Có dẹp được “loạn” trên thị trường gas ?

Trên thực tế, trong nhiều năm qua, việc kinh doanh mặt hàng này gần như bị thả nổi, thiếu sự quản lý một cách hiệu quả của Nhà nước. Điều này đã dẫn đến hậu quả mà dễ thấy nhất là lợi ích và sự an toàn của người tiêu dùng khi sử dụng gas đã không được xem trọng.

Thiếu chế tài cụ thể

Cho mãi đến gần đây, do những bất ổn trông thấy trên thị trường gas: giá cả nhiều khi tăng đột biến, không rõ lý do, nhiều vụ tai nạn, cháy nổ xảy ra… Chính phủ đã ban hành nghị định số 107/209/NĐ-CP (có hiệu lực từ 15.1.2010), lần đầu tiên đưa ra một số quy định bắt buộc trong kinh doanh gas. Ví dụ như: yêu cầu nhà cung cấp, tổng đại lý, cửa hàng kinh doanh gas phải có trách nhiệm về chất lượng, trọng lượng, giá cả; quy định về điều kiện cấp phép cho đơn vị nhập khẩu (có kho tiếp nhận gas tối thiểu 3.000m3, có hợp đồng nhập tối thiểu một năm, có trạm nạp gas). Các tổng đại lý phải có ít nhất 2.000 bình, chỉ được ký với hợp đồng làm đại lý cho tối đa ba doanh nghiệp đầu mối, không được phép mua bán bình gas trôi nổi… Có thể nói, đây là những quy định cần thiết bước đầu để đưa thị trường gas vào trật tự. Tuy nhiên, đáng tiếc là nghị định này lại chưa quy định những chế tài cụ thể để xử lý vi phạm mà mới chỉ dừng lại ở quy định chung chung như: thương nhân, cán bộ nhân viên nhà nước khi thi hành nhiệm vụ, nếu vi phạm thì tuỳ theo mức độ sẽ bị xử lý hành chính hoặc hình sự, và cũng không dẫn chiếu việc xử lý đó theo điều khoản luật nào. Tình trạng hỗn loạn trong kinh doanh gas như: giá tăng vô tội vạ, nạn sang chiết gas trái phép, ăn gian trọng lượng… đã diễn ra phổ biến từ nhiều năm nay và rất cần những biện pháp chấn chỉnh bằng các hình phạt nghiêm, đủ sức răn đe. Với việc thiếu những chế tài cụ thể để xử lý vi phạm, e rằng hiệu lực của nghị định 107/NĐ-CP sẽ không cao.

Bước đi tích cực nhưng chưa đủ

Kết quả cuộc thanh tra về quản lý tài chính tại sáu doanh nghiệp kinh doanh gas lớn vừa qua của thanh tra bộ Tài chính đã cho thấy thị trường gas thực sự đang “loạn” như thế nào. Theo thanh tra, hoạt động kinh doanh gas rất lộn xộn từ khâu nhập khẩu cho đến khâu bán lẻ. Ở khâu nhập khẩu, hiện có khoảng 30 doanh nghiệp tham gia nhưng doanh nghiệp nào cũng có quy mô nhỏ, năng lực kho chứa rất kém. Rất ít công ty có kho chứa trên 1.000 tấn. Cho nên hoạt động nhập khẩu chủ yếu theo từng chuyến nhỏ lẻ, từ nhiều nhà cung cấp khác nhau nên khối lượng, giá mua hoàn toàn phụ thuộc vào giá gas thế giới và nhà cung cấp. Nên khi giá gas thế giới tăng nhanh thì giá vốn nhập khẩu các đơn vị lập tức biến động và giá bán trong nước lập tức tăng theo.

Các doanh nghiệp nhập khẩu gas hầu như không có hoặc có rất ít các cửa hàng bán lẻ trực tiếp, việc bán hàng chủ yếu thông qua hệ thống tổng đại lý, đại lý, cửa hàng bán lẻ (chỉ có công ty cổ phần Petrolimex gas là có hệ thống bán lẻ). Một doanh nghiệp có thể làm tổng đại lý, đại lý cho nhiều doanh nghiệp nhập khẩu với các nhãn hiệu gas khác nhau. Các doanh nghiệp chỉ quản lý giá bán tới các tổng đại lý, đại lý. Hệ thống phân phối có thể nói đã bị xé nhỏ; lợi nhuận từng khâu không cao nhưng giá đến người tiêu dùng cao. Kiểm tra tại các công ty, thanh tra bộ Tài chính cho biết, các doanh nghiệp làm tổng đại lý được mua gas với giá thấp hơn giá mua của các công ty kinh doanh gas, hộ kinh doanh làm đại lý 10.000 đồng/bình 12kg, nhưng khi kiểm tra tại các tổng đại lý, thanh tra phát hiện các doanh nghiệp này bán lại cho các đại lý với giá cao hơn giá tổng đại lý mua của công ty từ 2.000 – 3.000 đồng/bình 12kg (bán thấp hơn giá các công ty bán cho đại lý từ 7.000 – 8.000 đồng/bình).

Tất cả sự lộn xộn như vậy, theo đánh giá của bộ Tài chính, chủ yếu do từ trước đến nay chưa có văn bản pháp quy nào đủ tầm để quản lý về xuất nhập khẩu và kinh doanh nội địa đối với mặt hàng này. Do đó, nghị định 107/NĐ-CP ra đời là một bước đi tích cực nhưng rõ ràng là cơ quan quản lý về thị trường (thuộc bộ Công thương), cơ quan quản lý về giá (bộ Tài chính) phải thường xuyên tổ chức thanh tra, kiểm tra việc thực hiện các quy định mới và phải có chế tài xử phạt cụ thể hơn mới có thể sớm đưa thị trường này trở lại ổn định.

Trong khoảng ba tuần qua, thị trường gas rõ ràng đang rất bất ổn vì giá gas nhập khẩu tăng ít (giá gas nhập khẩu hiện nay, sau khi tính hết thuế, chưa đến 18.600 đồng/kg, do vậy một bình gas 12kg, giá hợp lý chỉ vào khoảng 220.000 – 230.000 đồng/bình) nhưng giá bán đến tay người tiêu dùng thực tế rất cao, từ 270.000 – 300.000 đồng/bình. Cho nên, đây là thách thức đầu tiên mà các cơ quan quản lý nhà nước cần xem xét, xử lý theo những quy định mới của nghị định 107/NĐ-CP.

Theo Mạnh Quân ( SGTT)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm