'Cứ phải như Jack Ma, không nghĩ ra giải pháp thì… đi ngủ'

Hiệp hội Nông nghiệp Số vừa tổ chức hội nghị “Khởi nghiệp nông nghiệp trong thời kỳ mới: trong nguy có cơ”. Nhiều ý kiến tâm huyết cho rằng: điều quan trọng nhất đối với khởi nghiệp trong nông nghiệp là khát vọng cá nhân cộng hưởng với khát vọng của quốc gia và tinh thần không lùi bước.

Gặp khó, ở đâu đó chắc chắn có lời giải

Ông Trương Gia Bình, Chủ tịch Hiệp hội nông nghiệp số chia sẻ: hồi ông đón tỷ phú Jack Ma, người sáng lập Alibaba tại Hà Nội ông đã hỏi Jack Ma nhiều câu hỏi về khởi nghiệp.

“Tôi hỏi Jack Ma: khi vấp ngã anh làm gì? Bởi đời Jack Ma toàn là vấp ngã. Jack Ma trả lời đơn giản: vấp ngã thì phải đứng dậy thôi, nếu không đứng dậy thì chả biết làm gì.

Tôi lại hỏi: khi gặp khó khăn thì anh làm gì. Jack Ma trả lời: Khó thì bàn bạc, không ra thì lại đi ngủ. Cứ vậy cho đến khi có lời giải”, ông Trương Gia Binh kể.

Theo ông, kinh nghiệm lớn nhất của các nhà khởi nghiệp vĩ đại là không chùn bước, luôn đi tìm lời giải vì ở đâu đó chắc chắn có lời giải.

Lấy ví dụ về một người bạn Israel học chung Vật lý với mình ở Liên Xô thời xưa, ông Trương Gia Bình kể: “Khi tốt nghiệp về nước anh ta không có việc gì làm. Không có đất, anh ấy chồng đất lên cao, rất nhiều tầng, nước thì anh ta tưới nhỏ giọt. Anh ta chế ra các loại hoa phong lan rồi xuất khẩu sang Thái Lan và Thái Lan xuất ra cả thế giới”.

Ông Trương Gia Bình, Chủ tịch Hiệp hội nông nghiệp số cho rằng kinh nghiệm lớn nhất của các nhà khởi nghiệp vĩ đại là không chùn bước, luôn đi tìm lời giải vì ở đâu đó chắc chắn có lời giải.

Bà Nguyễn Thị Thành Thực, ủy viên Ban chấp hành Hiệp hội Nông nghiệp số thì cụ thể hơn. “Các bạn trẻ khi khởi nghiệp trong nông nghiệp có thể tận dụng được sự khác biệt, đặc trưng trong địa bàn của mình để phát triển nông nghiệp. Ngay trong một huyện thôi thì mỗi xã đã có sự khác biệt rồi. Các bạn trẻ cần xác định và lựa chọn được sự khác biệt đó. Các bạn cần phải học, chứ không phải chỉ có ước mơ, khát vọng và thích thì làm”, bà Thực nói.

Giải thích rõ hơn, bà Thực cho rằng cần phải học về các mô hình kinh doanh và xác định xem mình sẽ theo mô hình nào: hộ kinh doanh, hợp tác xã (HTX) hay công ty.

“Ở Việt Nam, trong nông nghiệp, chính sách hỗ trợ cho HTX đang có nhiều ưu đãi. Nhưng các bạn trẻ đừng nghĩ đó là HTX kiểu cũ, HTX cơ bản giống như công ty cổ phần. Nếu làm được như HTX thì còn có lợi hơn, vì công ty cổ phần là mô hình “đối vốn”, còn HTX là mô hình “đối nhân”. Nếu tham gia vào HTX là đã có cách làm việc nhóm, công bằng, đặc biệt là đối nhân, điều quan trọng đối với Việt Nam”, bà Thực tận tình chỉ rõ.

Theo bà Thực, các bạn trẻ khởi nghiệp cần phải tìm hiểu về pháp luật kinh doanh. Bởi trồng quýt, trồng rau, nuôi heo, gà, hay kinh doanh phân bón… đều có những quy định pháp luật riêng.

“Một số bạn trẻ hỏi, tôi có nói rằng: tôi mới có bằng ĐH ngày 22-12-2018. Tôi đi học không phải để tăng lương, xin việc hay khoe khoang. Bằng ĐH với tôi trong lúc này cũng là xóa mù chữ thôi, còn lại thì phải tự học”, bà Thực nói.

Đóng thùng trái cây xuất khẩu sang Mỹ. Ảnh: Quang Huy

Mình dám ăn hãy đem đi bán

GS Phan Văn Trường, người từng là cố vấn cho Chính phủ Pháp, nay nhận lời làm cố vấn cho chương trình khởi nghiệp của Hiệp hội nông nghiệp Số nhận định: nhu cầu nông nghiệp của thế giới vẫn rất cao và cần phải có những việc làm cấp bách, nhất là trong tình hình mới thời hậu COVID-19.

Ngoài việc tận dụng công nghệ số để làm nông nghiệp, GS Phan Văn Trường nói: “Chúng ta đi vào thời kỳ nông nghiệp phải được kiểm soát, vì cả thế giới ý thức rằng sức khỏe đang tùy thuộc vào những gì chúng ta cho vào miệng. Chẳng hạn nông sản phải truy xuất nguồn gốc, tức là mỗi trái cây cần phải có CMND, để chứng minh được mình là ai, dù đó là cam hay dưa hấu. Chỉ có công nghệ số mới làm được điều đó”.

GS Phan Văn Trường cũng cho rằng: đất cho nông nghiệp hiện nay nhiều mảnh manh mún, nông trại nhỏ và sự manh mún đó chỉ có thể dùng công nghệ số để kết hợp hài hòa.

“Nếu bán một quả cam cho Pháp mà có tới vài chục nơi sản xuất thì khó. Tôi kêu gọi các bạn tiếp cận hướng này để nông nghiệp sớm tạo sự trù phú cho nông dân và làm cho đất nước phát triết. Nước ta bám vào nông nghiệp, nông nghiệp chúng ta bám vào thế giới”, GS Phan Văn Trường nói.

Bà Thực thì cho rằng: nguy cơ lớn nhất cho khởi nghiệp nông nghiệp là thiên tai và đòi hỏi các bạn trẻ phải sáng tạo. “Nếu kinh dooanh không có sáng tạo thì không thành công, đi học người khác rồi về kinh doanh giống người ta thì không thay đổi kịp với thời đại”, bà Thực cho hay.

Bà Thực lấy ví dụ, nhà phao ở các nước nhìn thì hay nhưng khó áp dụng ở Việt Nam. Bà kể chuyện sang Quế Lâm, Trung Quốc trồng trái cây thì bà sáng tạo ra khung nhà màng bằng tre, vật liệu quá nhiều ở Việt Nam. Nhờ đó, trái cây như cam, quýt có thể thu hoạch đến tháng 5 hàng năm là chuyện bình thường.

Bà cũng nói: khi khởi nghiệp thì gặp nhiều áp lực, bản thân bà đã phải đi điều trị tâm lý vài lần. Nhưng bà thừa nhận, cứ phải như Jack Ma, không nghĩ ra được gì thì đi ngủ.

Ông Trần Đức An, giám đốc Công ty Cổ phần Sâm Ngọc Linh Tu Mơ Rông lấy ví dụ khi COVID-19 xảy ra, rủi ro đến và ông phải đón nhận. Ngoài việc cắt giảm những chi phí không cần thiết, cơ cấu lại công ty thì ông An đi thực tế ở các chợ đầu mối.

“Đi tham quan các chợ đầu mối, nhìn thấy tận mắt thực tế vận chuyển từng cọng rau, đùi heo, hải sản… mới thấy được các hoạt động rất sôi nổi. Thời COVID-19 nhưng họ vẫn bán được hàng, tạo ra giá trị”, ông An nhận xét.

Khách nước ngoài tìm hiểu nông sản xuất khẩu Việt Nam. Ảnh: Quang Huy

Sợ chia sẻ kinh nghiệm thì sợ ông kia thành đối thủ

Ông Nguyễn Hoàng Anh, Phó chủ tịch Hiệp hội nông nghiệp số chia sẻ: tính liên kết của DN Việt yếu. Ông đề xuất phải tăng tính liên kết. Chẳng hạn những người nuôi heo giỏi kỹ thuật nuôi thì cứ nuôi, còn việc bán hàng, tiếp thị thì nên kết hợp với những người có chuyên môn.

“Cũng có tình trạng sợ chia sẻ kinh nghiệm thì sợ ông kia thành “đối thủ” của mình. Trên thế giới nhiều tập đoàn họ sáp nhập để ngày càng lớn hơn. Việt Nam mình thì cứ chia tách và DN cứ ngày càng nhỏ”, ông An nói và cho rằng không nhất thiết ai cũng phải làm ông chủ.

Về vấn đề nông sản sạch thì giá phải cao, ông An cho rằng đó là một tư duy sai. Nông sản vừa phải sạch, vừa phải giá cạnh tranh. “Đó là cuộc chơi, không thể nói làm sạch, tốn chi phí thì giá phải cao như thế. Trách nhiệm của mình thì phải làm”, ông An nói và khẳng định: “”Thị trường muốn “sạch mà rẻ” thì ta phải đáp ứng”.

Đồng tình, bà Thực nói: “Cái gì mình dám ăn thì mới đem đi bán. Nông sản sạch là đương nhiên, nhưng làm sao giảm được giá thành. Tôi đi khắp Trung Quốc chỉ để trả lời vì sao nông sản Trung Quốc rẻ. Có phải hàng của họ kém chất lượng không? Không, thị trường Trung Quốc cạnh tranh khốc liệt, căng thẳng gấp 50 lần Việt Nam. Vì vậy luôn phải sáng tạo, để có giá rẻ màcạnh tranh”.

Gạo Việt chuẩn bị xuất ngoại. Ảnh: Quang Huy

 Nếu quyết vượt qua nghèo, hèn

Khi tôi sang Nhật, gặp cựu Bộ trưởng Nông nghiệp, ông nói: Nhật Bản có mở cửa cho nông sản Việt Nam thì Việt Nam cũng không có cửa vì Nhật Bản đã ký hiệp định an ninh lương thực với nhiều nước. Nếu mở cửa thì mở cho rau, củ, quả thôi. Nếu Việt Nam muốn làm thì DN ngồi bàn nhau đi, cái gì ra tấm ra món.

Tôi nghĩ, các bạn khởi nghiệp, các doanh nghiệp thay vì ghen tỵ với thành công của nhau thì nên vui mừng mỗi khi thấy người khác thành công. Cạnh tranh ở Việt Nam là một cơ hội lớn. Thế giới đã được sắp đặt một cách thông minh, VN đang chờ các bạn bàn tay, khối óc khởi nghiệp.

Các bạn có tư duy khởi nghiệp, quyết tâm, quyết chí vượt qua nghèo hèn thì các bạn sẽ trở thành thế hệ DN tiếp theo của những người như chúng tôi và vượt xa chúng tôi nhiều lần.

Ông Trương Gia Bình, Chủ tịch Hiệp hội nông nghiệp số

 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm