Diễn biến giá vàng phức tạp, nhiều biến động khó lường

 Từ năm 1978 – 1980, đây là giai đoạn kinh tế thế giới và kinh tế Mỹ rơi vào tình trạng vừa suy thoái vừa lạm phát, giá vàng đã tăng mạnh, đỉnh cao là tháng 1 năm 1980 lên đến 850 USD/OZ. Từ năm 1982- 2000, kinh tế thế giới và kinh tế Mỹ phục hồi, duy trì mức tăng trưởng kinh tế cao và lạm phát thấp, giá vàng đã giảm xuống mức 300 – 400 U SD/OZ, có thời điểm trong năm 1999 giá vàng đã giảm sâu xuống mức 250 USD/OZ.

Tuy nhiên, từ năm 2007, kinh tế thế giới bất ổn, giá vàng tiếp tục tăng lên trên dưới 700 USD/OZ. Đặc biệt từ cuối năm 2008 đến nay do ảnh hưởng khủng hoảng kinh tế và khủng hoảng tiền tệ thế giới, giá vàng tăng mạnh phá vỡ mức kỷ lục 850 USD/OZ.

Diễn biến giá vàng quốc tế những ngày gần đây như sau:
- Ngày 14-10-2009 : 1.070 USD/OZ.
- Ngày 4-11-2009 : 1.088,5 USD/OZ.
- Ngày 11-11-2009 : 1.119 USD/OZ.
- Ngày 16-11-2009 : 1.130 USD/OZ.
- Ngày 18-11-2009 : 1.140 USD/OZ.

Và đến ngày 1-12-2009, giá vàng quốc tế trên sàn New York lần đầu tiên trong lịch sử vượt qua ngưỡng 1.200 USD/OZ.

Giá vàng gần đây tăng mạnh và chinh phục mốc 1.200 USD/OZ có thể do nhiều nguyên nhân, cụ thể là: Xu hướng USD mất giá; lo sợ lạm phát quay trở lại; sự bất ổn của thị trường chứng khoán Mỹ; nhu cầu dự trữ vàng của các ngân hàng trung ương tăng lên; yếu tố đầu cơ và mua vào của các quỹ đầu tư vàng…

Song quan trọng nhất là do triển vọng kinh tế thế giới sau khủng hoảng chưa sáng sủa, kinh tế thế giới hồi phục chậm chạp, thiếu chắc chắn, chưa có khả năng đem lại những cơ hội tốt để đầu tư tạo ra lợi nhuận.

Theo số liệu do hội đồng vàng thế giới công bố, hiện nay dự trữ vàng tại các ngân hàng trung ương các nước rất lớn. Tính đến cuối năm 2008, các nước có dự trữ vàng lớn nhất là:

Mỹ : 8.133 tấn vàng, chiếm tỷ lệ 78,9% dự trữ ngoại hối của Mỹ.
Đức : 3.412 tấn vàng, chiếm tỷ lệ 71,5 % dự trữ ngoại hối của Đức.
IMF : 3.217 tấn vàng .
Pháp: 2.487 tấn vàng, chiếm tỷ lệ 72,6% dự trữ ngoại hối của Pháp.
Ý : 2.451 tấn vàng, chiếm tỷ lệ 66,5% dự trữ ngoại hối của Ý.
Trung Quốc:600 tấn vàng,chiếm 1,6% dự trữ ngoại hối của Trung Quốc.

Riêng Trung Quốc từ cuối năm 2008 đến nay đã tăng dự trữ vàng trên 400 tấn, hiện nay dự trữ vàng của nước này đạt 1.054 tấn vàng.

Lâu nay giá vàng và giá đôla Mỹ thường đi ngược chiều nhau, giá vàng có thể giảm mạnh nếu kinh tế thế giới hồi phục, lạm phát được khống chế như những năm 1999- 2000. Trước mắt giá vàng phụ thuộc diễn biến của tỷ giá đồng đôla Mỹ. Trước sức ép của Quốc tế về việc đôla Mỹ mất giá, sức ép lạm phát có thể tăng ở Mỹ và để bảo vệ địa vị quốc tế của đồng đôla Mỹ cũng như nhiều quyền lợi khác, Mỹ không thể để đồng đôla tiếp tục mất giá, các chuyên gia dự đoán việc Mỹ quyết định tăng lãi suất chỉ là vấn đề thời gian. Do đó, giá vàng không loại trừ khả năng có biến động mạnh trong thời gian tới.

Tại Việt Nam, do ảnh hưởng của giá vàng quốc tế tăng và một số hoạt động mang tính chất đầu cơ, đã tác động đến tâm lý người dân và gây nên những cơn sốt vàng. Thực tế cho thấy việc đầu tư vào vàng có mức độ rủi ro rất lớn đúng như nhà kinh tế nổi tiếng Keynes từng nhận xét vàng là một thứ “thánh tích dã man”, giá vàng không bao giờ diễn biến theo các dự kiến của các chuyên gia. Việc người dân mua vàng khi giá vàng lên là mạo hiểm vì trong thời gian ngắn giá vàng có thể giảm hàng trăm đôla Mỹ .

Theo PHÍ ĐĂNG MINH, Vụ QLNH (sbv.gov.vn)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm