Doanh nghiệp nội dung SMS "tố" các mạng di động chèn ép

Dịch vụ nội dung số trên nền di động đã tham gia vào nhiều lĩnh vực, từ nội dung giải trí tới thông tin tài chính, chứng khoán...

Dịch vụ nội dung số trên nền di động đã tham gia vào nhiều lĩnh vực, từ nội dung giải trí tới thông tin tài chính, chứng khoán...

Theo nội dung CLB các doanh nghiệp Game và CP kiến nghị về việc các doanh nghiệp viễn thông, thông tin di động (Telco) đang áp dụng chính sách chia sẻ chi phí khuyến mại đối với các CP một cách bất hợp lý.

Điển hình như theo công thức chia sẻ chi phí khuyến mại và chính sách khuyến mại do MobiFone áp dụng để ăn chia cước dịch vụ nội dung với CP, khi triển khai thực tế các CP phải đối mặt với việc chi trả cho khoản chi phí khuyến mại cao hơn cả phần doanh thu mà các CP được hưởng.

Hậu quả là sau khi cung cấp dịch vụ nội dung cho các thuê bao của MobiFone, xét theo tổng mức chia sẻ khuyến mại trong tháng, có CP đã phải gánh 136% chi phí khuyến mại so với doanh thu mà CP được hưởng. Như vậy doanh thu của CP còn lại sau khi trừ đi chi phí chia sẻ khuyến mại là con số âm.

Đã có trường hợp thay vì việc CP xuất hoá đơn thanh toán để MobiFone chi trả phí dịch vụ nội dung sau khi hai bên đối soát số liệu về sản lượng SMS, thì MobiFone lại xuất ngược hoá đơn sang yêu cầu CP thanh toán vì đã... cung cấp dịch vụ nội dung cho các thuê bao của mạng di động này.

Còn nếu xét theo riêng từng loại thuê bao thì cá biệt với nhóm thuê bao hoà mạng mới, có CP đã phải chịu mức chi phí chia sẻ khuyến mãi lên tới 340% so với mức doanh thu CP được hưởng. Như vậy, MobiFone càng khuyến mãi, khách hàng càng sử dụng dịch vụ nội dung trên SMS thì CP càng bị lỗ nặng.

Vì sao phải chia sẻ khuyến mại?

Xuất phát từ "phong trào" khuyến mại hoà mạng mới và nhân tiền nạp vào tài khoản rầm rộ của các Telco nhằm thu hút thuê bao trong các năm 2006-2007, dẫn tới tình trạng "lạm phát" tiền ảo, tức tiền khuyến mãi lớn hơn nhiều lần so với số tiền thật mà chủ thuê bao bỏ ra để mua SIM hoặc nạp thẻ cào. Lợi dụng tình trạng này, đã xuất hiện một vài trường hợp biến tướng của CP đi mua SIM card mới về cho nhân viên hoà mạng và nhắn SMS liên tục theo cú pháp sử dụng dịch vụ của CP đó. Kết quả là số tiền CP được Telco ăn chia còn lớn hơn cả chi phí đi mua SIM card mới.

Để ngăn chặn hiện tượng CP biến tướng này, các Telco đã đề ra các biện pháp như chia đôi tài khoản (do MobiFone khởi xướng) hay chia sẻ chi phí khuyến mại (do Viettel khởi xướng). Với biện pháp chia đôi tài khoản, các thuê bao sẽ có 2 tài khoản gồm: 1 tài khoản khuyến mại (tài khoản ảo) chỉ được gọi và nhắn tin nội mạng, 1 tài khoản thật cho phép gọi và nhắn tin sang các mạng khác (liên mạng) và sử dụng dịch vụ nội dung SMS của các CP.

Cách làm này giúp ngăn chặn được việc dùng cước khuyến mại để sử dụng dịch vụ nội dung SMS, và CP cũng được hưởng tỉ lệ ăn chia doanh thu lớn nhất, khoảng 65% mức cước các thuê bao di động trả cho dịch vụ nội dung, còn Telco lấy chi phí đường truyền khoảng 30%, và 5% còn lại cho tỉ lệ thất thoát do trả nội dung tin nhắn không thành công.

Ban đầu, Viettel không áp dụng hình thức chia đôi tài khoản vì muốn kích cầu sử dụng và thu hút thuê bao, nên cho phép tài khoản khuyến mãi cũng có thể gọi liên mạng và sử dụng dịch vụ nội dung SMS của CP. Tuy nhiên, Viettel đưa ra chơ chế "chia sẻ chi phí khuyến mại", theo lý lẽ mạng di động này đã phải bỏ ra một tỉ lệ chi phí khuyến mại nhất định so với doanh thu thực tế từ thu cước và bán SIM, thẻ cào, nên các CP cũng phải cùng chịu tỉ lệ này trong tổng doanh thu được ăn chia từ cước dịch vụ nội dung SMS.

Thoạt nghe có vẻ hợp lý, nhưng nếu phân tích kỹ hình thức này sẽ thấy CP là người chịu thiệt rất nhiều, vì với một bộ SIM card hoà mạng mới giá 50.000đ, hoà mạng có tài khoản 120.000đ, CP chỉ được nhận tỉ lệ doanh thu là 50/120 = 41% tổng số doanh thu sau khi đã trừ phí đường truyền (tức khoảng 65% tổng số cước thuê bao trả). Tỉ lệ chia sẻ khuyến mại là 70/120 = 59%, CP sẽ phải trích từ lợi nhuận được hưởng để trả lại cho Telco.

Tuy nhiên nếu vẫn với bộ SIM card giá 50.000đ đó, nếu Telco tăng khuyến mãi hoà mạng mới lên mức 180.000đ như hiện tại, thì dù chưa có gì để đảm bảo các thuê bao sẽ tăng cường sử dụng dịch vụ nội dung SMS của CP hơn, nhất là đối với những CP có sản lượng thấp, nhưng chắc chắn các CP đều sẽ phải trích lợi nhuận để trả lại cho Telco theo một tỉ lệ cao hơn, là 130/180 = 72%.

Dó đó, có thể hiểu đơn giản rằng với hình thức chia sẻ khuyến mại, nếu Telco càng khuyến mại nhiều, thì CP càng bị trừ lợi nhuận nhiều hơn để chịu chi phí chia sẻ khuyến mại cho Telco, còn Telco thì chắc chắn tăng trưởng doanh thu cao hơn nhờ khuyến mãi kích cầu.

Để ngành công nghiệp nội dung số trên nền di động của Việt Nam phát triển được, cần có những cơ chế hỗ trợ và bảo vệ quyền lợi chính đáng của các nhà cung cấp dịch vụ nội dung.

Để ngành công nghiệp nội dung số trên nền di động của Việt Nam phát triển được, cần có những cơ chế hỗ trợ và bảo vệ quyền lợi chính đáng của các nhà cung cấp dịch vụ nội dung.

"Chèn ép" đủ đường

Cũng trong nội dung văn bản đề nghị Hiệp hội VINASA về lĩnh vực nội dung số, các CP cũng nêu lên những vấn đề bị đối xử bất bình đẳng do Telco áp đặt, chẳng hạn như các văn bản thông báo thay đổi chính sách mà các Telco áp dụng đối với các CP thường được thông báo hoặc gửi đến cho các CP chậm hơn so với tháng phát sinh số liệu rất nhiều. Điều này đã ảnh hưởng đến doanh thu phân chia giữa hai bên, đẩy các CP vào thế vô cùng bị động và bất lợi.

Việc khuyến mại quá ồ ạt của các Telco cũng bị các CP "tố" trong công văn là không phù hợp với tinh thần của Luật Thương Mại và Nghị định 37 của Luật này về “Mức giảm giá tối đa đối với hàng hoá, dịch vụ được khuyến mại không được vượt quá 50% giá hàng hoá, dịch vụ đó ngay trước thời gian khuyến mại”. Nhưng thực tế đối với loại hình thuê bao hòa mạng mới trả trước của MobiFone có CP đã phải gánh chi phí khuyến mại trên 180% so với doanh thu được hưởng, khiến doanh thu còn lại của CP bị âm.

Theo nội dung CP phản ánh với VietNamNet, việc thay đổi hình thức tính và cách tính phân chia doanh thu cũng hoàn toàn do các Telco áp đặt CP phải theo chứ không hề có sự trao đổi, thoả thuận thống nhất giữa hai bên. Điển hình như việc cuối tháng 12/2008, MobiFone tuyên bố thay đổi từ hình thức chia đôi tài khoản sang chia sẻ chi phí khuyến mãi và áp dụng công thức tính tỉ lệ mới cho các sản lượng, doanh thu của CP bắt đầu từ... tháng 10/2008, tức là trước khi tuyên bố 3 tháng.

Còn với Viettel, bắt đầu từ ngày 01/01/2009, Viettel thực hiện việc ngừng áp dụng cơ chế chia sẻ khuyến mại, đồng thời thay đổi chính sách phân chia doanh thu mới. Nhưng các CP chưa kịp phấn khởi thì đã phải đối mặt với vấn đề nan giải là sự thay đổi tỷ lệ ăn chia, cụ thể là tỷ lệ % mà Viettel "đòi" được hưởng sẽ tăng lên gấp đôi so với tỷ lệ trước đây.

Các CP cũng phản ánh việc thanh toán doanh thu phân chia cước dịch vụ của họ thường xuyên bị các Telco thực hiện quá chậm trễ so với thoả thuận trong hợp đồng. Có trường hợp với CP không có sản lượng cao, phải tới vài tháng Telco mới tiến hành đối soát số liệu để làm thanh toán, và sau khi ký đối soát xong cũng phải hàng tháng sau CP mới được chuyển tiền.

Chưa hết, các CP còn kêu về việc các Telco như Viettel, MobiFone áp dụng tỉ lệ phí thu hộ cước 2%, hay MobiFone tự ý giữ lại 5% doanh thu phân chia phát sinh từ các thuê bao trả sau với lý do để bù đắp chi phí nợ đọng cước. Cá biệt, một số CP bị thất thoát cước với tỉ lệ cao do hệ thống chất lượng dịch vụ từ các Telco. Điển hình là đối với Viettel, có CP đã bị thất thoát cước gần 100% sản lượng/tháng.

Với những kiến nghị nêu trên trong văn bản kiến nghị, các CP mong Hiệp hội phần mềm VINASA, Bộ TT&TT và các Bộ liên quan xem xét, can thiệp điều chỉnh kịp thời để bảo vệ quyền lợi chính đáng của họ, thúc đẩy sự phát triển của ngành công nghiệp nội dung số trong kỷ nguyên công nghệ 3G, tránh đẩy các CP vào tình cảnh "càng làm càng lỗ" dẫn tới nguy cơ phá sản vì bị Telco chèn ép.

Theo Bình Minh (VNN)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm