DN kiến nghị: 'Ngân hàng cần có hành động thiết thực'

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Sáng nay, 7-9, Bộ NN&PTNT tổ chức hội nghị giao ban về chế biến gỗ và lâm sản do Thứ trưởng Lê Quốc Doanh chủ trì.

Yêu cầu “mục tiêu kép” nhưng ưu tiên vaccine gần chót sổ

Theo báo cáo của Tổng cục Lâm nghiệp, khi đại dịch COVID-19 bùng phát mạnh ở nhiều tỉnh thành, gây đứt đoạn chuỗi cung ứng đã ảnh hưởng sâu sắc đến ngành chế biến, xuất khẩu gỗ. Từ tháng 7-2021, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ có sự sụt giảm đáng kể, đến tháng 8 lao dốc nghiêm trọng.

Cuộc họp giao ban được tổ chức theo hình thức trực tuyến. Ảnh: QUỲNH HƯƠNG

Ông Đỗ Xuân Lập, Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam cho biết đến thời điểm này, hơn 50% doanh nghiệp (DN) ngành gỗ phải đóng cửa hoặc giảm sản xuất. Rất nhiều công ty bên bờ vực phá sản khi nguồn thu không có nhưng vẫn phải trả phí thuê mặt bằng, các khoản thuế, phí, lãi suất ngân hàng...

Lo ngại hơn, khách hàng ngoại đang cân nhắc tiếp tục hay dừng nhập hàng Việt Nam. Lý do là các nhà máy lớn đã ngừng cung ứng hàng từ 2-3 tháng nay, buộc bạn hàng phải tìm nguồn thay thế. Nếu điều này xảy ra sẽ gây tác động rất lớn tới chiến lược phát triển ngành gỗ.

Ông Điền Quang Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội Gỗ Bình Dương nói: "Điều đáng mừng là Chính phủ đã có bước ngặt, từ "chống dịch như chống giặc" chuyển hướng "sống chung với dịch". Nhưng làm sao để sống chung an toàn thì có lẽ cần linh hoạt, bám vào thực tiễn để có giải pháp cụ thể".

Theo ông Hiệp, các tín hiệu lúc này cho thấy sau ngày 15-9 tới, TP.HCM và Bình Dương sẽ rục rịch cho hoạt động kinh tế trở lại. Tuy nhiên, với ngành gỗ đang có hai thách thức: Lực lượng lao động chỉ còn 30-40%, tỷ lệ phủ vaccine chưa đáng kể. Trong lúc đó, trong danh sách ưu tiên vaccine, công nhân, người lao động ở vị trí 13/16, gần chót sổ.

"Ưu tiên vaccine như thế có phù hợp với mục tiêu kép mà Chính phủ luôn nói tới không?" - ông Hiệp đặt câu hỏi, đồng thời đề nghị Bộ NN&PTNT kiến nghị các địa phương đưa người lao động ở khu vực sản xuất lên vị trí thứ 8.

Nhiều doanh nghiệp gỗ đang đối diện với nguy cơ phá sản do ảnh hưởng của dịch COVID-19. Ảnh minh họa: CAO CẨM

Phản hồi ngay sau đó, Tổng cục trưởng Lâm nghiệp Nguyễn Quốc Trị cho biết, Thứ trưởng Lê Quốc Doanh đã chỉ đạo Tổng cục Lâm nghiệp hoàn thiện báo cáo, trình Thứ trưởng duyệt để gửi UBND các tỉnh, đề nghị ưu tiên tiêm vaccine sớm cho NLĐ trong ngành chế biến lâm sản, gỗ.

DN lo vật lộn chống dịch, BHXH thì cứ "đòi tiền"

Tiếp mạch phản biện chính sách, Chủ tịch Hiệp hội Gỗ Bình Dương Điền Quang Hiệp cho biết mô hình sản xuất "3 tại chỗ" mà các tỉnh yêu cầu thì thực tế DN chỉ hoạt động được một thời gian ngắn. Lý do là chuỗi cung ứng vật tư, nguyên liệu bị đứt gãy.

Theo ông, dịch bệnh đã làm lộ rõ hơn yếu kém của hệ thống cung ứng: "Lâu nay chúng ta đã nói nhiều đến mô hình cụm công nghiệp tập trung chuyên ngành. Nếu xây dựng được thì thực sự sẽ tạo được chuỗi liên kết dọc, ngang trong nội bộ ngành và cả bên ngoài, giúp giảm ngay chi phí lưu thông vận chuyển".

Ông Lê Xuân Quân, Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và thủ công mỹ nghệ Đồng Nai cho biết những gì mà đồng nghiệp Bình Dương chia sẻ cũng là thực tiễn của tỉnh mình.

"Hiện nay chúng tôi chỉ còn 30-40% DN hoạt động, công suất không quá 50%, mà các ngân hàng vẫn chưa có động thái gì về lãi suất cả, trong khi họ chỉ điều chỉnh giảm một vài phí rất nhỏ mà cũng tuyên truyền ầm ĩ cả lên. Bộ trưởng NN&PTNT nên có kiến nghị để Thống đốc Ngân hàng nhà nước có việc làm thiết thực" - ông Quân bổ sung. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm