Chứng khoán ngày 15-9 phiên phân phối kỷ lục

Gần như toàn bộ thị trường ngày hôm nay đã chứng kiến áp lực phân phối cực mạnh. Dù một vài mã vẫn tìm được lối đi riêng để tỏa sáng nhưng mức tăng trưởng của thị trường không đồng đều, nhất là khi nhóm blue-chips cũng phân hóa.

Sự hưng phấn từ hôm đầu tuần lại được tiếp sức bởi tin vui đêm qua khi thị trường Mỹ đảo chiều tăng trở lại về cuối phiên. Mở cửa thị trường Việt Nam, bên mua xuống lệnh rất mạnh bạo. Đa số cổ phiếu xuất hiện khối lượng mua ATO lớn từ sớm. Thực ra bên bán hôm nay khá kiên nhẫn trong đợt mở cửa và chỉ vào lệnh ở những phút cuối. Điều này thể hiện ở sự suy giảm mức giá khớp dự kiến tại nhiều mã, chẳng hạn SSI tuột khỏi giá trần chỉ trong khoảng 5 phút cuối cùng.

Sự căng thẳng của thị trường hôm nay dường như được báo trước khi hệ thống của sàn HOSE “đơ” trong phút khớp lệnh của đợt mở cửa. Thời gian khớp lệnh lâu hơn bình thường và có một số sai sót khiến nhà đầu tư thấy lạ. Biểu đồ khớp lệnh thời gian thực cho thấy ba lần khớp lệnh rất lớn ngay tại thời điểm chốt đợt một. Trong một thời gian ngắn như vậy khó có tình trạng vào lệnh nhiều đến thế. Tuy nhiên số liệu ngay từ HOSE chỉ báo về mức giao dịch trên 3,66 triệu đơn vị. Đây chắc chắn là số liệu thiếu chính xác vì quan sát một số mã thanh khoản cao cho thấy khối lượng rất lớn. Chẳng hạn SSI bị đổ lệnh tới trên 1 triệu đơn vị.

Thực ra với nhà đầu tư có kinh nghiệm, chỉ cần nhìn một vài mã cổ phiếu đang tăng nóng phiên trước và có tính thanh khoản tốt cũng có thể phán đoán được xu hướng xả hàng hôm nay ngay từ kết quả mở cửa. Số liệu đợt này của HOSE chỉ là phần nổi của tảng băng vì giá trị giao dịch nhảy vọt sau đó cũng cho thấy một bộ phận không nhỏ nhà đầu tư quyết định thoát hàng sớm.

VN-Index mở cửa tăng 1,84 điểm có vẻ không chính xác vì số lượng cổ phiếu tăng giá và kịch trần khá nhiều. Dù vậy cũng không đáng chú ý lắm vì chỉ số còn tăng thêm trong khoảng 4 phút đầu tiên của đợt khớp lệnh liên tục, lên mức cao nhất 562,23 điểm. Tổng giá trị giao dịch tính cả đợt mở cửa đến thời điểm này đạt 663,8 tỷ đồng.

Nhìn nhận giá trị giao dịch này như thế nào có nhiều cách, nhưng chắc chắn đã có một bộ phận nhà đầu tư quyết định rút khỏi thị trường sớm khi sức mua còn hưng phấn. Tâm lý thông thường nếu thị trường đã chứng kiến một phiên tăng điểm mạnh mẽ như hôm qua thì đa số không lựa chọn giải pháp bán ngay từ đầu phiên như vậy.

Áp lực bán ra bắt đầu gia tăng nhanh chóng và kéo dài gần như toàn bộ thời gian còn lại của đợt hai. Không thể lý giải đợt bán ra mạnh mẽ này là gì ngoài hoạt động phân phối. Khoảng 32,72 triệu cổ phiếu và chứng chỉ quỹ đã được bán ra, tương đương 1.676,8 tỷ đồng. Đây là khối lượng thoát hàng rất đáng chú ý, không chỉ là về quy mô mà còn trong bối cảnh thị trường đang rất hưng phấn.

VN-Index bị đánh xuống mức thấp nhất 553,3 điểm khi đợt khớp lệnh liên tục chỉ còn 15 phút nữa là kết thúc, tương đương sụt giảm 1,6% tính từ đỉnh. Chỉ số cũng quay đầu âm 3,29 điểm so với phiên trước.

Sàn HOSE trong những phút cuối cùng được kéo lên với khoảng 740 tỷ đồng, VN-Index tăng trở lại 1,12 điểm (557,71 điểm). Đợt kéo lên này có hai điểm đáng chú ý: thứ nhất là mức độ phục hồi không thực sự mạnh và quy mô khá thấp so với mức chuyển nhượng cả phiên, chỉ chiếm 23,6%. VN-Index thậm chí còn chưa bằng mức mở cửa mà HOSE thông báo (558,43 điểm). Thực tế mức mở cửa của VN-Index còn cao hơn (do HOSE báo kết quả không chính xác). Thứ hai, sự phân hóa khá rõ ràng trong nỗ lực kéo lên về cuối ngày của nhóm cổ phiếu lớn. Chỉ một số mã được đẩy lên mạnh mẽ một cách rõ rệt, chẳng hạn SSI giải quyết gần 1,6 triệu cổ phiếu chặn bán trần và sát trần.

Điểm này khác biệt so với phiên đầu tuần khi đa số cổ phiếu lớn đều tham gia vào nỗ lực tăng điểm của VN-Index. Ngược lại, hôm nay, rất nhiều cổ phiếu lớn ngoài SJS, SSI, HAG, FPT, PVF bị phân phối mạnh đến mức phải chấp nhận đóng cửa ở mức giá giảm.

Tổng quy mô giao dịch trên cả hai sàn sáng nay lên tới trên 5.100 tỷ đồng – một con số kỷ lục chỉ thua phiên ngày 10/6 vừa qua. Mặc dù tính về khối lượng phiên này không phải là lớn nhưng giá trị lại rất cao do đa số cổ phiếu đã đạt tới một mặt bằng cao hơn trước. Khối lượng mặc dù giảm đi nhưng lượng tiền cần thiết để đẩy giá cao hơn chắc chắn sẽ phải nhiều hơn.

Theo LAN NGỌC ( VnEconomy)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm