Chưa hết tháng, gas tăng giá lần 3

Chưa hết tháng, gas tăng giá lần 3 ảnh 1

Gas tăng giá lần thứ 3 trong vòng một tháng. (Ảnh: thanhnien)

Hôm 27/11, giá gas trong nước đột ngột tăng với mức khá cao là 22.000 đồng/bình 12kg, đưa giá bán lẻ tới tay người tiêu dùng lên 267.000 đồng.

Các doanh nghiệp kinh doanh gas cho biết, do giá hợp đồng trên thế giới công bố từ ngày 23/11, giá gas đã tăng thêm 75 USD/tấn, ở mức 735 USD/tấn, cộng thêm tác động từ việc điều chỉnh tỷ giá USD/VND nên giá bán gas trong nước phải tăng theo.

Như vậy, từ đầu tháng tới nay, đây là lần thứ 3, nhiên liệu đốt tăng giá. Đầu tháng, giá gas tăng 14.000 đồng/bình, đến ngày 11/11 gas tăng thêm 5.000 đồng/bình và cuối tháng, giá nhiên liệu đốt lại tăng tiếp 22.000 đồng/bình 12kg.

Xe Toyota tăng giá theo tỷ giá mới. Với mức tỷ giá mới được áp dụng từ ngày 26/11, Toyota là hãng xe đầu tiên tại Việt Nam tăng giá bán. Mức giá các loại xe của Toyota Việt Nam tăng thêm từ 16 - 84 triệu đồng tùy chủng loại.

Như vậy, dù chưa tới thời điểm thuế giá trị gia tăng và phí trước bạ hết được giảm 50% vào hết năm 2009, giá bán xe đã bắt đầu thay đổi và những khách hàng chưa kịp lấy xe trước thời điểm này đã bất ngờ phải chịu mất thêm một khoản tiền không nhỏ.

Tân dược tăng giá 10-30%. TS Trương Quốc Cường, Cục trưởng Quản lý dược (Bộ Y tế), cho biết, ngày 25/11 cục đã có văn bản yêu cầu các cơ sở y tế tăng cường quản lý giá thuốc... Nghiêm cấm lợi dụng việc điều chỉnh tỷ giá ngoại tệ, xăng dầu... để tăng giá bất hợp lý.

Mặc dù “lệnh” đã được ban ra, nhưng trên thực tế giá thuốc vẫn ồ ạt tăng. Một nhân viên cửa hàng thuốc Đức Minh, ở khu tập thể Thành Công, quận Ba Đình, Hà Nội, khẳng định thuốc nào cũng tăng giá, trung bình từ 10 – 30%. Mỗi ngày cửa hàng phải thay đổi giá một lần.

Chưa hết tháng, gas tăng giá lần 3 ảnh 2

Chỉ số giá tiêu dùng tháng 11 tăng nhẹ. (Ảnh: Metro)

Giá cả tháng 11 tăng nhẹ. Mặt bằng giá tiêu dùng trong tháng này nhích nhẹ so với tháng 10, đưa tốc độ tăng chung từ đầu năm lên 5%. Song mức tăng này chưa phản ánh tác động của đợt điều chỉnh giá xăng dầu gần đây.

Chỉ số giá tiêu dùng tăng lên chủ yếu là do lực kéo từ nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống, với mức tăng cao nhất, 0,87%. Ngoài ra, nhà ở và vật liệu xây dựng (không bao gồm giá chuyển nhượng nhà đất) và các dịch vụ giao thông cũng nằm trong nhóm tăng giá nhanh, lần lượt là 0,75% và 0,42%.

Thép ngoại kém chất lượng lại tràn vào. Hiệp hội Thép Việt Nam lại vừa kêu cứu Bộ Công Thương, Bộ Tài chính, Văn phòng Chính phủ về tình trạng thép cán nguội, kém chất lượng tràn vào Việt Nam với số lượng ngày một nhiều và giá bán rẻ hơn từ 800.000 tới 1,6 triệu đồng/tấn so với thép nội.

Thống kê của cơ quan Hải quan, tính đến ngày 15/11, số lượng thép cán nguội nhập về Việt Nam đã lên tới 62 vạn tấn, giá trị kim ngạch nhập khẩu trên 300 triệu USD. Hầu hết thép xuất xứ từ Trung Quốc và Nga. Đây là con số nhập khẩu cực lớn bởi đã gấp tới 4 lần lượng thép bán ra của các hãng thép nội.

90% sữa nước bán trôi nổi không đạt yêu cầu. Tại hội thảo quy hoạch phát triển ngành sữa Việt Nam đến năm 2020 diễn ra tại Hà Nội ngày 27/11, Bộ Công Thương cho biết, chất lượng sữa hiện nay bị thả nổi ở mức báo động.

Kết quả khảo sát mới đây của Viện Công nghiệp thực phẩm, Bộ Công Thương cho thấy, gần 90% số mẫu sữa bán trôi nổi trên thị trường được lấy làm xét nghiệm không đạt yêu cầu về dư lượng kháng sinh. Một số loại sữa nước lưu hành trên thị trường nhiễm vi sinh vật, thậm chí còn cả dư lượng thuốc trừ sâu.

Chưa hết tháng, gas tăng giá lần 3 ảnh 3

Ít có khả năng sốt giá gạo. (Ảnh: Vietnam+)

Ngay cả các loại nguyên liệu sữa bột được doanh nghiệp nhập khẩu về làm sữa hoàn nguyên cũng có chứa dư lượng kháng sinh.

Gạo ít khả năng xảy ra sốt giá. Bộ NN&PTNT cho biết, giá gạo nguyên liệu trong nước tại nhiều địa phương tiếp tục tăng, một số nơi tăng lên mức cao nhất từ đầu năm tới nay. Giá gạo xuất khẩu 5% tấm và 25% tấm cũng tăng cao. Tuy nhiên, ít có khả năng xảy ra sốt giá.

Hiện Philippines đã có kế hoạch nhẩp khẩu 2,05 triệu tấn gạo cho năm 2010 ngay trong năm nay. Ấn Độ cũng đã xác nhận kế hoạch nhập khẩu gạo. Mặc dù vậy, sẽ khó có khả năng xảy ra một cơn sốt giá gạo như năm 2008 vừa qua.

Cước vận tải dịp Tết có thể tăng 15-20%. Do việc tăng giá xăng A92 thêm 800 đồng/lít lên 16.300 đồng/lít và dầu diesel tăng 1.000 đồng/lít thành 15.200 đồng/lít kể từ ngày 20.11, nhiều doanh nghiệp vận tải hành khách đã lên kế hoạch tăng cước vận chuyển dịp Tết để bù đắp chi phí nhiên liệu.

Các doanh nghiệp vận tải hành khách đang làm bản thống kê chi tiết trình cơ quan chức năng xem xét ở mức độ phù hợp cho mọi đối tượng rồi mới có quyết định tăng giá. Ngoài ra, từ 15/12 tới, các doanh nghiệp sẽ được chủ động tăng giảm giá xăng dầu nên cước vận tải có thể tăng 15 - 20%, tùy biến động giá xăng dầu.

  • Đ.T (theo VNN, TTXVN, Đầu tư, SGTT, Vneconomy)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm