Đòn quyết định của EVN

Ông bộ trưởng lên tiếng khẳng định việc tăng giá của EVN là hợp lý, rằng lỗ của EVN có nguyên nhân từ việc EVN phải thực hiện mục tiêu đảm bảo an sinh xã hội chứ không liên quan đến việc quản trị doanh nghiệp… Liệu lập luận của bộ trưởng có thỏa đáng? Pháp Luật TP.HCM xin giới thiệu góc nhìn của GS-TS Trần Ngọc Thơ về vấn đề này.

Trong cuộc đối thoại trực tuyến với người dân ngày 6-1, đề cập về chuyện lỗ của ngành điện, Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng tự tin tuyên bố: “Tôi xin khẳng định rằng đây là lỗ chính sách và lỗ này không liên quan đến quản trị doanh nghiệp (DN) của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN). Nếu họ thực hiện đúng và thực hiện đúng cơ chế giá thị trường thì không có câu chuyện lỗ như vừa rồi”. Theo Bộ trưởng Hoàng, đây là lỗ chính sách, tức là thua lỗ do EVN còn đảm nhiệm thêm cả mục tiêu an sinh xã hội, chứ không phải lỗ do quản trị DN.

Quản trị DN có vấn đề

Thật ra khái niệm quản trị DN (corporate governance) là vấn đề không dễ nắm bắt để muốn nói sao cũng được. Luật pháp mỗi quốc gia đều có cách hiểu khác nhau về quản trị DN. Đại thể quản trị DN liên quan đến bốn vấn đề là (1) cấu trúc và trách nhiệm của HĐQT, (2) các khoản lương, thưởng, (3) sở hữu tập trung của các cổ đông lớn đến mức nào là vừa và (4) minh bạch báo cáo tài chính.

Cả bốn vấn đề trên ở EVN đều có vấn đề.

Đòn quyết định của EVN ảnh 1

Theo Bộ trưởng Công Thương Vũ Huy Hoàng, EVN thua lỗ vì còn đảm nhiệm thêm cả mục tiêu an sinh xã hội chứ không phải lỗ do quản trị DN. Trong ảnh: Thi công một đường dây điện trên đường Nguyễn Văn Linh, TP.HCM. Ảnh: HTD

Vấn đề thứ nhất, trách nhiệm giải trình của HĐQT ở các tập đoàn nhà nước và EVN yếu kém đến mức như thế nào mọi người dân Việt Nam đều rõ. Vấn đề thứ hai, các khoản lương, thưởng trong tập đoàn đều cao hơn so với mặt bằng chung của nhiều DN khác. Vấn đề thứ ba, sở hữu nhà nước tuyệt đối ở các tập đoàn kinh tế nhà nước khiến cho dù có muốn áp dụng các tiêu chuẩn quản trị DN hiện đại vào các tập đoàn cũng không dễ. Vấn đề thứ tư là minh bạch báo cáo tài chính, nói đến tập đoàn mọi người chỉ còn biết lắc đầu ngao ngán vì ma hồn trận các số liệu tài chính của chúng.

Giảm lỗ do tiết kiệm

Ở Việt Nam, Bộ Tài chính ban hành Quyết định 12 ngày 13/7/2007 định nghĩa điều hành công ty là “một hệ thống các quy tắc để đảm bảo cho công ty được định hướng điều hành và được kiểm soát một cách có hiệu quả vì quyền lợi của cổ đông và những người có liên quan đến công ty”. Hiểu theo nghĩa này, EVN càng không quản lý DN có hiệu quả vì quyền lợi là những người nộp thuế - những người góp phần hình thành vốn của EVN. Xin lấy ví dụ, tại cuộc họp tổng kết ngày 6-1, ông tổng giám đốc Phạm Lê Thanh cho biết năm 2011 EVN dự kiến lỗ lên tới trên 11.000 tỉ đồng nhưng do điều tiết sản xuất, giảm tối đa chi phí nên kết thúc năm 2011, EVN lỗ 3.500 tỉ đồng. Nói theo cách này, có lẽ EVN muốn hàm ý cho người nộp thuế biết rằng mình “lãi” 7.500 tỉ đồng là do tiết kiệm chi phí và điều tiết sản xuất.

Đây đúng là cách lập luận của thời kỳ bao cấp cách nay ba thập niên ở khu vực DN nhà nước. Ngày ấy, các vị lãnh đạo muốn thăng quan tiến chức rất đơn giản. Chỉ cần họ kê khai định mức chi tiêu mọi thứ đều là con số cao ngất ngưởng, đến khi thực hiện thì chỉ tiêu nào cũng hoàn thành vượt mức (tức ít hơn con số dự kiến). Trong trường hợp EVN, việc tự kê khai dự kiến lỗ trên 11.000 tỉ đồng cũng không ai biết họ dựa trên cơ sở nào. Nếu nói chính xác hơn, dự kiến lỗ 11.000 tỉ đồng của EVN chỉ là câu chuyện trên giấy. Phần còn lại rất đơn giản, cuối năm chỉ cần lấy kéo cắt phần lớn tờ giấy đi thì sẽ hoàn thành kế hoạch. Các khoản lỗ còn lại chẳng qua là do cơ chế và do giá. Vì vậy tăng giá điện là điệp khúc quen thuộc mà người dân phải chấp nhận. Vấn đề chỉ là thời điểm nào EVN tung đòn quyết định mà thôi. Và EVN đã không ngại tung đòn đòi xin tăng giá điện ngay cả khi Chính phủ, DN và người dân đang khắc khoải mong mỏi hằng ngày kéo tỉ lệ lạm phát trong năm 2012 về dưới một con số.

GS-TS TRẦN NGỌC THƠ

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm