KIỆN CHỐNG BÁN PHÁ GIÁ Ở VIỆT NAM

Công cụ phòng vệ bị bỏ quên

Theo bà Phùng Thị Lan Phương, đại diện Trung tâm WTO thuộc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), không chỉ vào thời gian này, sức ép cạnh tranh từ hàng nhập khẩu sắp tới sẽ ngày càng gia tăng, gây ảnh hưởng không nhỏ đến ngành sản xuất nội địa. Trước tình hình này, đã có doanh nghiệp (DN), hiệp hội của Việt Nam bắt đầu sử dụng công cụ phòng vệ thương mại kiện chống bán phá giá để bảo vệ lợi ích hợp pháp. Tuy nhiên, dường như DN Việt chưa biết sử dụng hiệu quả công cụ này.

Đây cũng là vấn đề quan trọng được nêu ra tại hội thảo “Kiện chống bán phá giá ở Việt Nam: Đánh thức công cụ bị bỏ quên” do Trung tâm WTO-VCCI tổ chức tại Hà Nội ngày 24-7.

Đã chậm một bước

Tính đến nay, Việt Nam mới chỉ tiến hành hai vụ điều tra tự vệ và một vụ điều tra chống bán phá giá đối với hàng nhập khẩu. Con số này là quá ít so với số vụ điều tra tương tự ở các nước châu Á lân cận.

Trong khi đó, Việt Nam lại là nước nhập rất nhiều loại sản phẩm, nguyên liệu sản xuất như thiết bị điện, điện tử, máy móc, sắt, thép, nhựa, hàng may mặc, hoa quả…, đồng thời là đối tượng bị kiện chống bán phá giá ở nhiều nước khác.

Công cụ phòng vệ bị bỏ quên ảnh 1

Dầu ăn là một trong những mặt hàng đã từng yêu cầu áp dụng biện pháp tự vệ đối với mặt hàng dầu đậu nành và dầu cọ nhập khẩu. Ảnh: HTD

Luật sư Nguyễn Hải từ Công ty Luật Mayer Brown cho hay khối lượng nhập khẩu hàng hóa qua các năm đều tăng. Một số trong đó còn có dấu hiệu tăng mạnh. Nguy cơ nhiều mặt hàng nội địa phải đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt từ hàng nhập khẩu là rất lớn. “Thế nhưng chính tâm lý ngại kiện tụng, sợ tốn chi phí mà không được gì, hệ thống pháp lý chưa hoàn thiện khiến DN không muốn khởi kiện chống bán phá giá hàng nhập khẩu gây thiệt hại. Như thế Việt Nam đã chậm một bước so với các nước châu Á như Thái Lan, Indonesia, Malaysia, Trung Quốc, Philippines… có kinh nghiệm nhiều năm khởi kiện chống bán phá giá” - ông nói thêm.

TS Đinh Thị Mỹ Loan, Chủ tịch Hội đồng Tư vấn Phòng vệ Thương mại Trung tâm WTO-VCCI, cũng khẳng định công cụ kiện chống bán phá giá được các nước đang phát triển sử dụng ngày càng nhuần nhuyễn. 10 mặt hàng có nguy cơ cao về cạnh tranh không lành mạnh ở Việt Nam do nhập khẩu nhiều đã bị nhiều nước khởi kiện chống bán phá giá.

Lợi bất cập hại

Ở một khía cạnh khác, ông Đàm Quang Hùng, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Quốc tế Sơn Hà, lại bày tỏ sự quan ngại.

“Cần xem lại việc kiện chống bán phá giá mặt hàng thép không gỉ cán nguội nhập khẩu có thực sự giúp bảo vệ ngành này ở trong nước hay không? Trên thực tế, DN Việt chưa thể tự sản xuất được sản phẩm này mà nhập nguyên sản phẩm đó. Nguồn nguyên liệu để sản xuất cũng phải nhập. Nếu những DN này khởi kiện chống bán phá giá thép nhập khẩu thành ra tự làm khó mình, bởi khi đó sản phẩm nhập khẩu tăng giá, DN nhập về cũng bán ra giá cao. Hai là tình huống “lợi bất cập hại” đối với DN phụ thuộc vào nguyên liệu nhập khẩu để sản xuất vì nước bán nguyên liệu tăng giá” - ông Hùng nói.

Đại diện một DN dệt may cho biết nếu kiện chống bán phá giá đối với hàng may mặc Trung Quốc thì chịu thiệt có thể là chính DN trong nước vì 90% nguyên liệu dệt may nhập từ nước này.

Vị này còn chỉ ra khả năng mất tính cạnh tranh lành mạnh khi khởi kiện chống bán phá giá. Ví dụ, trong ngành thép có hai DN thống lĩnh thị trường chiếm đến 30% thị phần. Nếu áp dụng biện pháp chống bán phá giá đối với sản phẩm nhập khẩu từ Trung Quốc, Indonesia, Malaysia… có khả năng DN lớn trên tận dụng lợi thế thị phần để đẩy giá bán thép lên cao, làm DN nhỏ yếu thế, thị trường cạnh tranh thiếu công bằng.

Ý kiến này cũng được TS Đinh Thị Mỹ Loan, Chủ tịch Hội đồng Tư vấn Phòng vệ Thương mại Trung tâm WTO-VCCI, đồng tình. Bà cho rằng phải bảo đảm công cụ phòng vệ thương mại này không bị lạm dụng để hạn chế sự cạnh tranh thị trường. Muốn vậy khi tiến hành điều tra cần chặt chẽ, chính xác; có tiếng nói đầy đủ của các bên liên quan, bị ảnh hưởng; suy xét lợi hại tùy thực trạng của từng ngành mới chính thức khởi kiện.

“Thời điểm này các DN Việt cần nên tích cực sử dụng công cụ phòng vệ thương mại này để bảo vệ mình. Và quan trọng hơn nếu DN đoàn kết, chuẩn bị chu đáo thông tin, tài liệu; chuyên nghiệp trong tranh luận thì hoàn toàn có đủ cơ sở thắng kiện” - TS Loan nói.

Phòng vệ thương mại ở Việt Nam

5-5-2009: Tổng Công ty Thủy tinh và Gốm xây dựng đã nộp đơn đến Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công Thương) yêu cầu điều tra và áp dụng biện pháp tự vệ đối với các sản phẩm kính nổi nhập khẩu. Ngày 23-2-2010, Cục quyết định chấm dứt điều tra và không áp đặt biện pháp tự vệ đối với mặt hàng trên.

30-11-2012: Tổng Công ty Công nghiệp Dầu thực vật Việt Nam gửi đơn đến Cục Quản lý cạnh tranh yêu cầu áp dụng biện pháp tự vệ đối với mặt hàng dầu đậu nành và dầu cọ nhập khẩu. Tháng 4-2013, Bộ Công Thương quyết định áp dụng thuế nhập khẩu tạm thời 5% đối với dầu nành và dầu cọ nhập khẩu từ ngày 7-5-2013, thời hạn không quá 200 ngày.

2-7-2013: Bộ Công Thương ban hành Quyết định 4460 về việc điều tra áp dụng biện pháp chống bán phá giá đối với mặt hàng thép không gỉ cán nguội nhập khẩu từ Trung Quốc, Malaysia, Indonesia và Đài Loan. Vụ điều tra bắt nguồn từ đơn của Công ty TNHH Posco VST và Công ty CP Inox Hòa Bình. Kết luận cuối cùng sẽ công bố trong vòng 12 tháng kể từ ngày quyết định khởi xướng điều tra.

MINH LONG

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm