Chuyển nhượng cổ phần sai đền 45 tỉ đồng

Hơn năm năm sau ngày một tổng công ty nhà nước ký hợp đồng chuyển nhượng cổ phiếu cho một doanh nghiệp tư nhân, hợp đồng này vẫn chưa được thực hiện vì vấn đề hợp đồng có vô hiệu hay không vẫn còn nằm trong vòng luẩn quẩn.

Chuyển nhượng tài sản nhà nước sai luật

Ông Nguyễn Thế Dũng, ủy viên HĐQT Tổng Công ty Vật tư nông nghiệp - Vigecam (Hà Nội), cho biết năm 2004 Vigecam đã mua cổ phần của một công ty và trở thành cổ đông sáng lập của đơn vị này.

Đến năm 2005, do nợ ngân hàng nhiều nên HĐQT của Vigecam quyết định bán toàn bộ cổ phần đã mua hồi năm 2004 cho Công ty cổ phần Vinacam (TP.HCM). Nhưng do Vigecam là cổ đông chiến lược của đơn vị mà Vinacam đã mua cổ phiếu nên số cổ phiếu này chỉ được chuyển nhượng sau ba năm kể từ ngày công ty mình có cổ phiếu được cấp giấy đăng ký kinh doanh. Vì vậy, hai bên cam kết phải hơn hai năm sau khi ký hợp đồng, tức là đến tháng 9-2007 thì mới được chuyển nhượng cổ phần cho Vinacam.

Chuyển nhượng cổ phần sai đền 45 tỉ đồng ảnh 1

Ông Dũng cho biết vào thời điểm Vigecam phải sang tên chuyển nhượng cổ phần thì tổng giám đốc cũ bị khởi tố vì có sai phạm, nhân sự ban lãnh đạo của công ty cũng thay đổi.

Rà soát các hợp đồng do những người tiền nhiệm đã ký, ban lãnh đạo mới nhận thấy hợp đồng bán cổ phần trên sai quy định quản lý nguồn vốn nhà nước. Đơn vị này đã làm công văn xin ý kiến của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước) và được trả lời: Số cổ phần đó là tài sản nhà nước, nếu muốn chuyển nhượng thì phải tổ chức đấu giá. Hợp đồng đã ký trước đây là trái luật.

“Chúng tôi đã nhiều lần gửi văn bản cho Vinacam đề nghị hủy hợp đồng và chấp nhận trả lại toàn bộ số tiền gốc, tiền lãi suất ngân hàng, nhưng Vinacam không chấp nhận. Vinacam nói rằng nếu hủy hợp đồng thì họ sẽ bị thiệt hại đến 62 tỉ đồng, gấp hơn 10 lần giá trị hợp đồng ở thời điểm chuyển nhượng (5,6 tỉ đồng). Không thỏa thuận được cách giải quyết nên hai bên kéo nhau ra tòa” - ông Dũng nói.

Cơ quan chuyên ngành và tòa “chỏi” nhau

Ở cả hai phiên tòa sơ thẩm và phúc thẩm, hội đồng xét xử đều cho rằng trong trường hợp Vigecam đầu tư vào doanh nghiệp khác thì đơn vị này phải là đại diện chủ sở hữu vốn của nhà nước.

Hội đồng xét xử lý giải, sau ba năm kể từ ngày công ty cổ phần được cấp phép thì số cổ phần của cổ đông sáng lập không bị hạn chế chuyển nhượng. Do đó, Vigecam có quyền tự quyết định mua bán cổ phiếu mà công ty này đã bỏ vốn đầu tư.

Tòa viện dẫn quy định: “Theo quy định tại Nghị định 199/2004/NĐ-CP, doanh nghiệp nhà nước có quyền chủ động quyết định bán phần vốn đầu tư dài hạn của mình tại doanh nghiệp khác để thu hồi vốn”.

Tòa tuyên Vigecam phải chuyển nhượng số cổ phần nêu trên cho đối tác, kèm khoản tiền bồi thường trị giá 45 tỉ đồng.

Phản bác quan điểm của tòa án, Bộ Tài chính lại có công văn khẳng định vì Vigecam là doanh nghiệp nhà nước nên việc chuyển nhượng cổ phần của đơn vị này phải báo cáo với đại diện chủ sở hữu xem xét quyết định. Cơ quan này viện dẫn quy định tại Thông tư số 33/2005/TT-BTC: “Nếu tổng mệnh giá của số cổ phần từ năm tỷ đồng trở lên thì phải đấu giá tại trung tâm giao dịch chứng khoán”.

Trước những rắc rối trên, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có công văn kiến nghị gửi Thủ tướng và các cơ quan có thẩm quyền đề nghị xem xét lại bản án theo trình tự giám đốc thẩm.

Mới đây nhất, theo Công văn số 5667/VPCP-KNTN của Văn phòng Chính phủ gửi chánh án TAND tối cao, cơ quan này đã truyền đạt ý kiến của Thủ tướng: “Đề nghị chánh án TAND tối cao xem xét, xử lý phản ánh kiến nghị của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn theo quy định của pháp luật và thông báo cho Thủ tướng biết kết quả”.

Luật sư Phan Thùy Dương, Đoàn Luật sư TP.HCM:

Cổ phiếu đã niêm yết không được giao dịch ngoài sàn

Vào thời điểm ký kết hợp đồng, do bên bán chưa có quyền bán cổ phiếu nên giao dịch này là một dạng giao dịch có điều kiện và hợp đồng chưa có hiệu lực theo Điều 134 Bộ luật Dân sự. Phải đến tháng 9-2007, khi điều kiện về thời gian đã xảy ra thì hợp đồng mới bắt đầu có giá trị. Tuy nhiên, vào thời điểm giao dịch có hiệu lực thì khi đó Luật Chứng khoán đã ra đời, số cổ phiếu mà hai bên giao dịch đã được niêm yết trên Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM.

Theo Điều 41 Luật Chứng khoán và Nghị định 14/2007/NĐ-CP hướng dẫn thi hành luật, mọi giao dịch cổ phiếu niêm yết tại Sở Giao dịch chứng khoán phải tuân theo nguyên tắc đấu giá với kỹ thuật khớp lệnh trên sàn chứng khoán. Mọi cổ phiếu đã được niêm yết không được giao dịch bên ngoài. Vì vậy, hợp đồng chuyển nhượng mua bán cổ phiếu của hai đơn vị này phải tuân theo quy định trên, nếu không tuân thủ thì đương nhiên vô hiệu.

Luật sư Nguyễn Văn Tú, Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh Bắc Giang:

Giá cổ phiếu giữa hai phiên xử chênh lệch

Ngay cả trong việc tòa căn cứ vào giá trị cổ phiếu trong phiên tòa sơ thẩm để áp dụng trong phiên xử phúc thẩm là không đúng với nguyên tắc xác định giá trị thiệt hại thực tế. Nếu tòa đã chấp nhận sự chênh lệch giá trị cổ phiếu trên thị trường để tính bồi thường thiệt hại thì tòa phải xác minh lại giá trị cổ phiếu tại thời điểm xử phúc thẩm. Án sơ thẩm xử ngày 12-2-2009, án phúc thẩm xử ngày 20-7-2009. Thực tế là trong thời điểm diễn ra hai phiên xử, giá trị cổ phiếu trên thị trường hoàn toàn khác nhau.

THANH TÚ

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm