Dòng người kéo về quê, hai ngành với 3,4 triệu lao động lo đứt gãy

Chiều 8-10, Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS) và Hiệp hội Da- Giày-Túi xách Việt Nam (LEFASO) phối hợp tổ chức buổi đối thoại “Chung sức vì sự phục hồi bền vững ngành dệt may – da giày Việt Nam”.

Buổi đối thoại nhằm chia sẻ kết quả nghiên cứu đánh giá tác động của làn sóng Covid-19 lần thứ 4 đến doanh nghiệp (DN) và người lao động (NLĐ) ngành dệt may – da giày, từ đó đưa ra các giải pháp hỗ trợ ngành dệt may – da giày phục hồi sản xuất bền vững.

Khai mạc buổi đối thoại, ông Trương Văn Cẩm, Phó chủ tịch VITAS cho biết, ngành dệt may, da giày là hai ngành dùng nhiều lao động nhất trong các ngành kinh tế của Việt Nam.

Dệt may có khoảng 2 triệu lao động, chiếm 25% lao động toàn ngành chế biến chế tạo. Da dày cũng sử dụng 1,4 triệu lao động, chiếm 18,2%.

Buổi đối thoại tổ chức theo hình thức trực tuyến. Ảnh: AH

Ngoài ra có gần 1,5 triệu người kinh doanh dịch vụ thương mại liên quan đến dệt may, da giày. Đây cũng là ngành có kim ngạch xuất khẩu rất lớn, dệt may gần 40 tỷ USD/năm, da giày 20 tỷ USD/năm.

Tuy nhiên khi dịch Covid-19 xảy ra, chưa bao giờ chuỗi cung ứng của hai ngành đối mặt với thách thức vô cùng lớn như vậy. Năm 2020 là năm đầu tiên hai ngành tăng trưởng âm sau vài chục năm liên tục tăng rất cao.

Những tháng đầu năm 2021 hy vọng sản xuất phục hồi nhưng từ tháng 8 dịch quay lại với diễn biến phức tạp và kéo dài. Cả nước có 28 tỉnh, thành phố phải giãn cách xã hội theo chỉ thị 15, 16 với quy mô mức độ khác nhau khiến nhiều DN dệt may, da giày phải tạm dừng sản xuất, NLĐ mất việc làm.

Nhiều DN thực hiện 3 tại chỗ nhưng chi phí rất cao, nguy cơ lây nhiễm dịch rất cao. Cạnh đó, phương án phòng chống dịch giữa các địa phương không thống nhất, nơi đóng, nơi mở cũng là nguyên nhân gây ách tắc vận chuyển

"Tâm lý lo sợ nhiễm bệnh cùng đời sống khó khăn khi không đi làm đã khiến hàng triệu lao động ở Bình Dương, Đồng Nai, TP.HCM, các tỉnh phía Nam... đã về quê, trong đó có DN dệt may, da giày. Với dệt may, da giày một lần nữa có nguy cơ đứt gãy không phải do yếu tố cung cầu bên ngoài mà do khan hiếm lao động.

Đây chính là bài toán khó cho DN dệt may, da giày khi bước vào giai đoạn phục hồi sản xuất theo chủ trương mới của Chính phủ, nghĩa là thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 thay cho chủ trương không có Covid-19" - ông Cẩm nói.

Tiến sỹ Đỗ Quỳnh Chi, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Quan hệ Lao động cho biết VITAS, LEFASO và nhóm PPP thực hiện hai khảo sát trong tháng 9-2021 với 256 DN dệt may, giày dép và 300 công nhân hai ngành.

Kết quả cho thấy, những DN hoạt động trong khu vực áp dụng chỉ thị 16 có 65,3% DN Việt Nam đã ngừng hoạt động trong tháng 9. Trong khi đó, số DN FDI vẫn duy trì hoạt động đến 62,7%.

Với những DN vẫn hoạt động theo mô hình 3 tại chỗ, chi phí vận hành DN trong dịch tăng rất cao, trung bình 2,2 tỷ/tuần cho một nhà máy có 1.000 lao động. Những nguyên nhân trên đã tác động lớn tới tiến độ hoàn thành đơn hàng của DN.

"Có đến 68,1% số DN cho biết họ bị nhãn hàng phạt do DN giao hàng chậm; 12,2% DN bị đối tác hủy đơn, phải đền hợp đồng; 21% DN cho biết bị nhãn hàng chủ động hủy, nhưng không bắt DN đền bù; 13,1% nhãn hàng hủy đơn chưa ký" - bà Chi thông tin.

68,1% số DN tham gia khảo sát cho biết họ bị nhãn hàng phạt do DN giao hàng chậm. 

Các DN rất lo lắng khi bị chậm đơn hàng. Khi đó khách hàng có thể hủy giữa chừng và rút đơn hàng đang sản xuất chuyển sang Trung Quốc và Indonesia. Hoặc nhãn hàng đồng ý cho giao hàng chậm nhưng DN phải trả chi phí xuất hàng bằng đường hàng không. Các đơn hàng mùa mới 2022 đã bị tạm dừng hoặc bị giảm số lượng.

Về tình hình NLĐ, trên 60% NLĐ di cư muốn về quê hoặc đã về quê, chủ yếu trong một thời gian ngắn để phục hồi sức khỏe và cuộc sống cho bản thân, con cái.

Tuy nhiên, có tín hiệu thuận lợi là 89% NLĐ di cư và 96% NLĐ địa phương muốn tiếp tục làm ở nhà máy hiện tại. Thế nhưng nếu không có biện pháp hỗ trợ tích cực, sẽ phải mất 3-5 tháng để NLĐ di cư trở lại nhà máy.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm