Dân còng lưng rồi, thưa Bộ trưởng Tài chính!

Giá xăng dầu hiện đang cõng quá nhiều loại thuế và phí, nếu tiếp tục tăng thu sẽ “thuế chồng lên thuế, phí chồng lên phí”.

Trong phần giải trình về đề xuất tăng thuế bảo vệ môi trường trước Ủy ban Thường vụ Quốc hội hôm 12-7, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng nói: Nếu tăng thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu lên kịch khung 4.000 đồng/lít sẽ đem lại cho ngân sách nhà nước hơn 15.500 tỉ đồng/năm.

Vấp phải sự phản ứng của chính các đại biểu Quốc hội, ông Bộ trưởng Tài chính cảm thán: “Ai cũng sợ dư luận xã hội, chẳng ai dám đối đầu, tôi cũng thấy băn khoăn”.

Góc nhìn của Bộ trưởng Tài chính thật lạ và khó hiểu! Khó hiểu ở chỗ thay vì lắng nghe dư luận trên tinh thần cầu thị, ông Bộ trưởng lại than “chẳng ai dám đối đầu”. Trong khi dư luận băn khoăn, bức xúc về đề xuất tăng thuế môi trường đối với xăng dầu là hoàn toàn xác đáng.

Xăng dầu là mặt hàng thiết yếu, nếu tăng thuế lên kịch khung sẽ tác động tiêu cực đến hoạt động sản xuất kinh doanh, làm giảm năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp và người tiêu dùng lãnh đủ. Thế nên không thể cứ gặp khó khăn về ngân sách lại đòi tăng thuế trong bối cảnh người dân đang chật vật mưu sinh, nguy cơ lạm phát đang rình rập.

Bộ Tài chính rất sốt sắng tăng thuế với mục đích để bảo vệ môi trường. Nhưng thuế thu được có chi cho đúng mục đích này hay không, hiệu quả đến đâu vẫn còn là dấu chấm hỏi lớn. Thực tế thời gian khoản thu từ nguồn thuế này tăng bốn lần thì chi cho sự nghiệp bảo vệ môi trường tăng chưa tới 1,4 lần. Đây là một sự bất hợp lý.

Chưa hết, dẫu có nguồn thu lớn từ thuế môi trường song môi trường và hệ sinh thái lại chưa được cải thiện, nếu không muốn nói là ngày một xấu đi. Vậy nên người dân, chuyên gia hoài nghi việc Bộ Tài chính lấy danh nghĩa tăng thuế để bảo vệ môi trường nhưng thực chất là tăng thuế để tận thu, tăng thu ngân sách.

Với những bất cập trên, những người đóng thuế có quyền yêu cầu Bộ Tài chính quyết liệt tiết kiệm chi thường xuyên, đảm bảo chi tiêu hợp lý, tiết kiệm từng đồng thuế của dân… chứ không nên chỉ chăm chăm vào việc tăng thuế.

Người đóng thuế cũng có quyền yêu cầu Bộ Tài chính trước khi ban hành thuế bảo vệ môi trường đối với mặt hàng xăng dầu cần lắng nghe ý kiến của người dân, doanh nghiệp… chứ không nên áp đặt tăng thu bằng mệnh lệnh hành chính. Từ đó mới có thể xây dựng được chính sách thuế hài hòa lợi ích các bên thay vì tăng số thu bằng mọi giá.

Cuối cùng, Bộ trưởng Bộ Tài chính nhìn thấy ngay số tiền trên gần 16.000 tỉ đồng mà người dân đóng góp khi tăng thuế môi trường. Nhưng xin Bộ trưởng hãy nhìn vào một thực tế khác: Người dân đang phải còng lưng cõng rất nhiều loại thuế, phí. Nếu tiếp tục tăng thêm thuế, người dân lãnh đủ, trăm dâu lại đổ đầu tằm.

Vậy nên lắng nghe dư luận, lắng nghe lòng dân muốn gì trước một quyết sách là điều nên làm. Như vậy không phải là “đối đầu”, thưa Bộ trưởng Tài chính!

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm