Du lịch TP.HCM đi 2 ngày là biết hết

Ngày 22-4, HĐND TP phối hợp với Đài Tiếng nói nhân dân TP.HCM có buổi đối thoại với chính quyền về giải pháp đẩy mạnh phát triển du lịch TP.HCM.

Chưa có sản phẩm du lịch như kỳ vọng

Ông Nguyễn Văn Dũng, Trưởng ban Kinh tế và Ngân sách HĐND TP, cho biết một trong những nhiệm vụ quan trọng tâm để thu hút khách, phát triển sản phẩm du lịch ở điểm đến là quan trọng nhất. Ủy ban cũng đã giao cho Sở Du lịch thực hiện. Tuy nhiên, trong quá trình theo dõi, HĐND nhận thấy nhiều năm qua ngành du lịch đề ra các sản phẩm du lịch đường thủy nội đô, du lịch đường sông… nhưng đến nay chưa sản phẩm nào được coi là thành công trong quá trình triển khai nhiệm vụ. Thậm chí quá trình triển khai diễn ra chậm. Dường như còn đang bàn nhiều, kết quả chưa được kỳ vọng.

Giải thích vấn đề trên, ông Bùi Tá Hoàng Vũ, Giám đốc Sở Du lịch TP.HCM, cho rằng những kỳ vọng mà HĐND đại diện cho người dân thành phố đặt ra cũng đòi hỏi vấn đề quy hoạch và công tác quản lý nhà nước phải được thực hiện khoa học, bài bản hơn. Chẳng hạn từ việc chưa có quy hoạch đưa vào sử dụng cầu tàu tiếp cận du lịch đường thủy và giao thông thủy ở khu vực trung tâm…đã ảnh hưởng đến sản phẩm du lịch. Tuy nhiên, vấn đề này trong năm 2017 việc khai thác cầu tàu ở khu vực bến Bạch Đằng để phục vụ giao thông đường thủy và phục vụ du lịch sẽ thực hiện. Đầu tháng 6 này đưa vào vận hành với sự chỉnh trang không gian đô thị TP.HCM đẹp hơn…

Ông Vũ cho biết thêm đối với phố đi bộ Nguyễn Huệ, khu phố Tây… Sở cùng quận 1 chuẩn bị hoàn thiện đề án và báo cáo sâu với thường trực ủy ban và được thống nhất cho phép từ tháng 5 thí điểm tổ chức phố đi bộ trên phố Bùi Viện.

Ở góc độ doanh nghiệp, ông Trần Hùng Việt, Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Saigontourist, góp ý về việc du lịch thành phố cần duy trì nâng cao hoàn thiện các sản phẩm sẵn có như địa đạo Củ Chi, các bảo tàng. “Đối với du lịch đường sông thành phố cần tập trung vì hiện nay nếu đi các nước, nước nào có sông trong thành phố thì thu hút khách. Đây là lợi thế chúng tôi nghĩ thành phố cần tập trung ngay” - ông Việt nhấn mạnh.

Đồng thời, ông Việt chia sẻ sản phẩm đặc thù địa phương cũng cần phát huy thêm. Ví dụ như quận 9 có cù lao Long Phước đâu có khác đồng bằng sông Cửu Long nhưng 10 đoàn khách đến thành phố thì chín đoàn phải đi đồng bằng sông Cửu Long mất hơn một giờ đồng hồ. Nhưng cù lao Long Phước có nhà vườn, có kênh rạch, ẩm thực… thì đây là điểm thành phố cần tập trung phát triển.

Chỉ hai ngày là du khách khám phá hết các điểm đến ở TP.HCM.

Bà Huỳnh Thị Đoan Thùy, Phó giám đốc đại diện Công ty Vietravel, cho rằng hiện nay các công ty du lịch đã khai thác những sản phẩm sẵn có rồi và chỉ hai ngày là khách đã khám phá hết. Trong khi những sản phẩm mới mà công ty đang triển khai là phố đi bộ Nguyễn Huệ. Đây là nét văn hóa của người dân khách rất thích. Hay phố Đông y, bảo tàng áo dài… nên chăng đưa các sản phẩm này lên bản đồ để tư vấn trực tiếp cho khách luôn. Nếu du khách có một ngày hoặc nửa ngày thì đi đến những điểm nào. Vẽ lộ trình đi đâu cho du khách để họ tự khám phá hoặc đi với các đơn vị nào đó…

Ông Vũ cho biết để gia tăng lượng du khách đến thành phố, kéo du khách ở lại thành phố dài hơn, chi tiêu các dịch vụ ở thành phố nhiều hơn... Trước mắt Sở tập trung một số giải pháp. Bằng việc thiết kế những sản phẩm từ điều kiện sẵn có, ví dụ hệ thống bảo tàng, phối hợp với Sở văn hóa làm bảo tàng thông minh hoạt động hiệu quả, khung giờ phục vụ được kéo dài, ứng dụng CNTT trong nội dung thuyết minh. Bảo tàng chứng tích chiến tranh, địa đạo Củ Chi, rừng sát Cần Giờ… Sở đã kêu gọi doanh nghiệp tham gia khảo sát và bổ sung thêm những loại hình để gần gũi hơn tạo sự thích thú hơn cho du khách.

Từ tháng 5-2017, hằng tuần vào hai đêm cuối tuần ở phố Nguyễn Huệ sẽ diễn ra chương trình nghệ thuật đường phố… sẽ là điểm đến thú vị cho khách khi lưu trú tại thành phố.

Cần quảng bá xúc tiến đúng thị trường, thời điểm

Ông Dũng đặt ra vấn đề hiện nay công tác quảng bá xúc tiến đạt hiệu quả chưa và các doanh nghiệp cần thành phố hỗ trợ những gì?
Bà Thùy cho biết mong muốn của doanh nghiệp là cung và cầu gặp nhau. Cụ thể khi thành phố triển khai các chương trình xúc tiến nào thì trao đổi với doanh nghiệp xem thị trường này đúng hay không, có phù hợp trong thời điểm này hay không? Cần nắm bắt xu hướng thị trường nào thu hút khách du lịch nhiều nhất thì chúng ta đón đầu và xúc tiến ngay tại thị trường đó. Đơn cử như thị trường Ấn Độ, Trung Quốc khách chi tiêu nhiều, sẵn sàng bỏ tiền cao để đi du lịch… để đón đầu lượng khách đó như thế nào thì phải ngồi lại với nhau, để xúc tiến cho đúng. Đấy là xu hướng của cả thế giới chứ không riêng Việt Nam.

Ngay cả Củ Chi, Cần Giờ với không gian sông nước thơ mộng mà người dân thành phố vẫn chưa biết đến nhiều.

Ông Vũ cho biết đồng ý với quan điểm của doanh nghiệp, phải có những khảo sát trước khi có quyết định xúc tiến ở thị trường nào và thời điểm nào. Và không chỉ dừng lại ở các hoạt động đó mà gồm cả một chuỗi hoạt động như về đường bay, thủ tục visa, thông tin các điểm đến, kể cả những loại hình dịch vụ phù hợp với văn hóa du khách đến từ các thị trường. Chẳng hạn thị trường Ấn Độ, đây là một trong những quốc gia Thái Lan có chiến lược xúc tiến thành công và lượng khách Ấn đến Thái tương đối lớn. Đặc biệt với Việt Nam, năm 2016 khách Ấn Độ đến TP.HCM tăng 25%. Và ngay từ đầu năm Sở phối hợp chặt với lãnh sự quán Ấn Độ, các cơ quan hàng không, lữ hành để tham gia và tổ chức ngay chương trình ở Ấn. Song song đó, ngành du lịch còn chuẩn bị những nhà hàng phục vụ phù hợp với khẩu vị của người Ấn, trong quý I thấy lượng khách từ thị trường này tăng.

Bên cạnh đó, nguồn kinh phí để quảng bá thu hút du khách thì vẫn tập trung cho thị trường nước ngoài. Hằng năm Sở tổ chức các buổi Road show ở các nước và tham gia các hội chợ quốc tế để giới thiệu du lịch Việt Nam, TP.HCM để cung cấp thêm những sản phẩm, giá trị trải nghiệm khi du khách đến thành phố. Và trong tương lai công tác xúc tiến quảng bá sẽ được đầu tư hơn.

Mặt khác, ông Vũ nhìn nhận xúc tiến quảng bá du lịch dù thời gian qua dù được tập trung phát triển nhưng cần phải học tập thêm để nâng cao hiệu quả hơn.

Ông Vũ dẫn chứng ngay tại thành phố có nhiều điểm đến hấp dẫn nhưng nhiều người dân thành phố cũng không biết đến. Chẳng hạn chỉ cần không gian Củ Chi, chỉ đi trên sông giữa bến Dược bến Đình là cảm nhận được sự mát mẻ sông nước và có các món ngon... Nhưng có ít người dân thành phố trải nghiệm. Điều này đặt ra việc quảng bá giới thiệu điểm đến cho chính người dân thành phố.

Đến tháng 6-2017 các website, trên app… Sở sẽ bổ sung giới thiệu các điểm đến mới này. “Chúng tôi xem quảng bá trực tuyến là bước đi hiệu quả rất quan trọng đển thu hút khác đến TP.HCM”, ông Vũ nhấn mạnh.

Ông Dũng phát biểu thời gian tới HĐND sẽ thực hiện giám sát các hoạt động của ngành du lịch. Động thái của các quận, huyện trong thực hiện nội dung chỉ đạo tại Nghị quyết 08, Chỉ thị 07 của Ban Thường vụ Thành ủy để du lịch thực sự là một ngành kinh tế mũi nhọn. Không chỉ góp sức quảng bá điểm đến TP.HCM hấp dẫn mà góp phần thu hút đầu tư từ các nước trên thế giới.

120 ngàn tỉ đồng là mục tiêu mà ngành du lịch TP.HCM đặt ra trong năm 2017. Về lượng khách, đón 7 triệu lượt khách quốc tế, 25 triệu lượt khách nội địa. Trong năm năm trở lại đây du lịch TP.HCM đóng góp xấp xỉ 80.000 tỉ đồng, chiếm 9% cơ cấu GDP của thành phố.

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm

ĐHĐCĐ 2024 Tập đoàn GELEX diễn ra thành công

ĐHĐCĐ năm 2024 Tập đoàn GELEX diễn ra thành công

(PLO)- Sáng 28-3, Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên năm 2024 của Công ty cổ phần Tập đoàn GELEX đã diễn ra tại Hà Nội. Với sự đồng thuận và nhất trí cao, Đại hội đã thông qua toàn bộ các báo cáo, tờ trình và nhiều nội dung quan trọng khác.

Giá vàng miếng SJC bất ngờ 'nóng' trở lại

Giá vàng miếng SJC bất ngờ 'nóng' trở lại

(PLO)- Thị trường vàng trong nước có phiên tăng giá thứ hai liên tiếp. Đáng nói là trong khi vàng nhẫn tăng không đáng kể thì vàng miếng SJC lại có bước nhảy vọt, vượt mốc 81 triệu đồng/lượng.