“Cơn sốt” củ đinh lăng ở Sài Gòn

Người phụ nữ bán củ đinh lăng dạo trên đường Cộng Hòa ( quận Tân Bình, TP.HCM) nói với vẻ hờ hững khi tôi hỏi giá. Có lẽ do củ đinh lăng đang hút hàng nên người bán cũng chẳng cần phải vồn vã mời chào.

Dạo một vòng qua đường Quang Trung, Trường Chinh, Hoàng Văn Thụ… thấy người bán củ đinh lăng xuất hiện khắp nơi. “Củ đinh lăng ngâm rượu”- Người bán dạo chỉ treo tấm biển với dòng chữ đơn giản vậy thôi nhưng vẫn hút khách.

“Cơn sốt” củ đinh lăng ở Sài Gòn ảnh 1
 
 Củ đinh lăng đang được nhiều người mua về uống chữa bệnh. Ảnh: K.B

“Giá bán dao động từ 250.000 -350.000 đồng/kg. Bụi củ càng to, càng nặng thì giá càng cao”, một người bán củ đinh lăng ở khu vực công viên Hoàng Văn Thụ, cho biết.

Một phụ nữ bán củ đinh lăng ở đường Trường Chinh, cho biết thêm: “Củ này tụi em đưa từ ngoài Bắc vào. Do người mua nhiều nên phải chuyển vào liên tục mới đủ bán”.

Hỏi củ đinh lăng công dụng thế nào, nhiều người bán nói như đinh đóng cột: “Ngâm rượu uống thường xuyên thì bệnh gì cũng khỏi”.

Nhiều người mua cũng cho biết do nghe nói củ đinh lăng ngâm rượu uống thường xuyên sẽ trị được nhiều bệnh nên mua về uống thử.

 
 Củ đinh lăng đang được nhiều người mua về uống chữa bệnh. Ảnh: K.B

Bác sĩ Lê Hùng, Chủ tịch Hội Đông y TP. HCM cho biết, đinh lăng có vị ngọt, hơi đắng, tính mát. Lá đinh lăng được sử dụng như một loại rau sống thông thường. Rễ đinh lăng có thể để bồi bổ khí huyết, nâng cao thể trạng và sức đề kháng cho bệnh nhân, bồi bổ chức năng của tạng thận trong Đông y để điều trị đau lưng mỏi gối, suy nhược sinh dục, liệt dương...

“Ngoài ra rễ đinh lăng còn có tác dụng lợi tiểu, thông sữa, kiết lỵ, giải độc thức ăn, chống dị ứng. Lá đinh lăng có thể điều trị ho (trong y văn còn nêu công dụng điều trị ho ra máu), cảm sốt. Có thể giả nát lá đinh lăng để đắp lên chữa mụn nhọt ở da. Thân và cành của đinh lăng có tác dụng điều các chứng phong thấp gây đau nhức xương khớp…”, Bác sĩ Lê Hùng cho biết thêm về công dụng của đinh lăng.

Song theo bác sĩ Hùng, đinh lăng cũng như những thảo dược khác nếu dùng để điều trị một chứng bệnh nào đó dưới dạng thuốc sắc, thuốc cao đơn hoàn tán, hay ngâm rượu uống lâu dài thì phải được tư vấn bởi các thầy thuốc Y học cổ truyền.

“Khi có chẩn đoán và điều trị một cách chính xác mới phát huy hiệu quả tốt”, bác sĩ Hùng lưu ý thêm.

 

Công dụng của mật nhân

Ngoài củ đinh lăng, rễ mật nhân cũng được bán dạo nhiều ở TP.HCM. Theo bác sĩ Hùng, mật nhân hay còn gọi là Bá bệnh hay Bách bệnh cùng là tên gọi của một loài dược thảo. Tuy nhiên tên gọi phổ biến nhất nên dùng hiện nay là cây Bá bệnh.

Mật nhân có vị đắng, tính mát. Có tác dụng điều trị một số bệnh như: Vỏ dùng để điều trị một số trường hợp rối loạn tiêu hóa, ăn uống không tiêu.

Quả mật nhân có thể dùng để chữa bệnh lỵ. Lá mật nhân có thể nấu nước rồi tắm để điều trị mụn họt rôm sảy. Rễ cây có thể điều trị một số bệnh thấp khớp, đau nhức xương, đau lưng thắt lưng, phòng và chữa bệnh cảm mạo gây ho, giải độc rượu trong những trường hợp say rượu và tẩy giun.

Tác dụng hiện nay của cây mật nhân được nhắc đến nhiều là tác dụng tằng cường sinh lý Nam giới thông qua kích thích cơ thể tiết Testosterone nội sinh. Cách dùng: rễ và vỏ sao vàng,  một ngày từ 8 đến 12 giờ, sắc uống. Rễ cây mật nhân còn có thể ngâm rượu để uống như một loại rượu bổ dưỡng…

Tuy nhiên, theo bác sĩ Hùng để uống lâu dài, điều trị bệnh cần phải được bác sĩ Y học cổ truyền tư vấn thêm.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm