Chưa tăng thuế VAT: Bộ Tài chính mới 'thương dân' một nửa!

Cộng đồng doanh nghiệp (DN) lẫn người dân thở phào nhẹ nhõm khi tại phiên thảo luận Quốc hội mới đây, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng khẳng định: Tiếp thu ý kiến DN, người dân, các chuyên gia…, Bộ quyết định không tăng thuế giá trị gia tăng (VAT) lên mức 11% đến 12% như đề xuất trong dự thảo Luật Thuế VAT ban đầu.

Dân nghèo đỡ thắt lưng buộc bụng

Phản ứng trước thông tin này, nhiều ý kiến cho rằng chủ trương trên sẽ tác động tích cực tới đời sống của mọi người dân và cả nền kinh tế thoát khỏi tâm trạng lo âu suốt thời gian qua. Ông Lê Duy Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội DN Logistics Việt Nam, nói chưa tăng thuế VAT đồng nghĩa giúp ổn định giá cả, chi phí hàng hóa, dịch vụ ăn uống, học hành, chữa bệnh, du lịch, giải trí,... của người dân.

“Không tăng thuế VAT giúp người dân đỡ phải thắt lưng buộc bụng, kích cầu tiêu dùng, DN ổn định phát triển sản xuất, nền kinh tế phát triển thì ngân sách mới tiếp tục tăng nguồn thu. Ngoài ra không tăng thuế VAT giúp giá cước vận tải, dịch vụ ổn định thì chi phí logistics của DN không tăng lên, hàng hóa Việt Nam duy trì được khả năng cạnh trạnh với các nước khác” - ông Hiệp chia sẻ.

Dưới góc nhìn một người dân, chị Nguyễn Hiền, nhà ở quận 12, TP.HCM, bày tỏ: “Thông tin bỏ đề xuất tăng thuế VAT thực sự là tin vui đối với dân nghèo thu nhập thấp, đối tượng bị ảnh hưởng nhiều nhất. Bởi không tăng thuế VAT, giữ nguyên như hiện nay gia đình tôi tiết kiệm được khoảng 24 triệu đồng/năm”.

Ông Quân Võ, nhà ở quận Thủ Đức, TP.HCM, tính toán: Nếu tăng thuế VAT, giá nhà đất càng tăng. Ví dụ giá một căn hộ hiện nay khoảng 1,5 tỉ đồng, nếu thuế tăng 2% giá bán căn hộ này tăng lên 1,8 tỉ đồng. Đó là chưa kể chi phí đầu vào của các chủ đầu tư tăng từ gạch, thép, xi măng, nhân công, quản lý điều hành, sale… Khi đó chủ đầu tư sẽ đẩy giá bán tăng cao hơn nữa, người dân thu nhập thấp càng khó tiếp cận để có nơi an cư.

“Hiện giá nhà đất đã lên chóng mặt, giấc mơ có nhà ở tại các đô thị đối với nhiều người dân vẫn còn xa vời. Vì vậy không tăng thuế VAT giúp ổn định giá cả thị trường nhà đất, nhiều người dân có khả năng tiếp cận hơn” - ông Quân chia sẻ.

Bộ Tài chính muốn tăng thuế đường, nước ngọt. Ảnh: HTD

Chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu đánh giá cao sự thay đổi tích cực từ phía Bộ Tài chính trong việc bỏ đề xuất tăng thuế VAT. Theo ông Hiếu, để khuyến khích tiêu dùng và thúc đẩy kinh tế, các nước đang phát triển áp dụng mức thuế VAT thấp hơn trung bình toàn cầu. Thuế VAT tại nhiều quốc gia khối ASEAN chỉ dao động 7%-12%. Trong đó Lào, Campuchia và Indonesia là 10%; Thái Lan, Malaysia, Singapore chỉ ở mức 7%. Brunei không đánh thuế VAT.

“Nhiều nước luôn giữ thuế VAT ở mức cân bằng để khuyến khích tiêu dùng, đầu tư cũng như kiểm soát lạm phát. Chỉ khi gặp khó khăn kinh tế hoặc lý do đặc biệt, chính phủ mới tăng thuế VAT” - ông Hiếu nói.

Vẫn bức xúc thuế tiêu thụ đặc biệt

Tuy bỏ đề xuất tăng thuế VAT nhưng tại dự thảo nội dung sửa đổi, bổ sung Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt, Bộ Tài chính vẫn giữ đề xuất đưa các mặt hàng nước giải khát có đường (trừ sữa) phải chịu thuế tiêu thụ đặc biệt 10%, đồng thời nâng thuế VAT thêm 2% với nhiều mặt hàng khác.

Lý giải về vấn đề này, đại diện Bộ Tài chính cho rằng hiện nay mặt hàng nước ngọt không thuộc diện chịu thuế tiêu thụ đặc biệt. Trong khi đó ở Việt Nam tỉ lệ người trưởng thành bị thừa cân, béo phì ngày càng gia tăng, chiếm khoảng 25% dân số. “Khi giá thành tăng sẽ làm giảm mức tiêu thụ nước ngọt trên thị trường và đây chính là một trong những giải pháp đẩy lùi nguy cơ thừa cân, béo phì trong dân” - đại diện Bộ Tài chính lập luận.

Theo tính toán của Bộ Tài chính, việc áp dụng mức thuế suất 10% từ năm 2019 với mặt hàng nước ngọt có đường sẽ tăng thu cho ngân sách nhà nước khoảng 5.000 tỉ đồng.

Không đồng tình với đề xuất cũng như lý do áp thuế, ông Phạm Quốc Doanh, Chủ tịch Hiệp hội Mía đường Việt Nam (VSSA), cho rằng: Áp thuế tiêu thụ đặc biệt đối với nước ngọt không phải là một thực tiễn phổ biến trên thế giới và trong khu vực. Việc áp thuế tiêu thụ đặc biệt và tăng thuế này cần phải có khảo sát đánh giá toàn diện, đầy đủ, thấu đáo tác động của chính sách đối với ngành mía đường trong nước và ngành sản xuất nước giải khát cũng như người tiêu dùng.

“Để bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng, đặc biệt là kiểm soát bệnh tiểu đường và béo phì cần kiểm soát chặt chẽ chứ không phải đánh thuế là giải quyết được. Ví dụ cần xem lại chính sách ưu đãi thuế quan hiện nay đối với mặt hàng đường lỏng HFCS hiện không quản lý hạn ngạch thuế quan và thuế suất 0% khi nhập từ các nước ASEAN và Trung Quốc” - ông Doanh phản biện.

Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam từng nhấn mạnh mức thuế tiêu thụ đặc biệt 10% kể trên khiến không chỉ các DN mía đường, nông dân trồng mía chịu ảnh hưởng mà có thể ảnh hưởng cả những DN, nông dân ngành cà phê, chè, trái cây...

Hơn nữa, thực tế cho thấy chưa có bằng chứng nghiên cứu nào làm rõ về tác hại của nước ngọt giống như rượu bia. Do vậy, nếu Bộ Tài chính muốn đánh thuế tiêu thụ đặc biệt với nước ngọt thì cần phải đưa ra các luận cứ chứng minh có tính thuyết phục.

Công khai ngân sách Việt Nam thua Campuchia

Theo báo cáo công bằng thuế Việt Nam năm 2017 do Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR) công bố mới đây, điểm trung bình về công khai ngân sách (OBI) của thế giới là 42 điểm, trong khi Việt Nam chỉ đạt 15/100 điểm, còn Campuchia đạt 20 điểm, Đông Timor đạt 40 điểm, Philippines đạt 67 điểm... Như vậy, chỉ tiêu minh bạch trong chi ngân sách của Việt Nam thua cả Campuchia, Đông Timor.

Theo các chuyên gia, những thông tin tiền thuế đã được các bộ ngành, địa phương sử dụng vào việc gì, bao nhiêu tiền thường công bố rất chậm. Số liệu DN được miễn giảm, ưu đãi thuế cũng không được công bố vì vậy người dân, DN luôn phản ứng dữ dội với bất kỳ đề xuất tăng thuế nào.

Nghiên cứu thêm thuế tài sản

Báo cáo trước Quốc hội tại phiên thảo luận sáng 26-5 vừa qua, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết: Bộ này sẽ tiếp tục nghiên cứu thuế tài sản sau khi tiếp thu ý kiến góp ý từ các bộ, ngành, người dân.

Theo dự thảo Luật Thuế tài sản Bộ Tài chính công bố lấy ý kiến, cơ quan này đề xuất áp thuế căn hộ chung cư, đất ở, đất xây nhà chung cư, đất kinh doanh... có giá trị từ 700 triệu đồng, thuế suất là 0,4% một năm cho phần giá trị vượt 700 triệu đồng. Đề xuất này gây phản ứng mạnh trong dư luận bởi ngưỡng chịu thuế trên 700 triệu đồng sẽ tạo sự không công bằng giữa người thu nhập thấp và người giàu.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm