Khánh (VnExpress)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm