Đối phó với"bẫy"của thương nhân Trung Quốc

GS-TS Bùi Chí Bửu, Viện trưởng Viện Khoa học Kỹ thuật Nông nghiệp miền Nam (ảnh), cho hay việc thương nhân Trung Quốc tranh mua hàng nông sản chưa hẳn tín hiệu vui cho ngành nông nghiệp.

Nguy cơ thao túng thị trường

. Ông nhìn nhận thế nào việc thời gian gần đây thương nhân Trung Quốc vào nước ta thu gom hàng nông sản và doanh nghiệp (DN) trong nước bất lực đứng nhìn?

Đối phó với"bẫy"của thương nhân Trung Quốc ảnh 1
+ Rõ ràng Trung Quốc đã có một chính sách rất lớn trong vấn đề này. Theo tôi biết, có khả năng họ mua một tập đoàn của nước ngoài đang chi phối phần lớn thị trường thịt heo và thức ăn chăn nuôi của VN. Sau đó họ nhắm tới các công ty chuyên về nông sản khác nữa. Trung Quốc đang có chính sách kinh tế với nước ta giống như trước đây từng làm ở Thái Lan, Malaysia. Việc mua nông sản giá cao thông qua đường tiểu ngạch như vừa qua nằm trong chính sách của họ. Thương nhân Trung Quốc đẩy giá lên mua hết, rồi xuất qua đường tiểu ngạch. Điều đáng nói là họ mua bán nhưng thường không đóng thuế đầy đủ.

. Vậy việc ồ ạt thu mua nông sản như vừa qua về lâu dài không tốt cho nền kinh tế?

+ Rất không tốt vì lâu dài họ sẽ thao túng giá nông sản trong nước. Điều đáng chú ý là thương nhân Trung Quốc chỉ thích mua tiểu ngạch chứ không ký nghị định thư. Và như thế, khi có sự cố thì nông dân mình là người lãnh đủ. Đã có năm mặt hàng rau quả chất cả đống ở cửa khẩu. Hay có năm thương nhân Trung Quốc chỉ mua móng chân trâu. Chỉ trong thời gian ngắn, tổng đàn trâu của VN giảm mạnh và sau đó không thể phát triển.

. Trước đây thương nhân Trung Quốc chỉ mua vài mặt hàng nhưng hiện nay hầu như mặt hàng nông sản nào họ cũng mua. Như vậy rõ ràng thị trường có nhu cầu?

+ Thương nhân Trung Quốc mua có chọn lọc chứ không phải bất cứ mặt hàng nào cũng mua đâu. Tốc độ phát triển kinh tế của Trung Quốc đang rất nóng, tăng tới 8%/năm. Do vậy, nguyên liệu bị thiếu hụt rất nghiêm trọng và VN là thị trường béo bở. Nhưng điều đáng nói Trung Quốc chưa bao giờ ký nghị định thư với ta mà chỉ thích mua theo đường tiểu ngạch.

Đối phó với"bẫy"của thương nhân Trung Quốc ảnh 2

DN trong nước đang vã mồ hôi đối phó với việc thương nhân Trung Quốc tăng cường thu mua nguyên liệu thủy sản. Ảnh: Q.TRUNG

Phải cam kết mua lâu dài

. Qua sự việc này bộc lộ sự yếu kém của DN trong nước?

+ Phải thừa nhận rằng DN Trung Quốc tổ chức hệ thống đại lý nhỏ rất giỏi. Còn DN của ta lại quá yếu trong khâu này. Do đó, hàng nông sản ra thị trường phải qua bao nhiều tầng nấc, trung gian. Cái hay khi có sự cạnh tranh của DN Trung Quốc thì DN mình phải xem xét kế hoạch kinh doanh đã hợp lý chưa. Trước nay DN trong nước chỉ toàn ăn phần ngọn mà không lo phần gốc. Người nông dân từng rất khổ sở vì sự làm ăn thiếu bài bản của DN trong nước.

. Theo ông, khi giao thương với các DN Trung Quốc, điểm gì mà Nhà nước và DN mình nên lưu ý?

+ Trong làm ăn với VN, Trung Quốc luôn có những chính sách căn cơ, lâu dài chứ không đơn giản, ăn xổi ở thì như nhiều người nghĩ. Hiện VN đã gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) nên muốn cấm họ mua cũng không được. Muốn làm ăn lâu dài, Nhà nước phải yêu cầu Trung Quốc ký nghị định thư cam kết mua mặt hàng nông sản của VN qua các năm như các nước châu Âu, Mỹ đã làm. Tuy nhiên, 15 năm qua, việc đàm phán không thành công.

. Xin cảm ơn ông.

Chưa tận dụng hết cam kết WTO

Trước đây VN từng cấp phép cho DN đầu tư trồng cây hồi và xây dựng nhà máy chế biến tinh dầu hoa hồi. Tuy nhiên, sau đó DN nước ngoài nhảy vào mua hết hoa khiến nhà máy phải đóng cửa vì thiếu nguyên liệu. Sau đó họ lại không mua nữa khiến nông dân "chết đứng".

Về lâu dài, việc DN Trung Quốc tranh mua nông sản dẫn đến nhiều hệ quả không tốt cho nông nghiệp trong nước. Được giá thì họ tranh mua, còn khi rớt giá không thấy đâu. Đây là hiện tượng cần được phân tích kỹ để có hướng xử lý lâu dài chứ không nên vì lợi trước mắt.

Hiện sự liên kết giữa DN và DN, giữa DN với nông dân rất yếu. Nhà nước phải có chính sách liên kết các đối tượng này. Ngoài ra, Nhà nước phải hỗ trợ nhiều hơn nữa cho nông nghiệp. Cần lưu ý là cam kết WTO cho phép hỗ trợ 10% cho nông nghiệp nhưng hiện mới ta mới sử dụng khoảng 2%-3%. Ngoài ra, khi gia nhập WTO, ta được phép không mở cửa hết trong lĩnh vực nông nghiệp. Theo đó DN có vốn đầu tư nước ngoài được cấp phép xuất khẩu không được lập cơ sở thu mua hàng trực tiếp.

Ông LƯƠNG VĂN TỰ, nguyên Thứ trưởng Bộ Thương mại, Trưởng đoàn đàm phán về WTO của VN

TRUNG HIẾU

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm