Đất nước gặp khó, phải quý trọng “tiền xu”

Tuy nhiên, chủ yếu số tiền này được dùng vào các lễ hội tại những đền chùa. Sau tết số tiền này được gom lại để đổi tiền mệnh giá lớn ở ngân hàng. Tết năm ngoái, riêng chi phí in tiền mệnh giá 2.000 đồng đã là 300 tỉ đồng, chưa kể đến các chi phí kiểm tra, bảo quản, phát hành.

300 tỉ đồng là số tiền không nhỏ, có thể đầu tư cho biết bao công trình công ích, nhất là ở những vùng sâu vùng xa. Ví dụ xây vài chục ngôi trường làng, bắc vài chục cây cầu qua suối để trẻ con đi học mùa lũ được an toàn, hay làm mấy chục cây số đường nông thôn.

Nhắc tới tiền mệnh giá nhỏ, câu chuyện về những đồng tiền xu lại khiến người khác “phiền lòng”. Vài năm gần đây, dường như mọi người đã quên mất Việt Nam từng phát hành tiền xu cách đây chừng 10 năm. Hiện nay, lượng tiền tồn tại trong thị trường không ít nhưng không thấy NHNN nhắc đến. Từ việc thông báo hơn 300 tỉ đồng chi vào việc in tiền mệnh giá 2.000 đồng mỗi kỳ tết, có thể suy ra chi phí cho đợt đúc tiền xu trước đây là rất “khủng”.

Trách nhiệm về sự lãng phí mang dấu ấn tiền mệnh giá nhỏ và tiền xu chắc chắn thuộc về NHNN. Phải chăng thời gian qua NHNN vì lo những chuyện quá vĩ mô, như chống lạm phát, hạ lãi suất ngân hàng, giữ tỉ giá ngoại tệ và cả chuyện độc quyền vàng miếng, khống chế giá vàng… nên quên bẵng đi câu chuyện tiền xu, vốn “tưởng nhỏ nhưng không nhỏ”?

Thiết nghĩ NHNN phải tìm phương cách phục hồi việc sử dụng những đồng tiền xu hoặc có văn bản thu đổi toàn bộ tiền xu trong dân để có thể sử dụng vào mục đích khác. Nhất thiết không thể buông lỏng phớt lờ tiền của nhân dân như hiện nay.

Đặc biệt, nên khuyến khích và phát triển loại hình máy bán hàng tự động bằng tiền xu công cộng. Điều này không chỉ tạo sự tiện lợi cho khách hàng mà còn đảm bảo tiền xu được lưu hành. Có thể học tập từ Mỹ, Nhật, các nước châu Âu, hay gần hơn như Singapore, Thái Lan. Tại các quốc gia này, người dân vẫn sử dụng song song tiền giấy mệnh giá nhỏ và tiền xu trong giao dịch ở các siêu thị cũng như tại các máy bán hàng tự động.

Đất nước khó khăn, kinh tế nặng gánh nợ công thì Chính phủ càng phải chống lãng phí trong chi tiêu công. Chớ “khinh” cái nhỏ mà bỏ tiền xu.

PHẠM ĐÌNH THỐNG

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm