Đổi gạo Việt Nam lấy điều châu Phi

Đề án đổi gạo lấy điều với một số nước châu Phi đang được Hiệp hội Điều Việt Nam (Vinacas) xúc tiến và dự định sẽ trình lên Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), Bộ Công thương. Nếu đề án được thông qua, doanh nghiệp điều phần nào thoát qua được cơn khủng hoảng về nguyên liệu cùng với việc thị trường xuất khẩu gạo sẽ được rộng mở.

Bỏ bớt chi phí trung gian

Ông Nguyễn Văn Chiểu, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Chế biến hàng xuất khẩu Lafooco (Long An), cho biết ý tưởng đổi điều lấy gạo xuất phát từ nhu cầu của doanh nghiệp hai bên trong những lần ông và đồng nghiệp sang châu Phi tìm đối tác.

Hiện Long An có hơn 30 doanh nghiệp chế biến hạt điều xuất khẩu, đạt kim ngạch xuất khẩu khoảng 100 triệu USD/năm. Để đủ nguồn hạt điều nguyên liệu, các doanh nghiệp phải nhập khẩu từ Campuchia và các nước thuộc khu vực châu Phi khoảng 50.000 tấn/năm. Tuy nhiên, do phải thông qua các công ty trung gian tại Ấn Độ, Singapore nên giá mua vào rất cao so với giá gốc.

Trong khi đó, các nước xuất khẩu hạt điều thô ở châu Phi như Bờ Biển Ngà, Mozambique, Nigeria, Tanzania... lại có nhu cầu nhập khẩu gạo với số lượng khá lớn. Ông Nguyễn Đức Thanh, Quyền Chủ tịch Vinacas, cho biết thời gian gần đây rất nhiều doanh nghiệp châu Phi sang Việt Nam để tìm đối tác nhập khẩu gạo. Trong những lần tiếp xúc đó, doanh nghiệp châu Phi đều đặt vấn đề đổi gạo lấy điều.

Hiện tại, Vinacas cũng đã tìm được những đối tác từ châu Phi có nhu cầu đổi điều lấy gạo, chủ yếu đến từ các nước như Bờ Biển Ngà, Mozambique, Nigeria, Tanzania...

Việc đổi gạo lấy điều sẽ giúp doanh nghiệp giảm bớt chi phí đầu vào khi cắt bỏ được nhiều lớp trung gian. Chỉ riêng chi phí vận chuyển sẽ giảm tới 30% so với trước. Trước đây, doanh nghiệp điều thường mua nguyên liệu phải thông qua trung gian, phần lớn là môi giới đến từ Ấn Độ, Singapore. Vì vậy mỗi tấn điều được nhập về, doanh nghiệp phải trả cho các nhà môi giới 70-100 USD/tấn.

Cần hỗ trợ của nhà nước

Trong đề án gửi lãnh đạo tỉnh Long An và Sở Công thương Long An, ông Nguyễn Văn Chiểu, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Chế biến hàng xuất khẩu Lafooco, cho rằng để đề án thành công thì dứt khoát phải có sự hỗ trợ từ cơ quan chức năng của tỉnh, Chính phủ. Về phía tỉnh cần phải có sự chỉ đạo các công ty lương thực hỗ trợ doanh nghiệp điều trong việc thu mua gạo và điều tiết quyền lợi những doanh nghiệp có trách nhiệm tham gia đề án. Về phía Chính phủ cần kết nối với chính phủ các nước châu Phi nhằm hỗ trợ doanh nghiệp trong nước kết nối doanh nghiệp. Chính phủ của hai nước phải ký kết một hiệp định song phương về thương mại. Ngoài ra, để việc thanh toán được đảm bảo thì cần phải có sự tham gia bảo lãnh của hệ thống ngân hàng từ phía hai nước.

Cuối tháng 3 vừa qua, Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng có buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Long An. Ông Hoàng đã đồng ý và hứa sẽ tạo mọi điều kiện hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện. Trước mắt, Bộ Công thương sẽ chỉ đạo tham tán thương mại Việt Nam tại châu Phi tìm hiểu nhu cầu thị trường cũng như kết nối doanh nghiệp.

Trong đầu tuần tới, tại Long An, Sở Công thương tỉnh sẽ họp với doanh nghiệp gạo, điều để bàn chi tiết của đề án để từ đó Sở sẽ có đề xuất cụ thể với cơ quan cấp trên nhằm hỗ trợ, giúp đỡ doanh nghiệp.

TRUNG HIẾU

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm

ĐHĐCĐ 2024 Tập đoàn GELEX diễn ra thành công

ĐHĐCĐ năm 2024 Tập đoàn GELEX diễn ra thành công

(PLO)- Sáng 28-3, Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên năm 2024 của Công ty cổ phần Tập đoàn GELEX đã diễn ra tại Hà Nội. Với sự đồng thuận và nhất trí cao, Đại hội đã thông qua toàn bộ các báo cáo, tờ trình và nhiều nội dung quan trọng khác.

Giá vàng miếng SJC bất ngờ 'nóng' trở lại

Giá vàng miếng SJC bất ngờ 'nóng' trở lại

(PLO)- Thị trường vàng trong nước có phiên tăng giá thứ hai liên tiếp. Đáng nói là trong khi vàng nhẫn tăng không đáng kể thì vàng miếng SJC lại có bước nhảy vọt, vượt mốc 81 triệu đồng/lượng.