Doanh nghiệp ngoại muốn góp vốn: Oải!

Nhiều nhà đầu tư nước ngoài muốn đầu tư, góp vốn vào doanh nghiệp (DN) nhưng khi đến Sở Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) làm thủ tục thì sở bảo chờ xin ý kiến cấp bộ, chờ hướng dẫn về ngành nghề. Chờ mỏi mòn mà không biết khi nào mới được giải quyết thủ tục, nhiều nhà đầu tư nản quá đã bỏ luôn!

Lòng vòng xin ý kiến

Ông Nguyễn Sơn Tùng, luật sư điều hành của Công ty Luật Legal United Law, kể lại trường hợp một nhà đầu tư nước ngoài muốn kinh doanh mua bán phần mềm máy tính. Đến Sở KH&ĐT hỏi thì sở bảo chờ xin ý kiến, chờ hướng dẫn của cấp bộ. Chờ một thời gian thì Bộ KH&ĐT có trả lời rằng kinh doanh ngành nghề này không mâu thuẫn gì với biểu cam kết về thương mại dịch vụ của Việt Nam với WTO (gọi tắt là biểu cam kết). Tuy nhiên, Bộ yêu cầu DN phải hỏi thêm ý kiến của Cục Sở hữu trí tuệ - thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ. Nhà đầu tư thấy thủ tục nhiêu khê quá nên đã bỏ cuộc!

Luật sư NTC, Đoàn Luật sư TP.HCM, kể cuối năm 2009, một Việt kiều muốn góp thêm vốn vào một DN làm đại lý bán vé máy bay. DN đến Sở KH&ĐT làm thủ tục. Sở trả lời rằng ngành nghề “đại lý bán vé máy bay” không nằm trong biểu cam kết nên sở phải xin ý kiến của Bộ KH&ĐT và Bộ Công thương. Khi nào có văn bản phản hồi thì sở sẽ thông báo cho DN.

Doanh nghiệp ngoại muốn góp vốn: Oải! ảnh 1

Tìm hiểu thủ tục đầu tư nước ngoài tại Sở KH&ĐT TP.HCM. Ảnh minh họa: HTD

Luật sư này cho biết nếu chờ sở hỏi bộ, bộ trả lời sở, sở ra thông báo cho DN… thì sẽ rất mất thời gian. Vì vậy mà DN này đành “tự thân vận động”, gửi văn bản đi hỏi hai bộ trên. Bộ Công thương thì nói rằng hoạt động “đại lý bán vé máy bay” không thuộc thẩm quyền xem xét của Bộ và đề nghị DN hỏi “cơ quan quản lý chuyên ngành”. DN này bèn hỏi ý kiến Cục Hàng không Việt Nam. Cục này trả lời rằng các quy định trong nước không hạn chế nhà đầu tư nước ngoài tham gia kinh doanh ngành nghề này. Sau đó, Bộ KH&ĐT mới có văn bản đưa ra ý kiến chấp thuận và yêu cầu DN thực hiện các thủ tục khác về chuyển nhượng, góp vốn...

Cần rút gọn hướng dẫn

Luật sư NTC cho biết lòng vòng mất gần năm tháng để xin ý kiến, đến đây DN mới thở phào! Thở đấy là để… lấy hơi tiếp tục chờ hướng dẫn các thủ tục khác chứ “đoạn trường” chỉ mới qua được một phần mà thôi.

Ông Nguyễn Sơn Tùng cho biết quy định pháp luật có vấn đề chứ không phải là cách hành xử hay cách hiểu khác nhau của cơ quan công quyền trong việc giải quyết thủ tục. Các quy định không rõ ràng, không đầy đủ, thiếu cập nhật… đã khiến cơ quan cấp sở không dám thực hiện thủ tục, cứ phải hỏi ý kiến, chờ hướng dẫn từ cấp bộ, kéo dài thời gian giải quyết hồ sơ, khiến DN mất nhiều cơ hội kinh doanh.

Một luật sư khác khẳng định đa số hồ sơ đăng ký mà ngành nghề đã có quy định rõ trong biểu cam kết thì không cần qua khâu xin ý kiến nhưng các hồ sơ liên quan đến ngành nghề nằm ngoài biểu cam kết thì đều phải “xin ý kiến”. Nếu như cơ quan quản lý thiết lập một cơ sở dữ liệu về các trường hợp đã từng phải xin ý kiến hướng dẫn và áp dụng kết quả đó cho những trường hợp có nội dung tương tự đăng ký sau thì rất đỡ thời gian chờ cho DN.

May sao, mới đây Bộ KH&ĐT đưa ra dự thảo nghị định hướng dẫn Luật Đầu tư, thay thế cho Nghị định 108/2006. Trong đó có quy định là sở cấp phép đầu tư mà không cần lấy ý kiến các cơ quan có liên quan nếu lĩnh vực đầu tư không thuộc lĩnh vực cấm hoặc lĩnh vực có điều kiện. Trường hợp nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vào các ngành, phân ngành dịch vụ “chưa cam kết” hoặc không được liệt kê cụ thể tại biểu cam kết thì cấp sở cũng xem xét điều kiện đầu tư trong các quy định trong nước, các điều ước... để cấp phép hoặc không.

QUỲNH NHƯ

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm