Doanh nhân hái quả ngọt nhờ dám thay đổi

Từ đầu tháng 10 vừa qua, TP.HCM và nhiều địa phương đã nới lỏng giãn cách, giúp các doanh nghiệp (DN) tái khởi động sản xuất, kinh doanh. Trong bối cảnh phục hồi hậu đại dịch, các DN đang nỗ lực thay đổi, tái cấu trúc để thích ứng với bối cảnh bình thường mới.

Buộc phải thay đổi

Nhiều chủ DN thừa nhận thay đổi ra sao để tìm cơ hội phục hồi trong bối cảnh bình thường mới là một bài toán không hề đơn giản, nhất là trong điều kiện đã cạn kiệt dòng tiền và bị bào mòn sức chống chịu giữa dịch bệnh COVID-19. Tuy vậy, thách thức luôn song hành cùng cơ hội, nhờ quyết liệt tái cấu trúc nên nhiều công ty đã hái quả ngọt.

Ông Lê Trí Thông, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Vàng bạc đá quý Phú Nhuận (PNJ), nhận xét rằng rất nhiều công ty nghĩ thay đổi, tái cấu trúc sẽ gặp nhiều khó khăn nên buông xuôi hoặc vội chuyển hướng chiến lược. Trong khi chiến lược quan trọng nhất là “suy nghĩ không cũ cho những vấn đề không mới”.

Một sàn thương mại điện tử ứng dụng robot vào sắp xếp, vận chuyển… hàng hóa nhằm tiết giảm chi phí. Ảnh: TRÚC ĐOÀN

Bán hàng 3D

Các DN gỗ thuộc Hội Mỹ nghệ và chế biến gỗ TP.HCM đã áp dụng cách làm mới trong bán hàng thông qua triển khai triển lãm trực tuyến 3D. Qua đó đã giúp DN tiếp cận được rất nhiều khách hàng, đặc biệt là các khách hàng quốc tế

“Ví dụ, phải coi chuyển đổi số là con đường tối quan trọng trong cuộc đua tái tạo sau dịch COVID-19. Thêm vào đó, những đơn vị nào chuyển đổi công nghệ sớm thì sẽ đón được “nhiều ánh sáng mặt trời” và hái quả ngọt nhiều hơn” - ông Thông nhấn mạnh.

Tự nhận mình là người lạc quan nhưng theo ông Hoàng Nam Tiến, Chủ tịch FPT Telecom, ảnh hưởng của dịch COVID-19 lên cộng đồng DN Việt khá nặng nề. Để vượt qua khó khăn, ông và đội ngũ công ty phải làm việc nhiều hơn, giải quyết nhiều bài toán khó khăn hơn thay vì chuyển sang trạng thái ngủ đông như nhiều đơn vị khác.

Chủ tịch FPT Telecom nhấn mạnh: “Mỗi công ty phải xây dựng được hệ sinh thái cho mình, không chỉ bán lẻ, sản xuất mà cả phân phối, viễn thông, tài chính. Người dẫn đầu công ty phải có tư duy doanh nhân đặc biệt và phải có lòng tin sắt đá là mình sẽ làm được mọi việc. Ai ứng dụng công nghệ tốt hơn, người đó sẽ chắc thắng”.

Thực tế, ngay cả tập đoàn lớn như Thế Giới Di Động (MWG) cũng phải tái tạo sau dịch. Để ứng phó với gần 2.000 cửa hàng thuộc chuỗi Điện Máy Xanh và chuỗi cửa hàng MWG tạm đóng cửa trong quý III, công ty này đã đưa ra chính sách cắt giảm triệt để chi phí hoạt động. Đáng chú ý, trong tháng 9 vừa qua, dù sở hữu hai website được truy cập nhiều nhưng tập đoàn vẫn quyết định đưa cửa hàng lên các sàn thương mại điện tử.

Nói về quyết định này, ông Đoàn Văn Hiểu Em, Tổng giám đốc MWG, lý giải: “Dù đang sở hữu các website bán hàng mạnh nhưng với chúng tôi, như thế vẫn chưa đủ bao phủ hết lượng khách hàng tiềm năng còn rất lớn. Vì vậy, việc hợp tác với đơn vị khác là cơ hội để chúng tôi tiếp cận đến nhiều khách hàng hơn nữa”.

Con đường mới hậu đại dịch

So sánh mỗi công ty như một xe đua công thức 1 trên đường đua, ông Nguyễn Thái Phiên, Phó Tổng giám đốc đầu tư và tài chính Tập đoàn NovaGroup, cho rằng tại mỗi khúc cua, tài xế phải tự tìm kiếm cơ hội để bứt phá. Ông dẫn chứng tập đoàn của ông đang tiếp tục tái cấu trúc trong bối cảnh bình thường mới.

Đầu tiên, tập đoàn chuyển đổi công nghệ để thay đổi những tập quán làm việc cũ, cắt bỏ những phần thừa để nhẹ bớt và tiến nhanh hơn. Thứ hai, cố gắng cộng sinh với các DN nhỏ hơn. Đối với nhà thầu, nhà cung cấp thì thiết lập mối quan hệ bền chặt hơn để giảm bớt quy trình. Ngoài ra, DN cũng cần “liều vaccine” là tiềm lực tài chính, cơ cấu doanh thu, cơ cấu lợi nhuận để bền vững hơn.

“Tuy nhiên, ngoài chuyện tái cấu trúc, các DN cần thận trọng trước những “cái bẫy” trên con đường sản xuất, kinh doanh, đó là ôm đồm nhiều thứ và rời xa giá trị cốt lõi của mình là phục vụ khách hàng” - ông Sơn lưu ý.

Trong khi đó, Chủ tịch FPT Telecom Hoàng Nam Tiến cho rằng có bốn yếu tố trọng điểm để nhà sản xuất, kinh doanh có thể chuyển mình sau đại dịch. Thứ nhất, cần chuyển từ quản trị DN qua chỉ huy DN. Bởi hiện tại các DN Việt không có thời gian chờ nhiều nữa nên cần có các mệnh lệnh, chỉ đạo hệ thống thay đổi ngay.

Thứ hai, DN nào ứng dụng công nghệ sẽ nhanh chóng trở thành DN xanh để ứng phó với dịch. Thứ ba là tăng năng suất lao động, nghĩa là từ quản lý đến nhân viên phải tiếp tục chiến đấu cùng nhau để đạt được mục tiêu chung. Cuối cùng cũng là quan trọng nhất, người lãnh đạo phải là người biết nhìn xa trông rộng, có năng lực nhìn thấy tương lai và lèo lái con thuyền DN đi đúng đường.

Đại diện một công ty khác mách nước rằng dịch vụ khách hàng chính là giải pháp cho các DN hậu đại dịch. “Chúng ta không chỉ bán sản phẩm mà bán cả trải nghiệm mua hàng. Ví dụ, với ngành hàng trang sức, hình thức mua bán online không thể thay thế được hình thức mua bán offline, vì trải nghiệm khách hàng rất đặc biệt. Nó cá nhân hóa được khách hàng” - vị đại diện công ty cho biết.

Đồng ý với nhận định trên, Tổng giám đốc PNJ Lê Trí Thông cho rằng trong thời buổi công nghệ, chắc chắn tỉ trọng mua sắm online sẽ tăng, hành vi khách hàng cũng khác và biến động liên tục. Như vậy, DN phải làm sao thay đổi cho kịp, mà vẫn theo đuổi cốt lõi phục vụ, mang đến giá trị cho khách hàng. Mặt khác, không phải ngành nào cũng 100% online được mà phải cân bằng giữa online và offline.

Cái bẫy lớn nhất là sự thỏa mãn

Ông Nguyễn Thái Phiên tin rằng đại dịch COVID-19 không hạ gục được cộng đồng DN Việt, vì vậy “mặt trời” sẽ chiếu sáng tất cả ngành nghề sau đại dịch. Tuy vậy, ông lưu ý một trong những “cái bẫy” lớn nhất là khi ban lãnh đạo DN thỏa mãn với những gì mình đã làm được.

“DN phải duy trì sự khát khao, chiến đấu của từng người trong bộ máy. Cái bẫy lớn nhất vẫn là sự thỏa mãn, đó là sợi dây kéo mình lại nhiều nhất” - ông nói. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm