Du lịch đang thiếu cái gốc văn hóa

Và hiện nay, ngành du lịch đã được nâng tầm lên một vị thế mới, thể hiện trong tên gọi của Bộ VH-TT&DL cùng với nhiều cuộc hội thảo về chiến lược phát triển mang tầm cỡ quốc gia và khu vực liên tiếp được tổ chức. Thế nhưng những nhà hoạch định chiến lược có vẻ vẫn đang loay hoay chưa tìm ra lối thoát cho những bất cập tồn tại suốt một thời gian dài. Mặc cho những khẩu hiệu rất kêu, như: “Việt Nam - điểm đến của thiên niên kỷ”, “Việt Nam - vẻ đẹp tiềm ẩn”, “Việt Nam - vẻ đẹp bất tận”… với hình ảnh cô thiếu nữ Việt Nam che nghiêng nón lá và nụ cười rạng rỡ được quảng bá khắp nơi…

Thế nhưng bên cạnh những việc làm tích cực trên là nhan nhản những hình ảnh phản cảm, như nạn chèo kéo khách du lịch - nhất là người nước ngoài. Tệ nạn xả rác bừa bãi và gây ô nhiễm môi trường ngay tại các điểm tham quan hoặc bên cạnh các danh thắng, các di sản thiên nhiên, di sản văn hóa, đền chùa!... Tôi rùng mình nhớ lại năm 2010, kỷ niệm “Ngàn năm Thăng Long-Hà Nội”, quanh bờ Hồ Gươm, ban đêm mấy nhà vệ sinh công cộng tràn ngập người và nhiều người không chịu được đã phóng uế bừa bãi phía sau nhà vệ sinh!

Và vừa qua, trên đường đi miền Trung, tôi có ghé thăm chùa Thập Tháp ở Bình Định - ngôi chùa cổ nhất miền Trung. Cách cổng chùa mấy trăm mét, ở hai đầu cầu Chùa, rác tràn ngập bốc mùi xú uế nồng nặc. Trước cổng tháp Cánh Tiên - ngôi tháp Chàm di sản văn hóa và cổng lăng Võ Tánh gần đó cũng tràn ngập rác, trước những đôi mắt ngạc nhiên và những bàn tay bịt mũi của các du khách nước ngoài!...

Ở một thành phố nóng nực như TP.HCM, chúng ta thường bắt gặp những khách Tây ba lô tay lúc nào cũng cầm chai nước nhưng nếu để ý, họ chỉ dám nhấp môi chứ không dám uống nhiều, vì họ sợ không tìm ra WC để giải quyết đầu ra. Ngay cả người địa phương nhiều lúc cũng không biết tìm đâu ra cái WC công cộng vì quá hiếm, không biết xoay xở ra sao. Rồi nạn chặt chém giá cả trên trời của những người bán hàng rong đeo bám khách, kể cả các cửa hàng lớn nhỏ - tư nhân lẫn quốc doanh góp phần làm nản lòng du khách. Gần đây, nạn cướp giật, hành hung du khách nước ngoài gia tăng đáng kể mà các phương tiện thông tin đại chúng đã liên tiếp báo động đã làm xấu đi hình ảnh con người và đất nước Việt Nam mà ngành du lịch đã bỏ bao công sức xây dựng, quảng bá! Một vấn đề quan trọng khác đã làm ảnh hưởng tới sự phát triển của ngành du lịch là giá tour của Việt Nam quá cao, cao hơn Thái Lan đến 30%!

Những điều bức xúc vừa nêu đã góp phần lý giải tại sao, theo một cuộc thăm dò mới đây thì đến 85% khách du lịch nước ngoài được hỏi đã trả lời sẽ không quay lại Việt Nam. Ngoài ra, tại cuộc hội thảo về vai trò của pháp luật trong việc bảo vệ thương hiệu du lịch tổ chức tuần qua, nhiều công ty du lịch nổi tiếng như Hòa Bình, Viettravel… đã la làng về chuyện bị các doanh nghiệp du lịch lôm côm ăn cắp thương hiệu trắng trợn hoặc bị nhập nhằng nhái tên thương hiệu uy tín của họ. Có thể lý giải chuyện này là một phần vì tuy du lịch là một ngành kinh doanh đặc biệt có mang tính văn hóa nhưng nhiều người làm du lịch thiếu văn hóa, lợi dụng kẽ hở pháp luật kinh doanh chụp giật.

Thiết nghĩ muốn giải quyết những mớ hỗn độn vừa nêu, phải giải quyết từ cái gốc văn hóa. Sẽ phải mất nhiều thời gian để chấn chỉnh nhưng bắt buộc phải làm, nếu muốn có một sự phát triển du lịch ổn định lâu dài.

PHẠM CHU SA

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm