Doanh nghiệp Trung Quốc, Ấn Độ… nhảy vào dệt may Việt Nam

Tại tọa đàm trực tuyến về ngành dệt may khi Việt Nam gia nhập Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) do báo Diễn Đàn Doanh Nghiệp tổ chức ngày 23-3, ông Trương Văn Cẩm, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam, cho biết: Dệt may đối với các nước TPP là một ngành có lợi ích rất lớn. So với 11 nước trong TPP, Việt Nam có trình độ tương đối thấp nhưng vẫn lấy ngành dệt may, da giày làm lợi ích cốt lõi để tham gia TPP.

Theo ông Cẩm, hiệp định TPP giúp ngành dệt may tăng trưởng xuất khẩu. Riêng ngành dệt may, kim ngạch xuất khẩu vào thị trường TPP hiện nay chiếm tới 65% của dệt may cả nước (Năm 2015 đạt gần 15 tỉ USD, trong đó Mỹ 11 tỉ, Nhật Bản 2,8 tỉ).

Khi thuế suất về 0%, các DN dệt may sẽ tăng hiệu quả sản xuất kinh doanh và khả năng cạnh tranh, dự báo kim ngạch xuất khẩu vào TPP trong những năm tới có thể tăng 15%-20%/năm.

 Ngoài ra, ngành dệt may cũng sẽ tạo việc làm, giải quyết vấn đề lao động, nhất là lao động nông thôn, do lao động dệt may không đòi hỏi nhiều lao động lành nghề, kỹ năng cao như một số ngành khác. Hơn nữa, ngành dệt may cũng có thể thu hút đầu tư nước ngoài và cải cách thể chế.

Ông Vương Đức Anh, Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương, cho rằng: Với quy tắc xuất xứ và ưu đãi thuế 0%, các DN dệt may Việt Nam sẽ tìm ra được cơ hội tốt, vì đối với nguồn cung thiếu hụt, các DN sẽ điều chỉnh thêm thành phần vào sợi vải để hưởng lợi từ TPP.

Ngoài ra, TPP cho phép các nước thành viên có thể sử dụng nguyên liệu xuất xứ của các nước thành viên để thúc đẩy nội khối phát triển và ngành dệt may có thể phát triển bền vững, tham gia được vào chuỗi cung ứng toàn cầu.

Trong khi đó, ông Lê Chí Hiếu, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Phát triển nhà Thủ Đức (Thuduc House), cho hay thời gian qua, nhiều DN đến từ Đài Loan, Hàn Quốc, Ấn Độ, Trung Quốc đã xây dựng hàng loạt nhà máy sản xuất sợi tại Việt Nam nhằm đón làn sóng dịch chuyển của các nhà sản xuất vải và tận dụng lợi thế về thuế từ các điều khoản của TPP.

Các công ty thuộc Tập đoàn Dệt may Việt Nam cũng đang “chạy đua” đầu tư, xúc tiến hợp tác với các tập đoàn từ Nhật Bản, Đài Loan để đẩy nhanh tiến độ xây dựng nhà máy sản xuất nguyên phụ liệu sợi phục vụ cho ngành dệt may.

Trong bối cảnh đó, Thuduc House cho biết đã ký kết hợp tác toàn diện với Công ty CP Dệt may Liên Phương nhằm cung cấp nguyên phụ liệu dệt may đón đầu cơ hội từ TPP. Theo đó hai bên xây dựng các nhà máy trong dây chuyền sản xuất vải len, sợi, dệt, hoàn tất và may bắt đầu hoạt động từ tháng 3-2016 tại quận 9, TP.HCM cung cấp vải len thành phẩm may veston cao cấp xuất sang châu Âu, Mỹ, Nhật Bản… Đồng thời hai bên sẽ hợp tác phát triển dự án Khu đô thị dệt may tại Nam Định, hoàn thành vào 2020. Công ty cũng hợp tác với quỹ đầu tư Pavo Capital (Vương Quốc Anh) nhằm đảm bảo nguồn vốn ổn định cho các dự án này.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm