Đề xuất mỗi tỉnh thành lập một 'khu công nghiệp cá tra'

Ngày 16-3, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn (NN&PTNT) tổ chức hội nghị triển khai nhiệm vụ phát triển ngành hàng cá tra năm 2018 tại TP Cần Thơ.

Ông Ngô Quang Trường – Giám đốc Công ty thủy sản Biển Đông nhận định với tình hình giá cá nguyên liệu như hiện nay thì dù cá giống giá cao nhưng người nuôi cũng phải có lời ít nhất 6.000 đồng/kg.

Do đó cần quản lý số lượng, chất lượng con giống và vùng nuôi, chất lượng chế biến để từ đó thiết lập lại trật tự trong quản lý cung cầu của ngành cá tra.

Ông Trường cho rằng vừa qua khan hiếm giống một phần do thời tiết, theo quy luật mùa thuận thì trong một tháng tới thì sẽ có cá giống.

Ông Trường đề xuất mỗi tỉnh nên thành lập một vùng nuôi tập trung như dạng khu công nghiệp khoảng 500-1.000 ha để những doanh nghiệp, hộ dân muốn nuôi bao nhiêu hecta thì thuê lại để từ đó việc quản lý vùng nuôi được tốt hơn giúp đảm bảo chất lượng sản phẩm.

Đại diện Công ty TNHH Thủy sản Mừng Liên cho biết hiện nay tình hình thiếu giống do dịch bệnh nhiều và hao hụt nhiều do tỉ lệ sống thấp. Cá bị bệnh ngoài yếu tố thời tiết còn do chủ quan là nuôi với mật độ quá dày dẫn tới tỉ lệ  sống quá thấp.

Từ đó, vị này đề nghị phải có biện pháp nuôi mật độ thưa và tranh thủ mùa thuận này (tháng 4, 5) để thả cho hiệu quả. Cạnh đó, cần thực hiện dự án sản phẩm giống quốc gia càng sớm càng tốt, rồi quy hoạch ngành hàng cho tốt và xây dựng thương hiệu cho cá tra Việt Nam.

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Vũ Văn Tám trả lời báo chí bên lề hội nghị ngày 16-3 tại Cần Thơ. Ảnh: NN

Theo báo cáo của Tổng cục Thủy sản (Bộ NN&PTNT), những tồn tại thách thức của năm 2018 đối với ngành cá tra là tác động của biến đổi khí hậu, cạnh tranh thương mại và rào cản kỹ thuật, gia tăng diện tích nuôi và chất lượng giống cá tra suy giảm.

Cụ thể, do giá cá nguyên liệu, giá cá giống năm 2017 luôn giữ ở mức cao (ba tháng đầu năm 2018 giá cá giống trung bình từ 64.000-75.000 đồng/kg với cỡ 30 con/kg và 70.000-81.000 đồng/kg với cỡ 50 con/kg).

Nhu cầu cá nguyên liệu của các nhà máy chế biến tăng cao nên có thể xảy ra tình trạng nuôi ồ ạt xuống giống hoặc mở rộng diện tích nuôi, ương dưỡng.

Việc mở rộng diện tích không dựa trên khả năng tiêu thụ và không liên kết chặt chẽ đầu ra với doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu có thể gây dư thừa, sụt giảm giá.

Cũng theo Tổng cục Thủy sản, chất lượng giống cá tra ngày càng suy giảm khiến tỉ lệ hao hụt ở giai đoạn nuôi thương phẩm cao, hiệu quả sản xuất thấp. Ngay từ đầu năm 2018, tình hình dịch bệnh đã xảy ra trên giai đoạn cá giống ở một số địa phương sản xuất giống trọng điểm có thể ảnh hưởng đến khả năng cung cấp giống trong những tháng tiếp theo.

Đại diện Chi cục Thủy sản tỉnh Đồng Tháp cho biết qua khảo sát 380 cơ sở ương dưỡng (chiếm 1/3 cơ sở ương dưỡng ở tỉnh này) thì hầu hết hộ cá thể, chiếm 99,5%.

Số cơ sở làm theo kinh nghiệm là 90%, chỉ có 10% qua đào tạo chuyên môn. 86% cơ sở nhỏ lẻ có diện tích từ 3.000 m2 đến 2 ha. 82% cơ sở có tỉ lệ sống của cá ương dưỡng là 10%, tỉ lệ sống từ 20%-50% chỉ có 2% cơ sở làm được…

Từ đó, đơn vị này kiến nghị cần có quy định chặt hơn trong sản xuất và có chính sách hỗ trợ nhưng đơn vị đi đầu trong ứng dựng và nghiên cứu công nghệ mới.

Rất nhiều ý kiến đưa ra tại hội nghị để thực hiện mục tiêu xuất khẩu của ngành cá tra năm 2018 đạt trên 2 tỉ USD. Ảnh: NN

Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Vũ Văn Tám đánh giá năm 2017 tuy có nhiều khó khăn nhưng xuất khẩu thủy sản, đặc biệt xuất khẩu cá tra đã đạt 1,8 tỉ USD.

Theo ông Tám, năm 2018 có tín hiệu vui là thủy sản được mùa, đặc biệt giá cá tra nguyên liệu rất tốt, kéo theo giá cá giống tăng lên. Điều lo ngại nhất là kiểm soát tốt chất lượng giống và kiểm soát tốt phát triển các vùng nuôi ngoài quy hoạch và thị trường.

“Mục tiêu của ngành cá tra được Chính phủ và Bộ giao xuất khẩu năm nay phải đạt 2 tỉ đến 2,2 tỉ USD. Đây là một con số không dễ dàng chút nào, đòi hỏi một sự nỗ lực rất lớn. Vì từ trước đến nay chúng ta chỉ (xuất khẩu) quanh 1,6-1,8 tỉ thôi mà bây giờ vượt lên con số hơn 2 tỉ USD thì không phải là chuyện đơn giản, đòi hỏi sự nỗ lực, phấn đấu toàn ngành của chúng ta, đặc biệt là các doanh nghiệp, các địa phương và vùng nuôi” – Thứ trưởng Tám nói.

 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm