Đông đảo chuyên gia góp ý Thủ tướng: Kéo giảm ngay lãi suất

Trọn ngày hôm qua (20-8), Thủ tướng Chính phủ, các phó thủ tướng và nhiều bộ trưởng đã có cuộc tham vấn với hơn 30 nhà khoa học, chuyên gia kinh tế. Cuộc tham vấn này đánh giá, dự báo tình hình trong và ngoài nước để tìm giải pháp điều hành, phát triển kinh tế-xã hội cho những tháng cuối năm, năm 2012 và cả nhiệm kỳ Chính phủ năm năm tới. Đây là lần đầu tiên Thủ tướng tổ chức một cuộc tham vấn với đông đảo chuyên gia, không chỉ các chuyên gia trong các cơ quan nghiên cứu của Chính phủ mà từ cả các hội, viện, trường, tổ chức nghiên cứu độc lập.

Ông Bùi Kiến Thành, chuyên gia kinh tế, nhận định: “Một buổi tham vấn đặc biệt thú vị và tích cực. Các phát biểu đều rất trung thực với tinh thần dám nói, thẳng thắn, xây dựng. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cùng các vị phó đều lắng nghe nghiêm túc, kể cả những ý kiến chỉ trích gay gắt”.

Đừng dồn khó cho doanh nghiệp

. Qua những ý kiến phát biểu, ông thấy các chuyên gia thống nhất đánh giá thế nào về tình hình kinh tế hiện nay, thưa ông?

Đông đảo chuyên gia góp ý Thủ tướng: Kéo giảm ngay lãi suất ảnh 1
+ Chuyên gia Bùi Kiến Thành (ảnh): Về kinh tế thế giới, đánh giá chung là kinh tế toàn cầu đang thành cơn bão, sức công phá chưa lường hết. Cơn bão ấy khó qua nhanh, ngay cả những nền kinh tế lớn như Mỹ, EU cũng cần thêm thời gian mới vượt qua được. Tất cả đang làm bộc lộ yếu kém trong quản lý nợ công, quản trị quốc gia… Việt Nam sẽ chịu tác động tiêu cực, trước hết là xuất khẩu sẽ gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, cơn bão cũng có mặt tích cực mà ta phải chuẩn bị tận dụng. DN ở các nước phát triển gặp phải vấn đề chi phí sản xuất quá cao, lao động đắt đỏ, ắt sẽ dịch chuyển sản xuất sang những nước có chi phí thấp hơn. Việt Nam có thể là điểm đến của xu hướng ấy.

Kinh tế trong nước thì các chuyên gia đồng thuận về khó khăn mà DN đang đối mặt: lãi suất cho vay quá cao, lạm phát còn ở mức cao. Chúng tôi cũng nhất trí là điều hành kinh tế thời gian tới vẫn phải coi kiềm chế lạm phát là ưu tiên hàng đầu, tuy vậy không vì thế mà dồn khó khăn cho DN. Ý kiến chung là cần kéo lãi suất xuống nhưng giải pháp còn khác nhau. Một số ý kiến cho rằng NHNN cần can thiệp ngay, hỗ trợ thanh khoản cho NHTM, kéo lãi suất xuống. Những chuyên gia khác cho rằng phải giảm lạm phát trước, lúc ấy lãi suất cũng sẽ ắt giảm theo…

Đông đảo chuyên gia góp ý Thủ tướng: Kéo giảm ngay lãi suất ảnh 2

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng với các chuyên gia, nhà khoa học. Ảnh: TTXVN

. Dư luận đang đồn đoán về khả năng nới tín dụng nói chung và đặc biệt là với tín dụng bất động sản. Vấn đề này được các chuyên gia thảo luận thế nào?

+ Không ai nói là nới rộng tín dụng cả mà là quản lý, điều hành tín dụng sao cho linh hoạt, hiệu quả, đáp ứng nhu cầu của nền kinh tế. Nguyên tắc chung là ruộng không được cạn khô nứt nẻ nhưng cũng không được úng ngập. Tín dụng linh hoạt nhưng không thể để lạm phát bùng lên và cũng không thể vì kiềm chế lạm phát mà siết chặt tín dụng khiến cho doanh nghiệp phá sản hàng loạt.

Cần can thiệp hạ lãi suất cho vay

. Ông đóng góp gì cho Chính phủ trong buổi tham vấn này?

+ Tôi có hai bài, một về đánh giá tình hình thế giới, một về vấn đề tín dụng cho sản xuất trong nước. Vấn đề thứ hai này, tôi nghiêng theo hướng là NHNN cần can thiệp để hạ lãi suất cho vay trước. Có vậy, tình trạng mất ổn định ở khu vực sản xuất mới được khắc phục và chỉ khi DN phát triển ổn định thì mới có thể kéo lạm phát xuống được.

Cơ sở thực hiện là hạn mức tín dụng mà Chính phủ đề ra với mức 20% cho cả năm, đến nay mới thực hiện được 7%-8%, vẫn còn dư địa nhiều. NHNN hoàn toàn có thể lên một chương trình cấp vốn giá rẻ cho các NHTM, kèm theo các điều kiện chặt chẽ để nguồn tín dụng ấy không chảy vào lĩnh vực phi sản xuất, đầu cơ, gây lạm phát.

. Đây là lần thứ ba Thủ tướng và Thường trực Chính phủ tham vấn các chuyên gia kinh tế. Ông nghĩ thế nào?

+ Tôi không tham dự các lần trước nhưng đây là lần tham vấn đặc biệt. Những lần trước, Thủ tướng chủ yếu mời các chuyên gia ở các cơ quan nghiên cứu của Chính phủ. Lần này thì có cả những học giả, chuyên gia, nhà nghiên cứu độc lập từ nước ngoài về…

Có ý kiến đề nghị: Chính phủ tổ chức một đội đặc nhiệm, chuyên trách lắng nghe, trao đổi thông tin với giới chuyên gia. Thủ tướng nói là sẽ suy nghĩ về đề xuất này nhưng trước mắt sẽ tham vấn sáu tháng/lần.

. Xin cảm ơn ông.

Phát biểu kết thúc buổi tham vấn, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đánh giá cao và cảm ơn các ý kiến, kiến giải, kiến nghị sâu sắc, thẳng thắn, trách nhiệm của các chuyên gia. Thủ tướng cho rằng các đánh giá đã phân tích đúng tình hình, cũng như những yếu kém, bất cập cần khắc phục.

Thủ tướng thống nhất với các chuyên gia là cần kiên định, ưu tiên kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, sớm đưa lạm phát về một con số. Cần quan tâm tháo gỡ khó khăn cho DN, chăm lo an sinh xã hội.

Thủ tướng nói: “Tái cấu trúc trước hết phải từ đầu tư công, gắn với kiểm soát nợ công, tái cấu trúc DNNN, hệ thống NHTM; tái cấu trúc thể chế, nhất là khâu quy hoạch, phân cấp quản lý đầu tư và tài chính công”.

Ngoài ra, Thủ tướng khẳng định phải kiên trì cải cách giáo dục, đào tạo nguồn nhân lực, cải cách hành chính và PCTN, hội nhập quốc tế và xử lý vấn đề lợi ích quốc gia, lợi ích dân tộc trong môi trường toàn cầu hóa.

Theo website Chính phủ, VTV

Bắt đầu có tín hiệu giảm lãi suất

Theo tôi, để kéo lạm phát xuống thì phải hạ lãi suất cho vay. Tín hiệu giảm lãi suất đã bắt đầu le lói:

Lạm phát đã có dấu hiệu giảm, dự báo chỉ số giá tiêu dùng tháng 8 sẽ giảm còn khoảng 1% so với mức 1,17% của tháng 7.

Thanh khoản các NHTM được cải thiện rất nhiều so với thời gian trước. Lãi suất liên ngân hàng đã giảm khoảng 2% so với tháng trước.

Các chính sách hỗ trợ DN thông qua giảm, giãn thuế TNDN, tập trung tín dụng cho khu vực sản xuất… đã tạo động lực cho khu vực DN.

Theo NHNN báo cáo thì họ sẽ dùng công cụ qua thị trường mở để tái cấp vốn cho các NHTM. Ngân hàng trung ương cho các NHTM vay lãi suất hơn 10% chẳng hạn. Khi đó lãi suất mà các NHTM cho vay ra thị trường sẽ chỉ 17%-19% như NHNN cho hay.

Tiến sĩ CAO SĨ KIÊM

LÊ THANH ghi

NGHĨA NHÂN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm