Doanh nghiệp FDI muốn tăng trưởng phải chi hoa hồng

“Các doanh nghiệp (DN) trở nên hoài nghi hơn về các quyết định chính sách của chính quyền địa phương, phàn nàn về chính sách đất đai và lao động. Đồng thời, DN cũng tỏ ra ít kiên nhẫn hơn với các trở ngại do thủ tục hành chính gây ra thay vì sẵn sàng bỏ qua những điểm chưa hài lòng về chính quyền như trước đây”. Đó là một trong những đánh giá nổi bật được rút ra từ kết quả khảo sát chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2012 do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) công bố sáng 14-3.

Niềm tin sụt giảm

Ông Đậu Anh Tuấn, Phó Trưởng ban Pháp chế VCCI, đại diện nhóm nghiên cứu, cho biết phản hồi từ cuộc điều tra cho thấy DN trong và ngoài nước đều bày tỏ sự bi quan hơn nhiều về triển vọng kinh doanh. Theo họ, chất lượng điều hành kinh tế đã sụt giảm nghiêm trọng. Sự lạc quan của DN trượt từ mức 76% năm 2006 (trước khi gia nhập WTO) xuống mức kỷ lục 33% năm 2012.

Doanh nghiệp FDI muốn tăng trưởng phải chi hoa hồng ảnh 1

Trao giải thưởng của cộng đồng doanh nghiệp cho đại diện tỉnh Đồng Tháp, tỉnh dẫn đầu PCI năm 2012. Ảnh: TTXVN

Điều này được nhóm nghiên cứu lý giải bên cạnh khó khăn chung của nền kinh tế, một trong những lý do là việc khu vực DN nhà nước lấn át hoạt động của DN tư nhân. Các DN được khảo sát cho rằng DN nhà nước vẫn được ưu đãi khá nhiều trong tiếp cận đất đai, vốn, hợp đồng với Chính phủ. DN tư nhân ở một số tỉnh còn nêu quan ngại về việc DN FDI được đối xử đặc biệt trong tiếp cận đất đai và ưu đãi thuế.

Nhóm nghiên cứu dành một phần khá lớn tập trung phân tích cảm nhận rủi ro của hơn 1.500 DN FDI trước và sau sự kiện bắt giữ ông Nguyễn Đức Kiên (tức bầu Kiên), nguyên Phó Chủ tịch Hội đồng sáng lập Ngân hàng Á Châu, vào ngày 20-8-2012. “Kể từ khi bắt bầu Kiên đến nay chưa bao giờ niềm tin và hiệu quả kinh doanh của DN lại thấp đến như vậy. Chỉ 33% DN FDI có dự định mở rộng hoạt động kinh doanh trong vòng hai năm tới. Lợi nhuận, vốn và quy mô lao động cũng thấp hơn những năm trước. Chỉ trong 20 ngày sau khi sự kiện bầu Kiên, niềm tin của các nhà đầu tư trong và ngoài nước giảm một nửa” - nhóm nghiên cứu nhận định.

Kết quả nghiên cứu cũng cho thấy cảm nhận về rủi ro kinh tế vĩ mô tăng 20% trước và sau sự kiện này. Nếu tính đến ngày cuối cùng của cuộc điều tra thì tỉ lệ rủi ro kinh tế vĩ mô tăng từ 20% lên đến 80%. Theo các DN FDI, sự kiện này là tín hiệu báo trước về rủi ro hợp đồng và chính sách sẽ tăng lên.

Tham nhũng đấu thầu công tăng

Mặc dù kết quả khảo sát cho thấy một tín hiệu đáng mừng là chi phí không chính thức khi giải quyết các thủ tục hành chính có giảm đi nhưng quy mô và phạm vi hối lộ để giành hợp đồng làm ăn với cơ quan chính phủ hoặc DN nhà nước lại gia tăng. Có một sự thay đổi trong hình thức tham nhũng: tham nhũng vặt có giảm bớt nhưng tham nhũng trong đấu thầu công lại tăng lên qua các năm.

“Có đến 41% DN đã trả hoa hồng cho cán bộ có liên quan để giành được hợp đồng với cơ quan nhà nước. Con số này tăng mạnh so với mức 23% của năm 2011. DN quy mô vừa có xu hướng trả hoa hồng nhiều nhất. DN tăng trưởng tốt có xu hướng đưa hối lộ nhiều hơn. Tỉ lệ tham nhũng có xu hướng tăng khi chủ DN có mối quan hệ với cán bộ chính quyền” - nhóm nghiên cứu cho hay.

Trả lời câu hỏi về cách thức tạo dựng mối quan hệ với các quan chức địa phương, nhiều DN cho biết việc mời cán bộ nhà nước ăn tối, giải trí hay sử dụng nhiều hình thức khéo léo để tăng thu nhập ngầm… là khá phổ biến.

Bên cạnh quan ngại về tham nhũng trong đấu thầu công, DN thậm chí còn bi quan hơn trong việc tiếp cận đất đai, chi phí thời gian, tính năng động và sáng tạo của chính quyền tỉnh và thiết chế pháp lý.

Hà Nội đứng gần chót bảng

Trong bảng xếp hạng PCI năm 2012, Đồng Tháp đã lần đầu tiên dẫn đầu bảng, An Giang đứng vị trí thứ hai và thứ ba là Lào Cai. Long An và Bắc Ninh nằm trong nhóm các tỉnh có chất lượng điều hành tốt nhất. Một số tỉnh “ngôi sao” như Bình Dương, Đà Nẵng các năm trước đứng thứ hạng nhất, nhì thì năm nay lại giảm sút rõ rệt, lần lượt ở vị trí 19 và 12.

Tuy không nằm trong nhóm các tỉnh có thứ hạng PCI cao nhưng năm qua TP.HCM đã có sự cải thiện đáng kể, leo lên vị trí 13 từ thứ 20 của năm ngoái. Ngược lại, Hà Nội bị tụt hạng đáng kể, từ vị trí 36 xuống 51.

Đáng chú ý là lần đầu tiên trong tám năm khảo sát PCI, không có tỉnh nào được DN chấm điểm có chất lượng điều hành xuất sắc.

THU HẰNG

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm