'Cứ một ngày nằm không, hãng bay lại mất một chiếc Camry'

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Du lịch hàng không đang cần "chạy ECMO"

Chương trình do Hội Doanh Nhân Trẻ TP.HCM (YBA), Trung tâm Hỗ trợ Thanh Niên Khởi nghiệp (BSSC)…vừa tổ chức với chủ đề Đâu là trận cuối đã thu hút hơn 800 lãnh đạo các doanh nghiệp (DN) tham gia.

Theo ông Nguyễn Quốc Kỳ, Chủ tịch Vietravel Holdings, đợt dịch COVID-19 lần thứ 4 hết sức phức tạp khiến các DN vận tải hàng không vốn đã khó lại rơi vào tình cảnh hết sức lao đao.

Nếu ví ngành du lịch, hàng không như bệnh nhân COVID-19 thì ngành này tiệm cận ở sự sống và cái chết, cần chạy ECMO. Bởi vì đến giờ này kể cả DN lớn nhất hay nhỏ nhất đều đóng cửa, chỉ còn chưa tới 10% DN hoạt động.

Tại TP.HCM hầu như DN đóng cửa hết, Hà Nội cũng vậy kể cả Phú Quốc, Hội An, Huế....

Ở lĩnh vực bán lẻ, ông Nguyễn Anh Đức, Tổng Giám đốc Saigon Co.op cho biết, ngành bán lẻ thường bị nhầm là không thể chết dù có rủi ro nhưng thực tế bán lẻ hiện đại chỉ đóng góp 1/4 thị phần.

Thời gian qua lượng khách hàng dồn về siêu thị khá đông khiến các điểm bán của Saigon Co.op từ offline đến online đều quá tải. Tuy nhiên, theo phân tích ngành hàng thì siêu thị đang gồng mình chịu lãi âm.

Người dân chủ yếu mua thực phẩm tươi sống (hơn 75%) trong khi đây là ngành hàng có tỉ lệ lợi nhuận thấp nhất. Chưa kể nhóm này siêu thị đang bù lỗ chi phí tìm gom nguồn hàng, vận tải, kiểm dịch…

Bên cạnh đó, ngành hàng bán lẻ, dịch vụ phải chạy đua với tốc độ quá nhanh, quá nguy hiểm vì các chỉ thị thay đổi tình hình quá nhiều và gấp rút, đòi hỏi DN phải biết cách "lấy hơi", điều đó ảnh hưởng đến "lá phổi" của mình.

Các doanh nhân trong vùng tâm bảo trao đổi tại diễn đàn.

7 ngày nằm không, hãng bay như bỏ sông cả con xe Range Rover

Ông Lê Trí Thông, Phó chủ tịch YBA đặt câu hỏi cho lãnh đạo các DN di chứng mà COVID-19 để lại đối với du lịch hàng không và khi nào DN có thể quay lại.

“Tổn thất rất lớn về cơ sở vật chất, chúng ta nghe được con số lỗ cả mấy chục ngàn tỉ của các hãng hàng không. Chúng tôi hay nói đùa ngay như Vietravel Airlines có ba chiếc máy bay, sau bảy ngày lại đẩy một chiếc Range Rover xuống sông, mỗi ngày là một chiếc Camry.

Qua đó, cho thấy những DN lớn hơn thì tổn thất rất lớn. Điều này làm cho ngành du lịch, hàng không lùi lại hơn cả 10 năm, quay lại thời kỳ 2007, 2008” - ông Nguyễn Quốc Kỳ nói.

Ông Kỳ nhận định hàng không, du lịch sẽ không phục hồi như trước. Ngành du lịch sử dụng lao động rất nhiều, hàng không thì sử dụng lao động chất lượng cao, khi quay trở lại lực lượng này hao hụt nhiều, không dễ một sớm một chiều lấp vào.

Máy bay nằm không bốn tháng không phải muốn là bay ngay được, với những quy định ngặt ngèo an toàn bay đòi hỏi DN có vốn rất lớn. Để có thể quay lại đường đua vấn đề rất lớn du lịch, hàng không phải giải quyết là tâm lý, đảm bảo an toàn cho du khách.

Trước đây ưu tiên là khuyến mãi tối đa, lợi nhuận gấp ba gấp bốn lần thì nay an toàn là ưu tiên số một. Do đó, DN phải đánh giá rất kỹ những phương án, điều kiện hợp với yêu cầu mới.

Ngay với ngành hàng không, trên một chuyến bay giãn cách tối đa 50% sức chứa thì chắc chắn không hãng bay nào chịu nổi vì càng bay càng lỗ. Tuy nhiên, trong hoạt động chung thì hàng không đóng vai trò là kênh vận chuyển huyết mạch, đó là sứ mệnh.

“Sự trở lại của hàng không và du lịch là tất yếu nhưng trở lại thế nào vừa sức, đúng yêu cầu thị trường là một bài toán khó. Chúng tôi dự báo từ tháng 6-2024 trở đi hàng không, du lịch mới trở lại được như giai đoạn 2018-2019  với điều kiện phải được nối lại các đường bay quốc tế” - ông Kỳ chia sẻ.

Theo ông Nguyễn Anh Đức, bên cạnh những thuận lợi thì khó khăn sau thời gian giãn cách là điều khó tránh khỏi.

"Thời gian qua Saigon Co.op phải chạy với cường độ quá cao khiến chúng tôi có những rủi ro về chất lượng sau giãn cách. Đó là minh chứng cho thấy đôi khi số lượng sẽ ảnh hưởng đến chất lượng, ngay cả với ngành bán lẻ" - ông Đức nói.

Ông Lê Trí Thông, Phó chủ tịch YBA cho biết, đây là những bài học từ thực tế rất quý giá mà các doanh nhân đã rút ra khi đối diện với COVID-19 gửi đến các DN vừa và nhỏ.

Ông Thông ví von COVID-19 như cơn bão thổi tới, tất cả phải xuất phát trở lại. DN phải nhanh chóng xoay chuyển tình thế để thích nghi kịp thời cũng như tỉnh táo nhìn về phía trước, linh hoạt đối phó tình huống.

Sau biến cố này, sẽ có bài học về quản trị rủi ro giúp DN có thể sống sót, tăng tốc chạy về phía trước.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm